Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Nghệ An: Nỗ lực xóa vùng “lõi nghèo của lõi nghèo”

PV - 14:45, 24/07/2019

Vùng dân tộc và miền núi vốn được coi là “lõi nghèo” của tỉnh Nghệ An. Trong đó, dân tộc rất ít người (dân số dưới 10 ngàn người) được coi là “lõi nghèo của lõi nghèo”. Do đó, để giúp đồng bào sống ở khu vực này có điều kiện vươn lên thoát nghèo, nhiều giải pháp cấp bách đang được chính quyền địa phương triển khai thực hiện.

Về nơi “lõi nghèo của lõi nghèo”

Tỉnh Nghệ An hiện có 2 dân tộc rất ít người là, dân tộc Ơ-đu ở huyện Tương Dương và dân tộc Đan Lai (một nhánh của dân tộc Thổ) chủ yếu trên địa bàn huyện Con Cuông (với 3.528 nhân khẩu) và huyện Tương Dương (với 818 nhân khẩu). Do địa bàn sinh sống của các dân tộc rất ít người này, tập trung ở đầu nguồn các con khe trong Vườn quốc gia Pù Mát với tập quán vẫn còn rất lạc hậu nên cuộc sống của người dân luôn rơi vào tình trạng nghèo đói, lạc hậu và suy thoái nòi giống.

Đặc biệt, cuộc sống của đồng bào Đan Lai ở bản Cò Phạt và bản Búng nơi thượng nguồn Khe Khặng thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông) rất khó khăn. Chỉ cách trung tâm huyện Con Cuông khoảng 40 cây số nhưng bản Búng và Cò Phạt gần như thuộc về thế giới riêng biệt. Bình thường để vào 2 bản, chỉ có thể đi bằng thuyền trên sông Giăng, gặp mùa nước cạn thì phải theo đường bộ vượt hàng chục con dốc và khe suối; còn khi lũ lên thì gần như không thể vào nổi ..

Khu tái định cư Bá Hạ, xã Thạch Ngàn dự kiến sẽ đón 35 hộ dân đến ở trong năm nay. Khu tái định cư Bá Hạ, xã Thạch Ngàn dự kiến sẽ đón 35 hộ dân đến ở trong năm nay.

Ông La Văn Cang, Trưởng bản Búng cho biết: Cuộc sống đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào rừng và sông suối. Ngày trước, người dân thường lên rừng săn bắn. Thế nhưng gần đây, thú đã hết, Nhà nước cũng “đóng cửa rừng” nên đời sống của người dân trở nên vô cùng bấp bênh. Bản hiện nay 100% là hộ nghèo...

Cùng chung nỗi lo, anh La Văn Nhị (SN 1970) chia sẻ: Gia đình anh hiện chỉ còn anh và 2 đứa con vì vợ đã mất. Cuộc sống ở đây khó khăn lắm, đất sản xuất không có, cuộc sống chỉ phụ thuộc vào sông suối và rừng. Trước đây, rừng chưa cấm gia đình làm thêm lúa rẫy cũng đủ lương thực cho 2 đến 3 tháng trong năm. Tuy nhiên, khi mùa mưa lũ về thì mọi công việc đều phải dừng lại, 3 cha con chỉ ăn tạm những gói mì tôm qua bữa. Những đợt mưa lâu thì cha con đành phải nhịn đói… Các hộ dân ở đây cũng cùng hoàn cảnh như vậy cả.

Theo Trưởng bản La Văn Cang, cái đói khổ đã lo rồi, nhưng ở bản của ông hiện còn tiếp diễn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Do giao thông khó khăn, cuộc sống lại quanh quẩn nên nhiều cháu học hết cấp 2 rồi nghỉ học lấy nhau khi mới 12, 13 tuổi, thậm chí do tập quán lạc hậu nên có khi con cô con cậu cũng lấy nhau. Hiện nay bản có 112 hộ, 500 khẩu thế nhưng có hơn 10 đôi kết hôn khi chưa đủ tuổi, có 4 cặp vợ chồng là anh em họ gần kết hôn cùng nhau. Nếu các cấp chính quyền không tăng cường giải pháp ngăn chặn, thì tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra và nòi giống người Đan Lai luôn đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Tích cực triển khai nhiều giải pháp

Ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Để giải quyết căn cơ tình trạng đói nghèo của dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh Nghệ An, không còn cách nào khác là vận động người dân tới các vùng tái định cư có điều kiện thuận lợi.

Trên thực tế, nhiều năm nay, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết về nơi ở mới. Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại với dân nhằm vận động, thuyết phục các hộ tại 2 bản dân cư đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát là Cò Phạt và bản Búng ra nơi ở mới. Đến nay, đã có 20/35 hộ ký cam kết di dời. Hiện huyện đang xúc tiến các nội dung liên quan để đảm bảo hoàn thành việc di chuyển dân đến địa điểm mới trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó là, tạo sinh kế cho người dân bằng cách sớm hoàn thiện giải phóng mặt bằng 1,4ha đất ở; 95,19ha đất sản xuất, 35 ngôi nhà sàn để giao cho các hộ đến trước; chỉ đạo Ban quản lý dự án của huyện tu sửa các hạng mục cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng, nước sinh hoạt và các công trình phụ trợ tạo điều kiện để cho bà con tái định cư yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới..

Cũng theo ông Thao, cùng với việc vận động người dân tới nơi ở mới, thì việc tạo sinh kế ổn định cho họ là vô cùng quan trọng. Về vấn đề này, ngành Lao động, thương binh và Xã hội cũng đang gấp rút hoàn thiện chương trình đào tạo nghề cho lao động người Đan Lai để góp phần làm thay đổi tư duy về sinh kế…

“Trong năm đầu tiên tại nơi ở mới, các hộ sẽ được hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt, lương thực, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất và mua sắm công cụ lao động… và còn được cấp các loại bìa liên quan đến đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp và đất nông nghiệp” ông Thao cho biết thêm.

Vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã thị sát cuộc sống của đồng bào Đan Lai ở đây. Nhận diện những khó khăn mà 2 dân tộc rất ít người ở Nghệ An đang gặp phải, nói chuyện với chính quyền và Nhân dân, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đã lưu ý nhiều vấn đề, trong đó cấp bách là phải khẩn trương di chuyển 2 bản người Đan Lai đang sống ở vùng lõi rừng Quốc gia Pù Mát ra nơi ở mới.

Tại Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người, thực trạng và giải pháp” diễn ra vào ngày 24/6 vừa qua tại huyện Con Cuông, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đã nhấn mạnh: “Các cấp ngành nhanh chóng hoàn thành các khu tái định cư, cấp đất và hướng dẫn bà con làm lúa nước và chăn nuôi; tuyệt đối không được để các cháu trong độ tuổi không được đến trường. Chính quyền phải phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp đào tạo nghề và hướng nghiệp cho các cháu. Còn các chính sách hỗ trợ khác Ủy ban Dân tộc sẽ xem xét để trình Chính phủ trong thời gian tới…”.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của chính quyền địa phương và các bộ ngành, đời sống của đồng bào Ơ-đu và Đan Lai sẽ sớm ổn định và khởi sắc.

MINH THỨ