Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nâng cao dân trí cho đồng bào vùng biên

PV - 13:54, 08/10/2018

Những năm qua, ngoài nhiệm vụ giữ gìn đường biên, cột mốc, các cán bộ, chiến sĩ ở các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, góp phần vào việc xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân trên tuyến biên giới Tây Nam.

Nâng cao dân trí cho đồng bào vùng biên Chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Thạnh ( huyện Hồng Ngự) dạy bơi cho học sinh tiểu học.

Những hoạt động thiết thực

Ông Phạm Văn Tranh, Tổ trưởng Tổ tự quản ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng chia sẻ: Trước đây, trong ấp còn nhiều bà con không biết đọc và viết tiếng Việt. Sau khi ấp thống kê danh sách đã đăng ký và đề nghị với mấy chú bên Đồn Biên phòng cửa khẩu Dinh Bà mở các lớp dạy đọc và viết. Hiện nay, 100% người dân trong ấp đã xóa mù chữ. “Bà con đã có thể tự tay viết được thông tin tố giác kẻ xấu hoạt động vi phạm quy chế biên giới, buôn lậu và các hoạt động tội phạm khác cho các chú biên phòng rồi”, ông Tranh phấn khởi khoe.

Ngoài tổ chức các lớp xóa mù chữ, các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện Tân Hồng còn phối hợp với địa phương, nhà trường tổ chức các lớp dạy bơi cho 1.200 em học sinh; vận động 150 em học sinh bỏ học trở lại lớp. Tổ chức các buổi vui chơi, sinh hoạt văn nghệ, kết hợp tuyên truyền về pháp luật trong các dịp hè, tổ chức tặng quà nhân dịp Tết Trung thu cho 15.500 lượt học sinh. Phong trào “Hũ gạo tình thương” đã hỗ trợ 350 gia đình học sinh nghèo, khó khăn trên 7 tấn gạo và 70 triệu đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên Phòng đã trích một phần tiền lương, phụ cấp để hỗ trợ 42 em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, mỗi em 6 triệu đồng/năm học, tính từ năm học 2016 đến nay và tiếp tục hỗ trợ các em đến khi học xong lớp 12.

Tăng cường phối hợp

Thượng tá Lê Văn Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Dinh Bà chia sẻ: Ở các xã biên giới vẫn còn nhiều học sinh nghèo đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhiều gia đình đang cần sự giúp đỡ. Nếu có sự chung tay của cộng đồng, con đường đến trường của các em ngày càng rộng mở hơn. Chương trình phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và các thầy cô giáo không chỉ giúp đỡ khó khăn cho những con em gia đình hoàn cảnh éo le vượt khó, vươn lên học giỏi mà còn ươm những mầm xanh tương lai cho Tổ quốc; thắt chặt mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân vùng biên giới.

Được biết, trong năm 2017, các phòng giáo dục phối hợp với Đồn Biên phòng tổ chức vận động và mở được 2 lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho 23 học sinh, mở 3 lớp phổ cập giáo dục THCS cho 72 học sinh. Vận động mạnh thường quân ủng hộ kinh phí xây dựng 2 phòng học tại cụm dân cư Ba Lê Hiếu, trị giá gần 500 triệu đồng.

Tại 8 xã biên giới, các Đồn Biên phòng còn phối hợp với phòng giáo dục tổ chức được 1.760 lớp học tập, với 167.018 lượt người tham dự. Nội dung chủ yếu tập trung tuyên truyền pháp luật và nâng cao kiến thức cộng đồng cho những học viên vừa biết chữ tiếp tục rèn luyện.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Anh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp, để người dân chủ động tiếp cận được các văn bản quy phạm pháp luật, những nội dung tuyên truyền về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước và các vấn đề liên quan trong cuộc sống, thì người dân phải biết đọc, biết viết chữ. Chính vì vậy, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quyết tâm thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo.

NHƯ TÂM

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.