Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

“Ngoại giao vắc xin” dấu ấn của Việt Nam 2021

Phương Hạ - 09:15, 02/02/2022

Đến trưa ngày 27/12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 146 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trở thành một trong 63 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ hai mũi tiêm chủng vắc xin cho trên 70% dân số. Thông tin này được đưa chính thức trên covidvax.live, trang chuyên cập nhật tốc độ tiêm vắc xin của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Công ty Pfizer (năm 2021).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Công ty Pfizer (năm 2021).

Cũng theo trang này: Tại châu Á, tốc độ và số lượng tiêm phòng của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Lào, Philippines, Ấn Độ và Indonesia. Ngoài châu Á, Việt Nam có độ bao phủ vắc xin thấp hơn Mỹ chỉ 2 bậc; cao hơn Nga tới khoảng 40 bậc – một tiến độ khiến nhiều người khó tin!

Đây thực sự là tin vui đối với người dân Việt Nam trước thềm năm mới 2022. Bởi trước đó, Việt Nam từng trải qua những tháng ngày đầy âu lo trước sự tàn phá dữ dội của làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. Đầu quý 2 năm 2021, người lạc quan nhất cũng chỉ dự đoán: Ít nhất tới tháng 4/2022, Việt Nam mới có thể đạt mục tiêu bao phủ vắc xin cho người dân. Thậm chí, cùng thời điểm, tờ The Straits Times (Singapore) còn nhận định: Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vắc xin cho 75% dân số. Thế nên, tiến độ này khiến nhiều người khâm phục, bình luận: “Việt Nam đi sau về trước”.

Để có được thành quả tự tin này, chúng ta ngược thời gian về giữa năm 2021, gắn với câu chuyện “ngoại giao vắc xin” của Việt Nam.

Trước tháng 6 năm 2021, Việt Nam từng đối phó thành công với ba làn sóng dịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Làn sóng dịch thứ tư đảo lộn mọi kết quả, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia bị đại dịch tàn phá nặng nề. Để kiểm soát dịch thành công, cùng với 5K, Chính phủ xác định vắc xin là giải pháp căn cơ nhất.

Ngày 10/7/2021, Việt Nam phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quy mô nhất trong lịch sử, mục tiêu là tiêm miễn phí khoảng 75 triệu người, với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022 để đạt miễn dịch cộng đồng trên phạm vi cả nước.

Mục tiêu này là thông điệp khẳng định quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới để tiếp tục phát triển.

Nhưng, đây cũng là thời điểm nguồn vắc xin Covid-19 khan hiếm nghiêm trọng: 6 tháng đầu năm, chỉ có 4,5 tỷ liều được sản xuất, so với 10 tỷ liều cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng phạm vi toàn cầu; các quốc gia giàu có dốc tiền tiếp cận; có nước còn mua tích trữ... Các lô vắc xin Việt Nam đã có hợp đồng cũng khó được giao đúng hẹn. Thêm một điều trớ trêu, là quốc gia kiểm soát hiệu quả các làn sóng dịch trước, Việt Nam nằm ngoài các nước ưu tiên cung cấp vắc xin theo Cơ chế COVAX – cơ chế nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vắc xin Covid-19, do UNICEF chủ trì điều phối...

Muôn phần khó khăn, nhưng Việt Nam không hốt hoảng! Một lần nữa, bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam bừng sáng. Việt Nam chủ trương chiến dịch “ngoại giao vắc xin”, coi đây là mũi nhọn trong chiến lược vắc xin đề ra từ trước, nhằm tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vắc xin cho người dân.

Ngày 13/8/2021, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin được thành lập, Tổ trưởng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Một Bộ trưởng làm Tổ trưởng - điều hy hữu đó nói lên nhiệm vụ của Tổ công tác này quan trọng, cấp thiết, nặng nề như thế nào.

Khẩn trương, quyết liệt, toàn diện, chủ động, mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong tháng 7, tháng 8, tháng 9, các tháng tiếp theo, đã thực hiện hàng nghìn cuộc làm việc, tận dụng tất cả các cơ hội đàm phán tiếp cận các nguồn vắc xin từ các quốc gia. Điều đặc biệt, không chỉ chỉ đạo, đôn đốc, lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước đã trực tiếp tham gia chiến dịch này bằng nhiều hình thức, song phương, đa phương, điện đàm và cả viết thư tay cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất vắc xin…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Hội đàm cấp cao Việt Nam-Nhật Bản, ngày 24/11/2021. Thủ tướng Nhật Bản thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ thêm 1,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho Chính phủ Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Hội đàm cấp cao Việt Nam-Nhật Bản, ngày 24/11/2021. Thủ tướng Nhật Bản thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ thêm 1,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho Chính phủ Việt Nam.

Kể từ khi lô vắc xin đầu tiên đến Việt Nam đầu tháng 4/2021 thông qua Cơ chế COVAX, tháng 6, nhất là từ tháng 7/2021, hàng triệu liều vắc xin viện trợ, nhượng hoặc vay, từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Đức, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Áo,... dồn dập về Việt Nam, giải tỏa “cơn khát” vắc xin cho chiến dịch tiêm chủng trong thời điểm dịch nóng bỏng. Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ vắc xin. Nga, Nhật Bản, ngoài viện trợ vắc xin, còn hợp tác với các công ty Việt Nam đóng gói, chuyển giao công nghệ, giúp nước ta chủ động nguồn vắc xin đối phó với đại dịch chưa từng có trong lịch sử, được dự báo là khó có thể kết thúc sớm.

Là một quốc gia luôn nêu cao trách nhiệm, tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam còn tham gia tích cực vào “ngoại giao vắc xin” ở kênh đa phương, đề xuất, kêu gọi cộng đồng quốc tế có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt và bất bình đẳng vắc xin, và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sớm đóng góp tài chính cho quỹ vắc xin toàn cầu.

Kết thúc năm 2021, Việt Nam tiếp nhận những liều cuối cùng trong hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca; đồng thời, có được hợp đồng với các hãng mua 200 triệu liều vắc xin; đã và đang đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin Pfizer và AstraZeneca đủ tiêm nhắc lại và tăng cường trong thời gian tới.

“Trong mọi cuộc tiếp xúc, các đối tác nước ngoài đều nhiệt tình quan tâm và đồng ý với đề nghị được hỗ trợ vắc xin của Việt Nam”. - Nhiều cán bộ ngoại giao tham gia đàm phán cho biết: Cùng với vị thế của đất nước, điều may mắn đó có được còn do bạn bè quốc tế đều trân trọng và cảm động về những việc làm tình nghĩa của Việt Nam, trong các tháng đầu năm 2021, dù khó khăn, vẫn viện trợ, ủng hộ vật tư y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế cho nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Italia, Nhật Bản, Mỹ..., như câu tục ngữ “Một miếng khi đói...”.

Kết quả tốt đẹp của chiến dịch "Ngoại giao vắc xin" đã tạo điều kiện để nước ta triển khai thành công Chiến dịch tiêm chủng thần tốc có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Đến ngày 1/2/2022, cả nước đã tiêm được 181.518.833 liều vắc xin, trong đó tiêm mũi 1 là 79.078.859 liều, tiêm mũi 2 là 74.182.311 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc lại và mũi 3 liều cơ bản) là 28.320633 liều; và hiện đang tiếp tục quyết liệt triển khai Chiến dịch tiêm chủng thần tốc và vắc xin mùa Xuân xuyên Tết.

Với kết quả và ý nghĩa đó, "Ngoại giao vắc xin" thực sự là một dấu ấn đạm nét của Việt Nam trong năm 2021.