Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt: Không đánh đồng giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh

PV - 15:31, 11/10/2018

Nước sạch là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hằng ngày và là một đòi hỏi bức bách trong việc bảo vệ sức khỏe và cải thiện sinh hoạt cho người dân, đồng thời cũng là một trong những chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng nhập nhằng trong việc xác định tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch với nước hợp vệ sinh.

Nhiều hộ dân phải vào khe lấy nước suối về dùng. Nhiều hộ dân phải vào khe lấy nước suối về dùng.

Theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, để được công nhận đạt chuẩn NTM thì các xã phải đạt chỉ tiêu người dân được sử dụng nước sạch (NS) đạt tỷ lệ từ 65% dân số trở lên. Vậy thế nào là nước sạch?

Nước sạch được định nghĩa là nguồn nước: trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa các độc chất và vi khuẩn gây bệnh cho con người. Nước sạch phải bảo đảm 14 chỉ tiêu, trong đó các tiêu chí về: Nitrat, clorua, asen, sắt, chì, mangan, thủy ngân,... theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Còn nước hợp vệ sinh (HVS) là nước không màu, không mùi, không vị, không chứa các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi. Nước HVS có thể là nước mưa được trữ trong các thiết bị dự trữ, hoặc là nguồn nước mặt được bơm lên sau đó đưa vào bồn chứa và truyền dẫn đến người dân sử dụng, hoặc là nước từ các công trình nước sinh hoạt tập trung,..

nước sạch Người dân nhiều địa phương miền núi vẫn đang thiếu nước sinh hoạt, phải sử dụng nước giếng khơi không hợp vệ sinh.

Như vậy, tỷ lệ người dân được sử dụng nước HVS có thể được đánh giá bằng cảm tính. Còn với nước sạch thì phải kiểm định dựa vào thiết bị thí nghiệm, do các cơ quan, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân thực hiện.

Điều này đồng nghĩa, các địa phương không thể tự đánh giá nước sạch mà cần phải có cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm, xác định. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, trong tiêu chí môi trường mới chỉ đánh giá chỉ tiêu nước HVS, còn chỉ tiêu về nước sạch vẫn chưa thể đánh giá. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số địa phương đã về đích NTM, nhưng sau rà soát theo bộ tiêu chí giai đoạn mới đã bị “rớt hạng”.

Lấy xã Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) làm ví dụ. Xã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015; tuy nhiên, áp theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020, Hưng Thạnh bị “rớt” 5 tiêu chí, trong đó có chỉ tiêu nước sạch trong tiêu chí vệ sinh môi trường.

Cụ thể, khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị được công nhận, xã nhập nhằng trong việc xác định tỷ lệ người dân được sử dụng NS và nước HVS. Khi Bộ tiêu chí 2016-2020 được ban hành, sau khi rà soát lại thì 82,8% người dân trên địa bàn mới chỉ sử dụng nước HVS, chưa phải là NS; còn lại 18,2% dân số của xã chưa được tiếp cận nước HVS chứ đừng nói đến được sử dụng NS.

Tương tự, tại xã Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), hiện tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch của xã còn rất thấp. Xã chỉ đánh giá tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS vì xã có 3 trạm cấp nước thì 1 trạm sử dụng nguồn nước mặt được bơm lên sau đó đưa vào bồn chứa và truyền dẫn đến người dân sử dụng, 2 trạm còn lại cũng chỉ lấy nước từ giếng khoan sau đó truyền dẫn cho người dân sử dụng.

Với hai xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã như vậy thì với những vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo, để xác định tỷ lệ nước sạch và nước HVS lại càng khó khăn gấp bội phần. Nhiều năm nay, từ nhiều chương trình, dự án khác nhau, những địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo đã được đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, hoặc các công trình nước sinh hoạt tự chảy.

Nhưng đó chỉ mới là những công trình mang tên nước sinh hoạt, còn nước HVS hay NS thì rất khó để đánh giá. Đó là chưa kể, ở những địa phương đang “khát” nước sinh hoạt trầm trọng thì việc nước HVS hay nước sạch vẫn đang là giấc mơ khá xa vời.

VÂN KHÁNH

Tin cùng chuyên mục