Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Người cán bộ Mặt trận ham học của đồng bào M’nông

PV - 09:36, 23/07/2019

Mong muốn làm gương cho đồng bào buôn làng noi theo, hằng tuần ông K’Koi, buôn S’rông, thôn 2, xã Đăk R’măng, huyện Đăk G’long, tỉnh Đăk Nông chạy xe máy gần 100 cây số để học bổ túc văn hóa, rồi tham gia kỳ thi THPT quốc gia để lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Sinh ra và lớn lên ở buôn nghèo S’rông, xã vùng cao Đăk R’măng, ở thế hệ của ông K’Koi việc học hành gặp rất nhiều khó khăn, muốn học THPT phải đi vài trăm cây số nên đa số học sinh chỉ học hết lớp 9 là bỏ học đi làm nương, làm rẫy kiếm sống. Vì thế mà bây giờ, nhiều người trong buôn S’rông không biết chữ. Ông K’Koi trở thành người hiếm hoi được học hết bậc THPT. Với tính cách nhanh nhẹn, nhạy bén trong công việc ông may mắn được bầu làm cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã. Đồng bào M’nông buôn S’rông rất tin tưởng ông nên khi ông triển khai hoạt động gì, bà con cũng nghe và làm theo.

Cán bộ coi thi hướng dẫn ông K’Koi làm thủ tục. Cán bộ coi thi hướng dẫn ông K’Koi làm thủ tục.

Tuy nhiên, vì vốn chữ ít ỏi nhiều lúc diễn đạt không hết ý, nhận thấy không đủ để đáp ứng công việc. Bên cạnh đó, để khuyến khích các con chăm chỉ học hành nên ông quyết tâm đi học. “Muốn các con nghe lời, bà con tín nhiệm, trước hết mình phải làm gương. Muốn dạy các con, mình phải có kiến thức. Sau này, bà con trong buôn muốn học chữ, mình sẵn sàng dạy mọi người những gì mình được học. Chỉ có học chữ mới có kiến thức, hiểu biết và có thể làm giàu chính đáng”, ông K’Koi chia sẻ.

Năm 2016, ông K’Koi đăng ký học bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đăk R’lấp. Ông đăng ký khóa học cuối tuần để không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Hằng tuần, người đàn ông ngót 50 tuổi lại một mình đi xe máy quãng đường gần 100km từ nhà đến trường học. Đi học đường xa, đi lại vất vả, nhất là những ngày mưa gió và những lúc kinh tế gia đình khó khăn. Đôi lúc ông suy nghĩ đến việc bỏ học giữa chừng, nhưng lại được cấp ủy xã động viên, nên lại tiếp tục đến trường và càng quyết tâm hơn.

“Tuổi cao khả năng tiếp thu chậm nếu mình bỏ học thì không theo kịp các học sinh khác. Mỗi khi có việc nghỉ học lại phải phiền thầy cô kèm lại kiến thức, vất vả lắm”, ông K’Koi chia sẻ.

Hình ảnh ông K’Koi khăn gói đi học cuối tuần trở thành quen thuộc với người dân trong buôn S’rông. “Chỗ mình sống bà con còn nghèo lắm, rất cần thay đổi tư duy để làm ăn, phát triển kinh tế. Nhiều người lớn còn mù chữ nên khó khăn trong giao tiếp nhưng lại rất ngại đi học chữ. Một số gia đình chưa mấy quan tâm đến việc học tập của con cái nên tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn. Tôi quyết định tiếp tục học, một phần để làm gương, giúp bà con hiểu được tầm quan trọng của “con chữ”, một phần có thể nâng cao sự hiểu biết, tuyên truyền vận động tốt hơn”, ông K’Koi cho biết.

Ông K’Koi có 7 đứa con, hai đứa con gái đang học đại học tranh thủ nghỉ hè, có kèm thêm cho mình. Thấy bố chăm chỉ học hành, các con ông cũng vui và tự hào, luôn động viên ông cố gắng vượt qua khó khăn. Ông hy vọng sẽ đạt được kết quả như mong đợi, có như thế bà con trong buôn làng mới noi gương, đi học xóa mù chữ.

Chia sẻ về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, ông cho hay: do đã chuẩn bị rất kỹ, lại được sự động viên và kèm thêm của các con nên ông hoàn thành các bài thi khá tốt. Từ những tấm gương hiếu học này có thể thấy việc không bao giờ là chậm, chỉ cần có sự quyết tâm nâng cao trình độ, tiếp cận tri thức khó khăn nào cũng vượt qua được.

LÊ HƯỜNG - QUỐC PHONG

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.