Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS ở Khánh Hòa: Cần những giải pháp hiệu quả hơn

Thành Nhân - 12:31, 30/11/2020

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đầu tư cho giáo dục vùng DTTS, miền núi. Tuy nhiên hiện nay, chất lượng giáo dục ở khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế như: Kết quả học tập còn chênh lệch, học sinh (HS) bỏ học, lưu ban còn nhiều… Thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục phải có những giải pháp hiệu quả hơn.

Để nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng DTTS, miền núi, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Để nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng DTTS, miền núi, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Triển khai nhiều giải pháp

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Khánh Hòa, một trong những giải pháp mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng miền núi đó là thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, qua 5 năm thực hiện, Đề án đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Ông Lê Đình Thuần, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cho biết: Thực hiện Đề án, các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS. Các trường thuộc Đề án coi đây là một trong những giải pháp để duy trì kết quả phổ cập giáo dục tại các địa phương. Nhờ việc mở các lớp tập nói tiếng Việt trong hè cho trẻ mầm non 5 tuổi, tăng cường thời lượng dạy tiếng Việt cho các lớp đầu cấp, phụ đạo HS yếu... nên chất lượng HS vùng DTTS trên địa bàn tỉnh những năm qua đã tốt hơn, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ cao. 

Bên cạnh đó, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới nội dung, phương thức dạy học. Nhiều trường có tiến bộ nhất định về chất lượng giáo dục văn hóa cho HS, dù chất lượng đầu vào thấp. Những năm qua, các trường đã duy trì việc khảo sát chất lượng HS đầu năm học, phân loại đối tượng HS, tổ chức giảng dạy phụ đạo cho HS yếu kém, dạy tăng tiết đối với các môn thi tốt nghiệp và bồi dưỡng HS giỏi.

Đồng thời, quản lý tốt việc học tập chuyên cần của HS, hạn chế tỷ lệ HS nghỉ học dài ngày, tổ chức tự học ban đêm (từ 19h30 - 22h) dưới sự quản lý của ban giám hiệu và giám thị. Đây là một biện pháp khá quan trọng nhằm rèn luyện thói quen tự học của HS, nâng cao chất lượng học tập ngoài các giờ lên lớp chính khóa.

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp cũng được quan tâm hơn. Ông Lê Đình Thuần thông tin: Các buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên đi sâu hơn vào công tác chuyên môn để chia sẻ, đánh giá các giờ dạy, nội dung mang tính hành chính, sự vụ giảm dần. Các trường phổ thông dân tộc nội trú còn tổ chức tốt và thu hút đông HS tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, giúp HS hứng thú học tập và tăng cường rèn luyện kỹ năng sống…

Còn không ít khó khăn

Nhìn chung, chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi Khánh Hòa đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Kết quả học tập của HS không đồng đều, tình trạng HS lưu ban còn cao, không ít HS nghỉ học vì phải theo gia đình đi xa làm nương rẫy.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 58 trường mầm non có HS DTTS/ tổng số 205 trường mầm non. Tỷ lệ trẻ mầm non DTTS được huy động ra lớp đạt 52,7%. Ở cấp tiểu học, HS DTTS chiếm tỷ lệ 8%; năm học 2019 - 2020 có 97,2% HS hoàn thành chương trình. Đối với 5 trường Phổ thông dân tộc nội trú (tổng cộng gần 990 HS), năm học 2019 - 2020, cấp THCS có 56,8% HS học lực trung bình, 7,7% HS học lực yếu, gần 1,7% HS học lực kém; cấp THPT có 47,8% HS học lực trung bình, hơn 14,8% HS học lực yếu, gần 3,8% HS học lực kém.

Nguyên nhân chính là do đời sống của đồng bào DTTS còn nghèo nàn, lạc hậu, nhận thức và nhu cầu học tập chưa cao. Muốn thay đổi được suy nghĩ này, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và ưu tiên hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Khi không còn nỗi lo cơm áo thì nhu cầu học tập, mở mang kiến thức cũng được tăng lên.

Một nguyên nhân nữa là, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Do đặc thù khu vực miền núi nên giáo viên hàng năm phải thay đổi và luân chuyển thường xuyên, giáo viên mới thường không có kinh nghiệm giảng dạy, nhất là với đối tượng HS DTTS. Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ thí nghiệm, thực hành, phòng máy vi tính để dạy tin học cho HS ở các trường còn thiếu. Mức hỗ trợ ăn trưa 260.000 đến 290.000 đồng/tháng chưa bảo đảm cho một bữa ăn dinh dưỡng và đa dạng nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao…

Nói về định hướng phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi những năm tiếp theo, ông Lê Đình Thuần cho biết: Sở GD&ĐT đang tập trung vào một số giải pháp đã thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục rà soát thực trạng phát triển của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi để có phương án quản lý phù hợp. Chỉ đạo thực hiện tốt việc đánh giá chất lượng giáo dục của các trường, địa phương để tăng cường các giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế.

“Việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên sẽ tiếp tục chú trọng hơn đến các nội dung mang tính đặc thù của vùng DTTS như: Giáo dục kỹ năng sống, công tác HS nội trú, đặc điểm tâm lý HS, giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương... Sở cũng sẽ phối hợp với các cấp, ngành đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các trường, tiếp tục quan tâm đến chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên và HS...”, ông Thuần cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tân sinh viên người Bru Vân Kiều khơi dậy mơ ước ở bản Zìn Zin

Tân sinh viên người Bru Vân Kiều khơi dậy mơ ước ở bản Zìn Zin

Mới đây, bản Zìn Zin, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có một chàng trai dân tộc Bru Vân Kiều thi đỗ vào ngành Công an. Sự kiện này đã khơi dậy cho thế hệ trẻ bản Zìn Zin một niềm mơ ước đổi thay bằng con đường học tập.