Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở

PV - 15:57, 04/06/2018

Đã lâu rồi, đa phần người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang hầu như đã không còn tìm đến thầy cúng để bắt con “ma” mỗi khi bị đau ốm, thay vào đó là đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh (KCB). Đó là nhờ ngành Y tế Hà Giang đẩy mạnh tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ tại các tuyến cơ sở, tạo được lòng tin cho người dân.

Có mặt tại Trạm Y tế xã Sán Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), chúng tôi không khỏi vui mừng với những đổi thay nơi đây. Chỉ vài năm trước cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhà cửa xuống cấp, không đảm bảo điều kiện y tế cơ bản. Thì nay, với sự quan tâm của tỉnh Hà Giang, Trạm Y tế Sán Sả Hồ đã được đầu tư xây mới, mua sắm trang thiết bị phục vụ người dân.

 Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trạm y tế cơ sở ngày càng đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trạm y tế cơ sở ngày càng đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân.

Ngay từ sáng sớm, tại Trạm Y tế Sán Sả Hồ đã tấp nập người dân đến KCB. Chị Hoàng Thị Ỉnh, thôn Thượng (xã Sán Sả Hồ) chia sẻ: “Giờ đây mỗi khi mình ốm, hay con ốm đều xuống Trạm lấy thuốc. Mỗi lần đến Trạm các bác sĩ rất tận tâm khám. Mỗi khi uống thuốc thấy khỏi bệnh mình rất vui”.

Mãi đến quá trưa, khi số lượt người dân đến KCB giảm, bác sĩ Lù Xuân Quyết, Trạm Y tế xã Sán Sả Hồ mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Bác sĩ Quyết cho biết, hiện nay tại Trạm có 5 cán bộ gồm 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 y sĩ và 1 cán bộ dược với 11 phòng chuyên môn có khả năng đáp ứng KCB cho người dân. Nhiều hạng mục như phòng xét nghiệm, phòng y học cổ truyền, phòng chăm sóc sức khỏe sinh sản được đầu tư máy móc hiện đại.

“Nhờ đó, đảm bảo phục vụ cho nhân dân về công tác khám chữa bệnh, tỷ lệ người bệnh đến khám ngày một tăng, nhân dân tin tưởng hơn với các dịch vụ được triển khai tại Trạm Y tế xã. Rất vui mừng, tháng 12 năm 2016, Trạm Y tế Sán Sả Hồ được công nhận đạt chuẩn quốc gia về Y tế” bác sĩ Quyết chia sẻ.

Hiện huyện Hoàng Su Phì có 25 xã thị trấn, để sớm hoàn thành tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020, huyện đã tiến hành rà soát hệ thống tuyến y tế cơ sở. Qua đó xác định những khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của trạm y tế.

Đến nay, hầu hết các trạm y tế đều được trang bị máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu..., để đáp ứng nhu cầu cơ bản khám, điều trị bệnh cho người dân. Cùng với đó, huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên y tế xã được đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tính đến thời điểm hiện tại, các xã trên địa bàn huyện đều đã có trạm y tế hoạt động và cơ bản hoàn thiện được mạng lưới y tế.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoàng Su Phì cho biết, đến hết năm 2017 huyện đã có 23 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí y tế. Điều này, đã tạo thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng KCB đồng bào vùng sâu, vùng xa của huyện. Theo thống kê, trong năm 2017 có hơn 61 nghìn lượt người được KCB tại các trạm y tế; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm, uống đủ loại vắc xin đạt trên 98%. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đúng quy định, công tác phòng, chống dịch, bệnh được chú trọng và đạt hiệu quả cao.

Không chỉ tại Hoàng Su Phì, các huyện khác ở Hà Giang, thời gian qua, đã tập trung vào nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, đảm bảo phục vụ KCB cho người dân. Như tại Mèo Vạc, nhờ được đầu tư nâng cao chất lượng, hiện nay đã có 14/18 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Các cơ sở KCB tuyến huyện và xã đã khám và chữa bệnh cho gần 50 nghìn lượt người, trong đó bệnh nhân điều trị nội trú trên 1 nghìn bệnh nhân, điều trị ngoại trú gần 40 nghìn lượt bệnh nhân, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 95%.

Theo ông Đặng Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang hiện nay, toàn tỉnh có 177 trạm y tế tuyến xã đã được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, ngành Y tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu KCB như: khả năng đáp ứng của các cơ sở KCB còn nhiều hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn; nguồn nhân lực có trình độ còn thiếu; một bộ phận cán bộ chậm đổi mới tư duy; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến sự hợp tác giữa cán bộ y tế và người bệnh chưa cao; đời sống của cán bộ y tế vẫn còn khó khăn…

Nhằm giải quyết từng bước những khó khăn đó, ông Huynh cho biết, thời gian qua ngành Y tế đã tích cực đổi mới, từ phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ tới cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trạm y tế. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp của cán bộ y tế. Triển khai đường dây nóng, hòm thư góp ý để nâng cao chất lượng KCB tại địa phương. Nhờ đó, mỗi người đến khám bệnh đều thể hiện sự hài lòng với các cơ sở KCB.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.