Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nan giải bài toán thiếu bác sĩ ở Phú Yên

PV - 14:19, 11/12/2018

Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Yên đều thiếu bác sĩ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là việc triển khai nhiều kỹ thuật khó. Dù đã liên tục có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhưng số lượng bác sĩ về nhận công tác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Phú Yên Nhiều kỹ thuật khó không triển khai liên tục được vì thiếu bác sĩ. (Trong ảnh: Phẫu thuật ở Bệnh viện tỉnh Phú Yên).

Ảnh hưởng đến công tác điều trị

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy An nhận định, là huyện trọng điểm của tỉnh, có điều kiện kinh tế phát triển khá sôi động nhưng số lượng bác sĩ về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện vẫn rất thiếu. Hiện, Trung tâm có đến 150 giường bệnh nhưng chỉ có hơn 20 bác sĩ. Nhiều bác sĩ là lãnh đạo cũng phải kiêm nhiệm nhiều việc và thường xuyên thăm khám cho bệnh nhân.

Việc thiếu bác sĩ đã khiến nhiều ca phẫu thuật cấp cứu bị ảnh hưởng lớn. Ở các tuyến xã của Tuy An cũng thiếu bác sĩ nên Trung tâm Y tế Tuy An phải điều tiết bác sĩ về.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên được tỉnh chú trọng đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật và có sự ký kết nhận chuyển giao nhiều gói kỹ thuật điều trị từ tuyến trên. Nhưng, lượng bác sĩ mỏng nên vẫn gặp khó trong việc triển khai phẫu thuật cho bệnh nhân. Nhiều khoa, đơn vị phải hoạt động cầm chừng như: Khoa Đơn nguyên tim mạch-can thiệp chỉ có 3 bác sĩ. Dù đã tiếp nhận nhiều gói kỹ thuật từ Bệnh viện Thống Nhất nhưng việc triển khai vẫn cầm chừng vì thiếu bác sĩ. Tại bộ phận ung bướu thiếu bác sĩ vận hành máy xạ trị, bệnh nhân thiệt thòi rất nhiều, phải chuyển lên tuyến trên, đi xa tốn kém. Cũng vì thiếu bác sĩ, nhiều khoa muốn mở rộng phát triển cũng không được như khoa Ngoại thần kinh, Truyền nhiễm.

Tại huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, nhiều bệnh nhân cũng phải liên tục chuyển tuyến vì thiếu bác sĩ. Không thực hiện được nhiều ca phẫu thuật, dẫu máy móc đã được trang bị. Ông Y Thanh và hàng chục bệnh nhân là người Ba Na ở buôn Trinh (xã Ea Trol, Sông Hinh) cho biết: Hầu hết dân ở đây đều nghèo, công việc chính là làm rẫy. Nếu cứ bệnh nặng một chút là phải về tuyến trên thì rất vất vả, tốn kém. Nhiều người cũng vì lẽ đó mà không đi nên bệnh càng nặng thêm. Mong bác sĩ sớm về với các huyện như Sông Hinh, Sơn Hòa để người dân đỡ vất vả hơn.

Phú Yê =n Thiếu bác sĩ, ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh ở nhiều bệnh viện của Phú Yên. (Trong ảnh: Bệnh nhân từ Sông Hinh về Bệnh viện Sản nhi Phú Yên để được khám bệnh)

Rộng cửa thu hút

Đã thiếu trầm trọng mà nhiều bác sĩ đang công tác tại một số cơ sở y tế ở Phú Yên được đào tạo tại chỗ hoặc cử đi đào tạo lên trình độ cao hơn nhưng sau khi được đào tạo thì nhiều bác sĩ tìm cách bỏ bệnh viện công.

Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách ưu đãi lớn để thu hút bác sĩ. Hiện nay, bác sĩ có trình độ sau đại học về Phú Yên công tác, cam kết làm việc thời gian dài sẽ được hỗ trợ ngay 300 đến 500 triệu đồng. Bác sĩ trình độ đại học thì được hỗ trợ 200 đến 250 triệu đồng. Ngoài ưu đãi bằng tiền mặt, các bác sĩ trình độ đại học còn được trả lương cao gấp 1,5 lần lương cơ bản, bác sĩ chuyên khoa I lương gấp đôi lương cơ bản, bác sĩ chuyên khoa II hoặc tiến sĩ được trả lương gấp 3 lần lương cơ bản. Các chương trình ưu đãi này không áp dụng với người tốt nghiệp hệ tại chức, từ xa.

Ưu đãi là vậy nhưng từ năm 2014 đến nay, Phú Yên chỉ tuyển được 119 bác sĩ, trong đó có 82 bác sĩ đa khoa, 6 bác sĩ răng hàm mặt, 10 bác sĩ y học cổ truyền, 15 bác sĩ y học dự phòng. Nhiều chuyên khoa như: Da liễu, Tâm thần, Lao… đang rất thiếu bác sĩ.

Theo đánh giá của ngành Y tế Phú Yên thì, các bác sĩ về địa phương sẽ được bố trí làm việc phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bệnh viện. Đối với bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc được ưu tiên bố trí làm việc tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh. Sau 2 năm công tác, nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện đi đào tạo ở trình độ cao hơn thì được xem xét cử đi học và được hưởng các chế độ hỗ trợ đi học theo quy định hiện hành. Hy vọng với các ưu đãi này, Phú Yên sẽ sớm thu hút đủ số lượng bác sĩ để đáp ứng nhu cầu thực tế.

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.