Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Ngư dân miền Tây Nam Bộ nỗ lực gỡ “thẻ vàng”: Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nghề cá (Bài 2)

Như Tâm - 09:41, 21/03/2023

Có vùng biên giới biển liền nhau, ngoài hàng ngàn phương tiện trên địa bàn, tại hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang còn có rất nhiều phương tiện của các tỉnh khác về đây khai thác... Những năm qua, hai tỉnh đã nỗ lực triển khai công tác phối hợp chặt chẽ với nhau bằng nhiều hành động, giải pháp trong công tác phòng, chống khai thác IUU, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tuần tra xuyên suốt, tránh việc độc chiếm ngư trường
Tuần tra xuyên suốt, tránh việc độc chiếm ngư trường

Làm tốt công tác phối hợp để gỡ "thẻ vàng"

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Cà Mau cho biết, để tránh việc độc chiếm ngư trường, hay bảo kê, khai thác tận diệt dẫn đến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, kéo theo việc xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác không khai báo, từ năm 2020, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã ký kết chương trình hợp tác và thông qua kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện tuần tra chung trong hoạt động khai thác thủy sản trên biển, chống khai thác IUU. 

“Chúng tôi thường xuyên phối đi tuần tra để kiểm tra công tác phòng chống IUU trên biển, không chỉ kiểm tra ngư dân, mà cả kiểm tra công tác thực thi IUU trên biển. Lãnh đạo hai tỉnh cùng các ngành chức năng luôn khẳng định quyết tâm, sát sao của địa phương trong thực hiện chống khai thác IUU nhằm gỡ “thẻ vàng”, từng bước tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế biển bền vững bằng nghề khai thác có trách nhiệm”, ông Sử nhấn mạnh.

Không chỉ lãnh đạo hai tỉnh ký kết chương trình hợp tác, mà các đơn vị có trách nhiệm quản lý trên vùng biển của hai tỉnh cũng ký kết hợp tác theo từng chức năng và nhiệm vụ. Đại tá Huỳnh Văn Đông - Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang cho biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và của địa phương về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trọng tâm là ngăn chặn tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Qua đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang, thống nhất ký kết phối hợp cùng các đơn vị của tỉnh bạn với nhiều nội dung, đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra, vào khu vực biên giới biển; phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo báo, không theo quy định. 

Đồn biên phòng Tây Yên (BĐBP Kiên Giang) phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm tàu mất liên lạc trên thiết bị theo dỗi hành trình
Đồn biên phòng Tây Yên (BĐBP Kiên Giang) phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm tàu mất liên lạc trên thiết bị theo dỗi hành trình

Thực hiện nhiều giải pháp phát triển bền vững nghề cá

Bên cạnh, chống khai thác IUU, không để ngư dân đưa tàu đi khai thác vùng biển nước ngoài, để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín và danh dự của quốc gia, dân tộc. Các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trước nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, việc thả san hô nhân tạo xuống đáy biển nhằm mục đích thay đổi quá trình sinh học, điều kiện vật lý nhằm duy trì và phát triển nguồn lợi hải sản được xem là giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế tàu lưới kéo đánh bắt vùng nước ven bờ và nâng cao hiệu quả khai thác theo hướng bền vững. Hiện nay, khoảng hơn 30 nước trên thế giới xây dựng rạn san hô nhân tạo nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp cho sự phát triển nghề cá biển. 

Tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện Dự án thả rạn san hô nhân tạo với 500 khối bê tông san hô nhân tạo được chia thành 5 cụm, mỗi cụm 100 khối, được thả xuống biển trải dài từ địa bàn xã Khánh Bình Tây qua Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), thuộc khu vực biển Tây Cà Mau và đã đạt được kết quả tích cực.

Toàn bộ 500 khối san hô nhân tạo được Cơ quan Hợp tác quốc tế (TICA), Bộ Ngoại giao Thái Lan, Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện, mục tiêu là thúc đẩy khôi phục tài nguyên biển. Đặc biệt là sự suy giảm nguồn lợi thủy sản do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

Rạn san hô nhân tạo được đưa xuống biển bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hạn chế tàu lưới kéo đánh bắt vùng nước ven bờ
Rạn san hô nhân tạo được đưa xuống biển bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế tàu lưới kéo đánh bắt vùng nước ven bờ

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh Cà Mau về chống khai thác IUU cho biết: Dự án thí điểm thả rạn san hô nhân tạo nhằm khôi phục nguồn lợi thủy sản, hướng đến phát triển nghề cá bền vững; đồng thời góp phần chống IUU, bước đầu đạt được nhiều tính hiệu khả quan tích cực. 

Qua quan sát thực tế của các nhà chuyên môn, các loài cá tập trung tại khu vực thả rạn san hô nhân tạo có khuynh hướng tăng lên. Đặc biệt, một số loài cá tại khu vực rạn có kích thước lớn hơn nhiều so với kích thước bình thường do ngư dân đánh bắt ngoài biển xa bờ, sự xuất hiện nhiều họ, loài hải sản đa dạng hơn như họ nghêu, tôm, hải sâm, giáp xác… ngày càng nhiều hơn, đồng thời chống được nạn khai thác thủy sản theo hướng tận diệt.

Ban Tổ chức Lễ hội Kỷ niệm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các ở TP. Hà Tiên thả cá, tôm, ghẹ giống về biển, duy trì nguồn lợi hải sản trong môi trường tự nhiên
Ban Tổ chức Lễ hội Kỷ niệm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các ở Tp. Hà Tiên thả cá, tôm, ghẹ giống về biển, duy trì nguồn lợi hải sản trong môi trường tự nhiên

Còn ở tỉnh Kiên Giang, ngoài việc áp dụng thả rạn san hô nhân tạo đang phát huy hiệu qủa, tỉnh còn trú trọng đến việc thả các loại cá giống về biển để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, bên cạnh việc xiết chặt chống IUU, chúng tôi luôn quan tâm đến phát triển nguồn lợi thủy, nhằm hạn chế việc cạn kiệt nguồn lợi. Có được vậy chúng ta mới duy trì hiệu quả việc chống khai thác thủy sản trái phép. 

Đối với Kiên Giang việc tạo các mô hình thả con giống về biển, là chủ trương của tỉnh có nhiều năm nay. Mỗi khi có sự kiện lớn gắn với biển đảo, là phát động thà con giống về biển, cũng có các sự kiện định kỳ thực hiện. Đơn cử như, nhân ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1/4 hay Lễ hội kỷ niệm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các ở Tp. Hà Tiên. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình ngân hàng ghẹ trứng để nghiên cứu lai tạo và thả về môi trường tự nhiên. Qua đó, phát động toàn thể Nhân dân cùng chung tay giữ gìn, phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngay lúc này, ngư dân của vùng biển Tây Nam cũng đã xác định tránh nhiệm của mình, trước vận mệnh của nghề cá; họ cũng đã tự ý thức tháo "thẻ vàng” với chính mình. Tất cả đều cố gắng, quyết tâm cùng với cả hệ thống chính trị trong khoảng thời gian vàng 180 ngày để gỡ “thẻ vàng”, để không còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín và danh dự của quốc gia, dân tộc.