Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Nâng cao trình độ cho lao động người DTTS: Những “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động (Bài 2)

Sỹ Hào - 09:43, 20/03/2020

Thực trạng trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật (CMKT) rất thấp của phần lớn lao động DTTS ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập đã được Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh trong số báo 1605, ra ngày 18/3. Điều này đặt ra yêu cầu, phải nhìn thẳng vào hạn chế của công tác giáo dục, đào tạo (GD&ĐT) cho lao động DTTS lâu nay.

Đào tạo nghề cho lao động DTTS chủ yếu dưới 3 tháng, với hình thức “cầm tay chỉ việc”. (Ảnh minh họa)
Đào tạo nghề cho lao động DTTS chủ yếu dưới 3 tháng, với hình thức “cầm tay chỉ việc”. (Ảnh minh họa)

“Xóa” rồi lại “tái”

Báo cáo tổng kết năm học 2018 - 2019 của Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) đã đem lại tín hiệu lạc quan khi đưa ra số liệu: Tỷ lệ dân số cả nước biết chữ đạt 97,65%. Đặc biệt, theo báo cáo này, tỷ lệ người DTTS biết chữ trong độ tuổi lao động (15 - 60 tuổi) đạt 93,44%.

Nếu số hiệu này bảo đảm độ chính xác thì quả thật rất đáng khích lệ. Bởi, từ năm 2013, Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” (theo Quyết định số 692/QĐ-TTg, ngày 4/5/2013) cũng chỉ đặt mục tiêu đến năm 2020 phải nâng tỷ lệ người DTTS biết chữ đạt 86%.

Nhưng theo điều tra chính thức của Ủy ban Dân tộc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ mù chữ ở vùng DTTS hiện là 21%, chủ yếu trong độ tuổi lao động. Vậy số liệu “93,44% người DTTS biết chữ” dựa trên cơ sở nào?

Phải chăng, Vụ Giáo dục Thường xuyên đưa ra số liệu này dựa trên số liệu tổng hợp từ các địa phương trong quá trình triển khai Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; trong đó, chỉ tổng hợp số lượng người tham gia xóa mù chữ mà “quên” rà soát số học viên “tái” mù chữ?

Câu hỏi này không khó tìm đáp án nếu “mục sở thị” kết quả thực hiện xóa mù chữ ở những bản làng DTTS. Như ở bản Nóng Hao, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), từ tháng 12/2015, có 9 lao động đã đạt yêu cầu xóa mù chữ. Nhưng trong một lần thực tế mới đây tại bản Nóng Hao, chúng tôi ghi nhận chỉ còn 5 người đánh vần, đọc chữ được; 4 người đã tái mù chữ. Nguyên nhân chính là do học chữ xong, họ suốt ngày lên nương, lên rẫy, không đọc, không viết nên bị quên.

Đào tạo “dưới chuẩn”

Lâu nay, một thói quen trong suy nghĩ của rất nhiều lao động DTTS, là chỉ cần có sức khỏe, có đất sản xuất, có vốn… là có sinh kế ổn định; học vấn không mấy quan trọng. Nhưng thực tế, trình độ học vấn có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ giàu nghèo của từng gia đình.

Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, trong 100 lao động cùng tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng chưa tốt nghiệp tiểu học thì có 32,2 người có mức sống “nghèo nhất”; nếu tốt nghiệp tiểu học thì còn 30,3 người. Số lao động có mức sống “nghèo nhất” giảm dần theo trình độ học vấn được nâng lên (tốt nghiệp THCS là 24,6 người; tốt nghiệp THPT là 7,6 người; trên THPT là 5,3 người).

Trong khi đó, như kỳ báo trước đã phản ánh, trình độ học vấn của lao động DTTS rất thấp. Điều này phần nào lý giải vì sao vùng đồng bào DTTS vẫn là “lõi nghèo” của cả nước, dù những năm qua đã được thụ hưởng rất nhiều chính sách giảm nghèo.

Cùng với hạn chế về giáo dục phổ thông, đại đa số lao động DTTS không có trình độ CMKT. Mặc dù nhiều năm này, chỉ tiêu “lao động qua đào tạo” luôn được đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhưng việc đào tạo chủ yếu ngắn hạn (dưới 3 tháng). Trong khi đó, mức đầu tiên để tính trình độ CMKT của lao động là “sơ cấp” (3 tháng trở lên, có văn bằng, chứng chỉ).

Cùng với những hạn chế đã bộc lộ trong công tác đào tạo nghề dưới 3 tháng, thì việc không xem đây là một bậc của trình độ CMKT nên TCTK đưa ra số liệu đáng lo ngại về chất lượng nguồn lao động người DTTS. Cụ thể, theo số liệu của TCTK, khu vực Trung du miền núi phía Bắc hiện có 81,9% dân số từ 15 tuổi trở lên không có CMKT; tỷ lệ này ở khu vực Tây Nguyên là 86,1%, ở Đồng bằng sông Cửu Long là 90,3%.

Trước những thách thức về thị trường, việc làm… trong thời đại 4.0, có ý kiến cho rằng, chỉ tiêu “lao động qua đào tạo” một cách chung chung đã hết thời kỳ lịch sử; việc đào tạo CMKT cho lao động, nhất là lao động DTTS, phải được tiếp cận ở góc độ khác phù hợp hơn. Nội dung này sẽ được Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.