Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nghệ An: Gieo mầm xanh trên vùng đất khó

PV - 11:20, 09/04/2019

Đó là những giáo viên cắm bản, vượt qua khó khăn gieo niềm đam mê học tập cho các em học sinh DTTS ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An), bằng lòng yêu nghề và tình yêu con trẻ.

Thầy giáo Trần Văn Dương, giáo viên nhà trường thường xuyên gần gũi hướng dẫn các em học tập. Thầy giáo Trần Văn Dương, giáo viên nhà trường thường xuyên gần gũi hướng dẫn các em học tập.

Xã Lượng Minh nằm bên hồ thủy điện Nậm Nơn, cách trung tâm huyện Tương Dương gần 15 km đường rừng. Một thời, Lượng Minh được xem là thủ phủ về ma túy và tệ nạn. Giờ đây, dù cơn bão ma túy đã qua đi, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu khi hàng chục đứa trẻ, nơi đây vẫn phải sống trong cảnh mồ côi do bố mẹ đã chết vì ma túy. Để thắp niềm tin vào tương lai, ngoài sự vào cuộc của cộng đồng, các thầy cô giáo cắm bản nơi đây đã trở thành cha mẹ, người thầy luôn bên cạnh các em.

Cô giáo Phan Thị Liên, người có thâm niên cắm bản gieo chữ ở xã Lượng Minh chia sẻ: Ngày mới đến nhận công tác, cô không khỏi ái ngại khi biết đây là vùng nóng về ma túy của huyện. Phụ huynh của các em có hàng chục trường hợp đã bị chết hoặc đang chịu án phạt tù về ma túy. Tuy nhiên bù lại, học trò nơi đây rất thích đến trường và kính trọng thầy cô giáo. Đây chính là động lực để cô và các đồng nghiệp luôn gần gũi, chia sẻ, động viên dạy dỗ và kèm cặp các em học tập.

Do đặc thù về địa lý, giao thông khó khăn các em phải tham gia học bán trú nên ngoài việc dạy chữ, các thầy cô còn phải hướng dẫn chỉ dạy các em từ nếp ăn ở, sinh hoạt hằng ngày; chăm sóc khi các em bị ốm đau chia sẻ an ủi, bên cạnh các em khi gia đình có chuyện không vui.

Em Vi Thị Hoài Thương (lớp 7C) kể: Bố em mất từ khi em lên 4 tuổi. Mẹ của em hiện đang thụ án vì tội liên quan ma túy. Thương ở với ông bà nội. Ông bà đã già nhưng hàng ngày vẫn phải lên rẫy làm cỏ, xuống suối xúc cá để kiếm cái ăn cho các cháu. Từ bản ra đến trường khoảng 6 cây số men theo bờ suối và vách núi cao, đầu tuần, em được bác chở ra trường học và ở lại đến cuối tuần bác em lại đón về nhà ông bà. Thương cho biết, phòng ở nội trú của em có 17 bạn đều có chung hoàn cảnh nên các em được các thầy cô giáo quan tâm đặc biệt hơn.

Hoàn cảnh em Kha Thị Khánh Ly (lớp 7B) ở bản Minh Phương cũng rất éo le. Bố em mất cách đây 2 năm vì căn bệnh dạ dày, mẹ Khánh Ly đang trong thời gian thụ án vì tội buôn bán ma túy. Hiện, Khánh Ly ở cùng anh trai là Kha Văn Biển (30 tuổi) chưa lập gia đình. Hai anh em sống khá chật vật, vì chỉ biết nhìn vào thu nhập hàng ngày của anh trai, mà việc làm của anh lại không ổn định nên có những lúc rơi vào cảnh bữa đói, bữa no. Nhiều lúc Ly đã nghĩ đến bỏ học để đỡ đần cho anh trai phần nào. Thế nhưng, các thầy cô giáo đã động viên giúp đỡ em để em tiếp tục theo học…

Theo thầy Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Lượng, toàn trường có khoảng 40 em mồ côi bố, mẹ, không nơi nương tựa và có 10 em bố, mẹ đang thụ án vì liên quan đến ma túy. Đối với những em có hoàn cảnh éo le, nhà trường đều dành sự quan tâm đặc biệt; ưu tiên khi có các phần quà của các cấp, các ngành và nhà hảo tâm gửi tặng cho các em. Các thầy cô giáo cũng luôn dành thời gian động viên kịp thời nắm bắt tâm lý khi các em gặp khó khăn, hay cú sốc về tinh thần. Điều mà thầy cô giáo nơi đây yên tâm là hầu hết các em đã biết vượt qua mặc cảm cuộc sống, có ý chí vươn lên trong học tập, nhiều em trở thành tấm gương cho các bạn noi theo.

“Để các em có cuộc sống và tương lai ổn định, thời gian qua, bên cạnh việc trang bị kiến thức, nhà trường cũng đang tập trung để tổ chức định hướng nghề nghiệp cho các em”, thầy Thái cho hay.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.