Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Nâng cao chất lượng thảo luận kỳ họp Quốc hội, tăng cường tương tác với cử tri

PV - 14:20, 23/04/2025

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội lần này cần chú trọng nâng cao chất lượng thảo luận, quy định cụ thể thời gian phát biểu để tránh lan man, bảo đảm mỗi ý kiến đều tập trung vào trọng tâm vấn đề. Đặc biệt, đại biểu Quốc hội cần tăng cường tương tác với cử tri thường xuyên hơn, không chỉ thông qua các cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp như hiện nay.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại Phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 23/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quôc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Tiết kiệm thời gian, linh hoạt điều hành

Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng - Trưởng Ban soạn thảo cho biết, qua tổng hợp, các cơ quan đều nhất trí với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và hầu hết các nội dung của dự thảo Nghị quyết do Ban soạn thảo đề xuất.

Quang cảnh phiên họp sáng 23/4. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh Phiên họp sáng 23/4. (Ảnh: DUY LINH)

Cụ thể, nhất trí bổ sung vào khoản 1 Điều 11 của Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong Nội quy và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Không thể hiện trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về tên cụ thể các cơ quan của Quốc hội để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Nội quy kỳ họp Quốc hội; không quy định cứng trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về việc trình bày báo cáo thẩm tra; sửa đổi, bổ sung một số quy định khác liên quan đến kỳ họp không thường lệ...

Sửa đổi khoản 1 Điều 20 theo hướng yêu cầu gửi tài liệu sớm hơn đến đại biểu Quốc hội, cụ thể là: dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau cần biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu chậm nhất là 48 giờ trước phiên biểu quyết thông qua (quy định hiện hành là 24 giờ).

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng báo cáo một số nội dung khác các cơ quan có ý kiến gồm: số lượng kỳ họp thường lệ và cách đánh số thứ tự các kỳ họp; thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội; tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội; việc giải trình ý kiến thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội...

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết do Ban soạn thảo đề xuất. Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về: việc trình bày báo cáo thẩm tra; về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội; thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội; tổng hợp, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; thời hạn gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đối với các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua...

Tăng cường truyền hình các phiên họp đối với những nội dung được cử tri quan tâm

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Ban soạn thảo trong thời gian ngắn đã rất trách nhiệm, khẩn trương, kịp thời trong xây dựng Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Cơ bản tán thành các nội dung trọng tâm tại Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về thời gian phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường, việc không trình bày báo cáo thẩm tra bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội; nghiên cứu cách thức tổng hợp hiệu quả ý kiến thảo luận tại Tổ, chọn lọc vấn đề lớn, có tính chất chi phối...

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc sửa đổi Nghị quyết lần này phải đặt trong bối cảnh, điều kiện về thực hiện chuyển đổi số, Quốc hội điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... đồng thời, tăng cường tính minh bạch công khai. Trong đó, lưu ý tăng cường truyền hình các phiên họp của Quốc hội đối với những nội dung liên quan mật thiết tới cử tri, nội dung được cử tri quan tâm; công khai các biên bản thảo luận cho đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, chú trọng nâng cao chất lượng thảo luận, quy định cụ thể thời gian, tránh lan man, bảo đảm mỗi ý kiến phát biểu đều tập trung vào trọng tâm vấn đề; trong quá trình điều hành phiên họp cần linh hoạt, phân bổ thời gian hiệu quả; khuyến khích đại biểu Quốc hội phát biểu trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung. Đặc biệt, đại biểu Quốc hội cần tăng cường tương tác với cử tri, bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý quy định ứng dụng công nghệ, tập huấn thường xuyên để đại biểu Quốc hội sử dụng hiệu quả; tăng cường giám sát việc thực hiện nội quy... “Có quy định nhưng phải chú trọng giám sát việc thực hiện nghiêm túc, bảo đảm phát huy tính hiệu quả của quy định trên thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cơ bản về phạm vi sửa đổi, bổ sung và nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 31/2023/UBTVQH15 ngày 14/2/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, hướng dẫn một số điều khoản của Nội quy kỳ họp Quốc hội theo đề xuất của Ban soạn thảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết, trong đó đề cập, làm rõ đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm quy định về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (phát biểu, tham gia phát biểu bằng văn bản; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, thường xuyên tương tác với cử tri;...); trách nhiệm của các cơ quan về quản lý tài liệu lưu trữ; vấn đề lưu trữ số...

Liên quan tới thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, cần quy định rõ hơn theo hướng, Chủ tịch Đoàn có quyền và trách nhiệm điều hành thảo luận, giới hạn nội dung thảo luận, điều hành thời gian thảo luận đảm bảo phù hợp, linh hoạt.

Về thời hạn gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đối với các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua, đề nghị giữ như hiện hành; về quy trình tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp, đề nghị giữ như tại Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng...

Tin cùng chuyên mục