Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Nghệ sĩ và trách nhiệm xã hội

PV - 07:30, 07/05/2022

Những ngày qua, loạt hình ảnh đuổi bắt, đập phá có tính bạo lực, đặc biệt là cảnh kết đầy tiêu cực xuất hiện trong MV mới phát hành của một nam ca sĩ nổi tiếng đã làm dư luận dậy sóng.

MV "There's No One At All" của Sơn Tùng
MV "There's No One At All" của Sơn Tùng

Việc để cho nhân vật chính trong MV lựa chọn cách giải quyết là nhảy lầu tự sát để kết thúc tất cả chuỗi bi kịch bế tắc và tăm tối của cuộc đời đã khiến công chúng, nhất là những phụ huynh học sinh rất bức xúc.

Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại MV có thể sẽ gây những tác động xấu tới nhận thức, tâm lý và sức khỏe tinh thần của học sinh - độ tuổi còn chưa có sự chín chắn, trưởng thành trong tư duy và hành động. Đáng nói, MV phát hành đúng thời điểm cả xã hội đang nhức nhối trước nhiều vụ việc đau lòng liên quan trẻ nhỏ xảy ra thời gian qua.

Nhiều người cho rằng, sự xuất hiện của MV không những làm xoáy sâu thêm nỗi đau xã hội mà còn có khả năng kích hoạt, cổ súy cho những hành động cực đoan, tiêu cực ở những bạn trẻ tuổi mới lớn - đối tượng đang phải gồng gánh nhiều áp lực và dễ bị tổn thương. Đáng lo ngại hơn, MV được thực hiện bởi một nam ca sĩ đang được coi là “thần tượng” của giới trẻ với lượng theo dõi thường xuyên lên tới cả chục triệu người trên mạng xã hội, cho nên mức độ ảnh hưởng càng lớn.

Ngay sau khi nhận được thông tin, các ban, ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc để đưa ra hướng xử lý. Nam ca sĩ cũng đã chính thức lên tiếng xin lỗi và tuyên bố chủ động ngừng phát hành MV. Ngày 5/5, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 70 triệu đồng đối với công ty của nam ca sĩ, đồng thời yêu cầu triển khai biện pháp khắc phục hậu quả là có trách nhiệm tiêu hủy bản ghi hình MV, nộp lại số lợi thu được từ MV, tháo gỡ bản ghi hình MV dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số. Đây là động thái quyết liệt cho thấy quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc cố gắng thanh lọc môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm với xã hội của nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.

Trên thực tế, mọi người đều có quyền thể hiện quan điểm của mình trước các hiện tượng xã hội. Tuy nhiên, nghệ sĩ và nhất là những người nổi tiếng là đối tượng có tầm ảnh hưởng sâu rộng, cho nên trách nhiệm đối với cộng đồng của họ cũng nặng nề hơn. Đây là điều hiển nhiên mà nghệ sĩ phải chấp nhận và tôn trọng bởi hơn ai hết, sự thành công hay hào quang nổi tiếng của họ đều được xây dựng dựa trên tình cảm của công chúng đương thời. Mỗi sản phẩm nghệ thuật do nghệ sĩ thực hiện đều tạo ra những tác động nhất định đến đối tượng thụ hưởng.

Vì thế, người nghệ sĩ khi sáng tạo cần có sự cân nhắc, tính toán cẩn trọng cũng như sự nhạy cảm cần thiết về cách thức chuyển tải thông điệp, thời điểm phát hành phù hợp cũng như hiệu ứng xã hội mà sản phẩm mang lại. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, nghệ sĩ có quyền lên tiếng cảnh báo về những thực trạng tiêu cực, nhưng hơn hết cần mở ra ánh sáng ở cuối con đường, mang đến những năng lượng tích cực, hướng con người đến các giá trị nhân văn, nâng đỡ họ vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng chính là những giá trị tốt đẹp mà nghệ thuật hướng tới gắn liền trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ.

Trước sự xuất hiện của những sản phẩm có nguy cơ gây độc hại tới công chúng tiếp nhận, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh chế tài xử lý vi phạm mạnh tay ở khâu hậu kiểm, các cơ quan chức năng còn cần thắt chặt khâu tiền kiểm, có cơ chế phối hợp kiểm soát để những bản ghi âm, ghi hình có yếu tố đi ngược lại truyền thống, thuần phong mỹ tục dân tộc không có cơ hội xuất hiện trên môi trường mạng Việt Nam.

Liên quan trách nhiệm trong sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ, Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã nêu rõ những quy định cấm, trong đó có cấm “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có đề cập quy tắc nghệ sĩ không được sáng tác, lưu hành, phổ biến, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng. Đây là những căn cứ về cả luật pháp và đạo đức mà người nghệ sĩ cần ghi nhớ trong sáng tạo nghệ thuật để không bước qua lằn ranh giới hạn, để luôn phát huy được trách nhiệm với cộng đồng và xã hội./.

Tin cùng chuyên mục
Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Chiều ngày 16/11, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long 2024. Hơn 13 nghìn vận động viên (VĐV), trong đó có hơn 1 nghìn 3 trăm VĐV quốc tế đến từ 55 quốc gia đã sẵn sàng tham gia giải chạy vào ngày 03/11/2024. Đây là mùa giải thứ 10 kể từ khi Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long được tổ chức tại Việt Nam.