Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Nghĩa tình của người dân xứ Nghệ với thành phố mang tên Bác

Thanh Hải - 14:17, 14/07/2021

Những tấn hàng hóa đã được tập kết; những y, bác sĩ cũng đã lên đường Nam tiến... Khí thế ấy, tôi cứ ngỡ như những ngày cách đây mấy chục năm về trước khi cả nước đồng lòng chi viện sức người, sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hôm nay, vì dịch giã, người dân xứ Nghệ dành trọn tâm mình cho thành phố mang tên Bác.

Quyết tâm cùng thành phố Hồ Chí Minh chống dịch
Quyết tâm cùng thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

Thành phố mang tên Bác trong trái tim người dân quê Bác

Từ rất lâu, TP. Hồ Chí Minh và Nghệ An là hai địa phương có mối quan hệ truyền thống đặc biệt, không chỉ trên phương diện hợp tác phát triển kinh tế - xã hội mà còn có nhiều hoạt động thể hiện sự gắn kết khác. Nghệ An là nơi sinh ra Hồ Chủ Tịch; TP. Hồ Chí Minh là nơi Người cất bước ra đi tìm đường cứu nước

Sinh thời, Bác vẫn luôn dành cho miền Nam một tình cảm nồng nàn,da diết: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim của tôi”. Trước khi đi xa, Người vẫn đau đáu với nỗi niềm chưa vào được với đồng bào miền Nam ruột thịt. Có lẽ vì thế mà trong trái tim người dân quê Bác và thành phố mang tên Bác đã trở nên đặc biệt hơn qua bao năm tháng.

Tình cảm nồng ấm ấy đã trở nên lớn hơn, trách nhiệm hơn khi người dân quê Bác đã bằng những việc làm, hành động cụ thể hướng về TP. Hồ Chí Minh trong những ngày dịch giã. Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức phát động Tuần lễ cao điểm “Vì thành phố mang tên Bác”. 

Đây là hoạt động nhằm đồng hành, chia sẻ với người dân TP. Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. 21 huyện, thành, thị trên toàn tỉnh Nghệ An là 21 điểm cầu trực tuyến hừng hực khí thế góp sức, chi viện, sẻ chia, đồng hành cùng thành phố mang tên Bác “đánh” dịch. 

Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh đã nhắc lại niềm đau đáu của Bác trước lúc đi xa, đó là muốn được vào thăm miền Nam ruột thịt. Lời nhắc nhở của đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã chạm đến trái tim của mỗi người dân quê Bác. 

Bà Võ Thị Minh Sinh cho biết: Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân thành phố Hồ Chí Minh trong vùng cách ly, đang rất cần những nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đặt ra yêu cầu, các địa phương khẩn trương huy động và hạn tập kết hàng hóa vào ngày 15/7/2021 để kịp thời chuyển vào TP. Hồ Chí Minh.

Và rồi, bằng tình cảm và trách nhiệm của một người dân, rất nhiều nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày đã được bao người xứ Nghệ tự nguyện đóng góp. Đến 14 giờ ngày 12/7, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã huy động được hơn 104 tấn hàng, bao gồm: lạc vỏ, lạc nhân tươi, lạc nhân chế biến sẵn; cá khô, tép khô, măng khô, cá khô chế biến sẵn, măng muối, cá hộp, tinh bột sắn dây, chanh tươi, cá hộp, bánh đa chín và hơn 10.000 quả trứng gà, trứng vịt. Tổng giá trị các nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn 2,2 tỷ đồng.

Những ngày sắp tới, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhu yếu phẩm được người dân quê Bác tự nguyện đóng góp bằng tình cảm sẻ chia. Tất cả bấy nhiêu chưa thể gọi là đủ đầy nhưng chắc sẽ làm ấm lòng thêm người dân thành phố mang tên Bác, để họ thêm tự tin chống chọi với dịch bệnh.

Phút chia tay lưu luyến
Phút chia tay lưu luyến

Chi viện “sức người”

Tình hình dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh đang diễn biến quá phức tạp, khó lường. Để phòng chống dịch, thành phố hơn 8 triệu dân này đã thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày, kể từ 0giờ ngày 9/7/2021.

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến “sức khỏe” của đầu tàu kinh tế nước nhà. Hơn lúc nào hết, thành phố mang tên Bác đang cần sự đồng hành, chia sẻ của người dân cả nước để vững tin vượt qua đại dịch.

Trước thời khắc nguy nan ấy, 60 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên ở Nghệ An xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh những y, bác sĩ viết đơn tình nguyện vào miền Nam chống dịch, tôi cứ có cảm giác như không khí hành quân giải phóng miền Nam năm nào đang trở về. Chẳng ai nề hà khó khăn, vất vả; những y, bác sĩ đã gác lại bao nỗi niềm của gia đình, người thân để bước vào cuộc chiến chống dịch cùng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Trong số 60 y, bác sĩ của Nghệ An hành quân chi viện cho TP. Hồ Chí Minh, có 31 nhân viên nữ. Họ là những cán bộ y tế đang công tác tại các bệnh viện: Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Sản Nhi Nghệ An, Nội tiết, Bệnh viện Phổi Nghệ An, Chấn thương chỉnh hình; Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương và Trung tâm Y tế Quỳ Hợp đã tình nguyện viết đơn xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ sẽ được điều động về nhận nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Trưng Vương, TP. Hồ Chí Minh.

Lễ xuất quân ngày 12/7 đã đong đầy bao xúc cảm của kẻ ở, người đi. Tôi đã thấy trong đoàn y, bác sĩ ấy, nỗi lo lắng, trăn trở về gia đình thân yêu; thấy rõ bao nỗi niềm của những người ở lại khi chứng kiến người thân của mình đang hành quân về phía dịch, đi vào tâm dịch, nơi tuyến đầu hiểm nguy. 

Xúc động tại lễ chia tay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long nhắc nhở: Các y, bác sĩ Nghệ An cần khắc phục mọi khó khăn, phát huy tốt kiến thức, kỹ năng chuyên môn; chấp hành tốt sự phân công, giao nhiệm vụ của lãnh đạo nơi công tác; tích cực học hỏi kỹ thuật mới, phong cách phục vụ trong khám, điều trị; làm tốt công tác phòng dịch, tuyệt đối không lơ là chủ quan, để dịch lây lan sang cán bộ y tế. Mong đoàn công tác sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ở hai lần trước, Nghệ An đã chi viện “sức người” để cùng Đà Nẵng, Hà Tĩnh chống dịch. Và họ đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, trở về từ nơi tuyến đầu. Những y, bác sĩ tình nguyện viết đơn vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh hôm nay, thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng.

(Nội dung thông tin, thực hiện tuyên truyền Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.