Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nghĩa xóm, tình làng trong xóa nhà tạm ở vùng cao Quảng Ninh

Mỹ Dung - 7 giờ trước

"...Họ hàng, bạn bè, xóm giềng ai có gì giúp nấy, người cho thùng sơn cũ, người giúp chở vật liệu, người phụ lợp mái, người cho ít gạch...", là chia sẻ của anh Lỷ Tắc Quay ở thôn Nà Nhái, xã Bình Liêu (Quảng Ninh) - một hộ thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thời gian qua, ngoài sự hỗ trợ từ Nhà nước, thì sự chung tay của bà con, lối xóm đã giúp nhiều hộ dân nơi vùng cao hoàn thiện những căn nhà vững chãi đúng hẹn, để bà con an cư trước mùa mưa bão.

Bà con mỗi người một tay góp sức giúp gia chủ làm những căn nhà mới (Ảnh: Mỹ Dung)
Bà con mỗi người một tay góp sức giúp gia chủ làm những căn nhà mới (Ảnh: Mỹ Dung)

Góp sức người, góp cả nghĩa tình

Khi căn nhà mới của anh Chíu Chăn Sềnh, ở thôn Đoàn Kết, xã Hà Lâu (nay là xã Điền Xá) vừa hoàn thiện, không khí quanh bếp lửa nhà anh rộn rã như ngày hội. Một bữa cơm “mừng nhà”,  tuy đạm bạc nhưng chan chứa nghĩa tình.

“Đã hàng chục năm, gia đình tôi sống trong căn nhà tạm lợp tôn cũ, vách gỗ mục, mỗi mùa mưa bão là cả nhà phải thức trắng canh nước tràn. Nay dựng được nhà mới, không chỉ che mưa che nắng, mà là cả một giấc mơ có thật đối với gia đình”, anh Sềnh trải lòng.

Để hiện thực hóa giấc mơ đó, ngoài khoản hỗ trợ 80 triệu đồng từ chính quyền, điều làm anh Sềnh cảm động hơn cả chính là sự góp sức của hàng xóm láng giềng. Người góp ngày công, người cho vay trước ít gạch, người chạy sang nấu giúp bữa trưa cho thợ. Tình cảm ấy, anh bảo, quý hơn cả tiền.

Con gái anh Lỷ Tắc Quay ở thôn Nà Nhái (xã Bình Liêu) đang quét dọn trong căn nhà mới của gia đình (Ảnh: Mỹ Dung)
Con gái anh Lỷ Tắc Quay ở thôn Nà Nhái (xã Bình Liêu) tự mình quét dọn căn nhà mới của gia đình (Ảnh: Mỹ Dung)

Tương tự, cách đây không lâu, gia đình anh Lỷ Tắc Quay ở thôn Nà Nhái, xã Bình Liêu cũng dựng xong căn nhà mới sau nhiều năm sống trong cảnh mái rạ, vách đất. Mỗi lần mưa gió là cả nhà lại phải dắt díu nhau đi tránh chỗ dột.

“Năm nay, được nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng. Nhưng nếu không có bà con giúp thì chắc cũng không làm nổi. Họ hàng, bạn bè, xóm giềng ai có gì giúp nấy – người cho thùng sơn cũ, người giúp chở vật liệu, người phụ lợp mái, người cho ít gạch”, anh Quay kể.

Trong khi giá nhân công hiện tại có thể lên tới hơn 400.000 đồng/ngày, thì mỗi ngày công tự nguyện của bà con nơi đây rất đáng trân quý. Một thanh niên trong thôn cười hiền: “Chúng tôi đi giúp nhau dựng nhà. Có cơm thì ăn chung, không có thì nhịn cũng được.”

Từ chính sách đến sự lan tỏa cộng đồng

Tại thôn Nà Luông (xã Bình Liêu) nơi có 25 hộ dân chủ yếu là người Dao sinh sống từ đầu năm đến nay có 2 hộ được xét hỗ trợ làm nhà ở. Cả thôn như có thêm ngày hội. Tiếng cưa, tiếng búa, tiếng nói cười vang lên suốt từ sáng sớm đến chiều muộn.

Ông Phùn Sau Dùng, Người có uy tín thôn cho biết, cứ có nhà nào được hỗ trợ là bà con mừng lắm. Ai rảnh thì đi phụ. Không quan trọng là nhà ai, miễn là giúp được nhau dựng mái ấm. Có hôm thợ làm buổi sáng thì bà con lại thay ca tiếp buổi chiều.

“Những bữa cơm trưa quây quần trên chiếu, chan canh măng, cá kho mặn, nhưng ai cũng thấy ngon miệng. Ăn với nhau bữa cơm, bớt được đồng công, tiết kiệm được đồng thuê thợ. Vui nhất là thấy nhà dựng lên từng ngày, ai cũng mừng", ông Dùng nói.

Gia đình anh Chíu Chăn Sềnh, thôn Đoàn Kết, xã Điền Xá nhận kinh phí hỗ trợ xây nhà mới (Ảnh: Mỹ Dung)
Gia đình anh Chíu Chăn Sềnh, thôn Đoàn Kết, xã Điền Xá nhận kinh phí hỗ trợ xây nhà mới (Ảnh: Mỹ Dung)

Điểm đáng quý của chương trình không chỉ nằm ở con số hay ngân sách hỗ trợ, mà còn thực sự đánh thức được sức mạnh cộng đồng, tinh thần "lá lành đùm lá rách". Ở nơi tưởng chừng thiếu thốn, khó khăn nhất, thì tình người lại sáng rõ nhất. Từng cộng đồng nhỏ tự trở thành những “tổ đội thi công” nghĩa tình, chân chất.

Ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục đẩy mạnh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa được 96/102 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, với mục tiêu hoàn thành 100% trước ngày 31/8/2025.

Tin cùng chuyên mục
“Bắt cóc Online”: Từ cú điện thoại đến hiểm họa khôn lường

“Bắt cóc Online”: Từ cú điện thoại đến hiểm họa khôn lường

Trong thời đại số, mạng xã hội không chỉ là công cụ kết nối mà còn trở thành nơi ẩn nấp lý tưởng cho những kẻ có hành vi xâm hại, bắt cóc trẻ em. Chỉ với vài tin nhắn làm quen, một cuộc gọi Video, hay lời hứa hẹn ngọt ngào, nhiều đứa trẻ đã tự ý rời khỏi nhà để gặp người lạ. Những kẻ bắt cóc giờ đây không cần rình rập ngoài cổng trường, bởi chúng đã có “chìa khóa” tiếp cận nạn nhân ngay từ chiếc điện thoại.