Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Chuyển đổi số cuộc cách mạng đối với sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Huyền - 11:24, 28/10/2024

Những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, công cuộc CĐS ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được xem là cuộc cách mạng để giúp rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền ngược nhanh nhất. Ngành công tác dân tộc xác định, đẩy mạnh CĐS là nền tảng mang tính quyết định, giúp đẩy nhanh quá trình thực thi chính sách dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị sơ kết công tác CĐS 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024 và Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị sơ kết công tác CĐS 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024 và Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia

Nhìn bảng xếp hạng DTI - chỉ số CĐS cấp tỉnh những năm gần đây do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá thì nhiều tỉnh miền núi, vùng đồng bào DTTS vẫn nằm trong nhóm trung bình và thấp. Điều này không quá khó hiểu nếu xét trên các yếu tố địa hình, dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội của những khu vực khó khăn nhất cả nước này. Thế nhưng, những thành quả CĐS đang góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. CĐS đang là một trong những dấu ấn nổi bật ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trên hành trình phát triển.

Xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vì vậy, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc (CTDT), Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong ngành CTDT. Ngày 05/10/2021, UBDT đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS do Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh làm Trưởng ban. Theo đó, tiến hành xây dựng kế hoạch CĐS hằng năm; triển khai các văn bản của Ban Chỉ đạo CĐS quốc gia; chỉ đạo các vụ, đơn vị tích cực ứng dụng CNTT làm tiền đề để thực hiện kế hoạch CĐS trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ…

Bên cạnh đó, UBDT tập trung triển khai tham mưu xây dựng Đề án CĐS và ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Xây dựng cơ sở hạ tầng và phần mềm quản lý tài liệu lưu trữ của UBDT; Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của UBDT; Xây dựng kho dữ liệu và hệ thống khai thác thông tin thống kê CTDT và dữ liệu thống kê 53 DTTS; Triển khai Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của UBDT phiên bản 2.0…

Trong bối cảnh hiện nay, cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và phát triển thương hiệu; kỹ năng bán hàng trên nền tảng số; xây dựng, phát triển hệ thống bán hàng online; dịch vụ công… Tuy nhiên, với đặc thù về địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn của vùng đồng bào DTTS, thì việc ứng dụng CNTT đòi hỏi quyết tâm rất cao của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc cũng như sự phối hợp của người dân.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1087/QĐ-TTg ngày 02/10/2024 về phê duyệt Đề án “Tăng cường CĐS lĩnh vực CTDT đến năm 2030”. Đề án hướng tới mục tiêu tăng cường CĐS lĩnh vực CTDT nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước về CTDT, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số tại vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy quá trình CĐS quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS Việt Nam...

Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm về công tác CĐS và Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2024 của UBDT, các đại biểu đã đi sâu vào thảo luận, cho ý kiến đối với các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Đề án “Tăng cường CĐS lĩnh vực CTDT đến năm 2030”. Trong đó, nhấn mạnh đến các nội dung về chuyển đổi nhận thức; hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách; xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia theo Kiến trúc Chính phủ điện tử để trao đổi, chia sẻ dữ liệu; xây dựng, phát triển nền tảng số, phát triển Thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến, ứng dụng phổ biến chính sách dân tộc và hỗ trợ thông tin về giao thông, cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định các nhiệm vụ CĐS đã góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBDT, phù hợp với Chiến lược CĐS Quốc gia. Nhận thức CĐS trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nâng cao, từ đó góp phần giải quyết công việc hiệu quả, tiết kiệm thời gian.

Những thành quả CĐS đang góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: minh họa
Những thành quả CĐS đang góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: minh họa

Để triển khai hiệu quả công tác CĐS trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị các vụ, đơn vị thuộc UBDT rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ được giao liên quan đến CĐS để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo liên quan đến CĐS; liên tục cập nhật các chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo CĐS Quốc gia, Chính phủ và các bộ, ngành để tham mưu kịp thời các nhiệm vụ cần thực hiện.

Về việc thực hiện Đề án “Tăng cường CĐS lĩnh vực CTDT đến năm 2030”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị các vụ, đơn vị bám sát mục tiêu, nhiệm vụ theo Quyết định số 1087 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ thời gian, người thực hiện, sản phẩm…, đồng thời nhanh chóng xây dựng văn bản hướng dẫn cho các địa phương thực hiện.

Ngành CTDT xác định, việc tập trung thực hiện CĐS trong lĩnh vực CTDT, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực CTDT đến năm 2030” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để thực thi và đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân vùng DTTS và miền núi một cách thiết thực, hiệu quả nhất, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.