Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Người Cơ Tu ứng xử với rừng

Pơloong Plênh - 18:27, 07/11/2021

Với người Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, rừng như người mẹ hiền, người cha hùng dũng kiên cường chở che, nuôi dưỡng họ trường tồn cùng thời gian.

Lễ hội truyền thống của người Cơ Tu
Lễ hội truyền thống của người Cơ Tu

Người Cơ Tu không xem rừng là tài nguyên để chiếm lĩnh mà xem rừng như người bạn, người thân. Họ luôn ứng xử văn minh và tôn thờ Thần rừng nhất là rừng thiêng như rừng đầu nguồn, rừng có nghĩa địa, rừng nhiều động vật- thực vật quý hiếm và nhiều cây thuốc chữa bệnh cho dân làng.

Sự văn minh của người Cơ Tu trong ứng xử với rừng thông qua hệ thống giá trị của các hương ước, luật tục. Dù đó đều là luật bất thành văn, xuất phát từ thực tế cuộc sống của đồng bào, khi đó Hội đồng già làng đóng vai trò là “quan toà” phân xử các công việc của làng. Từ khi có luật tục, họ không dám làm việc xấu, việc bất lương, nhất là đối với rừng.

Với người Cơ Tu khi lấy bất cứ thứ gì từ trong rừng họ luôn quan niệm là phải xin các thần linh của rừng (Abhô Jàng), chặt cây to hay cây nhỏ đều phải xin, phải cúng, phải họp bàn dân làng chấp thuận rồi mới được phép chặt cây mang về. Mọi thứ ở rừng là của chung, là của cả cộng đồng ai cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ gìn giữ, bảo vệ.

Tác giả bên cây pơmu Voi- Trong khu rừng di sản Pơmu Tây Giang
Tác giả bên cây pơmu Voi- Trong khu rừng di sản Pơmu Tây Giang

Già làng Cơlâu Nhất ở xã Lăng cho biết: “Người Cơ Tu tuyệt đối nghiêm cấm phá rừng già, rừng đầu nguồn. Khoảnh rừng được chọn làm rẫy xong một vụ/năm sẽ được hoàn trả lại đất cho mẹ rừng, phải từ 5 đến 10 năm sau mới được quay lại xin mẹ rừng phát mùa rẫy mới tiếp theo”. Người Cơ Tu không để đất rẫy mẹ rừng tiếp xúc với phân bón hóa chất độc hại. Họ trồng lúa, bắp, sắn, khoai một cách tự nhiên; nhờ những dòng sông chở nặng phù sa, những khe suối mát lành từ các khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn chảy ngầm qua dưới gốc rễ cây trồng.

Rừng đối với người Cơ Tu còn là nơi giữ những mạch nước ngầm, từ các cánh rừng nguyên sinh hơn hàng ngàn năm tuổi như rừng lim xanh ở sông Lăng, rừng đa cổ thụ ở núi Aleo nơi khơi nguồn dòng sông Ri Măng, rừng pơmu núi Ziliêng nơi khơi nguồn dòng suối Ziliêng, rừng đỗ quyên cổ trên đỉnh núi Arung, Achóh (Kalang- Tiên Sơn) ….

Già làng, nghệ nhân tiêu biểu, uy tín Bhơ riu Pố ở xã Lăng cho biết: Trong văn hóa của người Cơ Tu hình ảnh các vị thần, các động- thực vật sống ở rừng luôn được thể hiện rất sinh động trong văn hóa nghệ thuật, kiến trúc nhà mồ, nhà gươl, nhà dài. Từ rau rừng, cá, ốc, đến tên sông, suối, cây cối và muông thú luôn được người Cơ Tu sử dụng thông qua đặt tên làng, tên con cái, dòng họ… như một lời tri ân và giáo dục, nhắc nhở lớp thế hệ con cháu biết sống, ứng xử tốt với rừng, bảo vệ rừng và động thực vật quý hiếm như  bảo vệ chính ngôi nhà và trái tim của mình.

Khách du lịch tham quan rừng pơmu - di sản tại Tây Giang
Khách du lịch tham quan rừng pơmu - di sản tại Tây Giang

Đặc biệt, trong văn hóa của người Cơ Tu không có biểu tượng, nghi lễ lớn nhỏ nào không bắt nguồn và gắn liền với rừng, từ kiến trúc làng, đến nghi lễ vòng đời, đến các lễ hội, đến trang phục, trang sức, ẩm thực, đến tín ngưỡng đa thần… Rừng như là vị thần chứng giám những hành vi trong cộng đồng dân làng.  Từ xa xưa, người Cơ Tu có cách cảm hoá người xấu thành người tốt bằng cách xử phạt theo luật tục và hương ước của làng, đó là đưa vào rừng sâu, không cho dùng máng nước chung của làng, để các thần rừng răn đe, giáo dục sau khi hối lỗi sẽ được trở lại buôn làng.

Với người Cơ Tu, rừng cũng là một thực thể hiền từ, nuôi dưỡng, giáo dục cách sống hài hòa với thiên nhiên. Rừng cũng là nơi ngự trị cuối cùng trong vòng đời sinh, lão, bệnh, tử của con người. Để khi lìa xa trần thế, mẹ rừng xanh luôn mở rộng vòng tay đón đứa con trung hiếu về an nghỉ với ngàn xanh cây lá.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.