Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Người có uy tín góp sức vì một vùng biên sạch ma túy

Thanh Nguyễn - CTV - 15:00, 30/11/2022

Không chỉ tấn công vào các tụ điểm buôn bán, tàng trữ ma túy; các lực lượng chức năng còn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng biên giới về tác hại của ma túy để mỗi người thêm ý thức phòng ngừa. Góp sức trong cuộc chiến cam go ấy, còn có lực lượng không thể thiếu được. là đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín đang ngày đêm tuyên truyền, vận động Nhân dân rời xa “cái chết trắng”.

Khung cảnh thanh bình ở bản Ca Da (xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn) khi bản làng không còn ma túy
Khung cảnh thanh bình ở bản Ca Da (xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn) khi bản làng không còn ma túy

Tăng cường tuyên truyền phòng chống ma tuý

Qua nắm bắt tình hình, hiện nay tại 27 xã biên giới thuộc 6 huyện ở Nghệ An gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong đều có tệ nạn liên quan đến ma túy. Đáng chú ý, trong số đó, có nhiều xã trọng điểm phức tạp về ma túy; số người nghiện ma túy còn nhiều; hoạt động của tội phạm liên quan đến các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tiềm ẩn nguy cơ cao. Mặt khác, Nghệ An là tỉnh có đường biên giới dài 468 km, tiếp giáp 3 tỉnh nước bạn Lào. Hơn nữa, vị trí địa lý lại nằm gần khu vực “Tam giác vàng” nên đã trở thành địa bàn thẩm lậu ma túy từ Lào rất phức tạp.

Trước tình hình ấy, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tấn công mạnh vào các tụ điểm, các điểm phức tạp về ma túy. Ngay từ đầu tháng 4/2022, Ban Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn tỉnh. Đề án được thực hiện tại 27 xã biên giới ở các huyện nêu trên, thực hiện từ ngày 15/4/2022 đến hết năm 2022 và chia làm 3 giai đoạn.

Theo đó, trong cuộc chiến cam go này, ngoài các lực lượng chủ công là Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Công an… các địa phương đã xác định, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín là “cánh tay nối dài” trên mặt trận này.

Nhìn từ huyện Quế Phong - một trong những huyện biên giới trọng điểm, phức tạp về ma túy tại Nghệ An để thấy được những khó khăn, vất vả, phức tạp của công tác dân vận. Sau khi triển khai Đề án “xã biên giới sạch về ma túy”, lực lượng Công an Quế Phong đã tấn công đồng loạt vào 12 tụ điểm ma túy phức tạp tại các xã Tri Lễ, Mường Nọc, Châu Kim, Thông Thụ… Còn đội ngũ các già làng, trưởng bản, Người có uy tín thì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” để vận động bà con rời xa ma túy.

Theo ông Lương Văn Nguyên - Trưởng bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, cả bản Mường Phú có 227 hộ chủ yếu người Thái. Trước đây tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy rất phức tạp. Để bảo đảm yên dân, yên biên giới, yên địa bàn, cán bộ bản phối hợp với BĐBP, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 4 đợt tuyên truyền về phòng chống ma túy cho bà con, đưa 2 người nghiện đi cai tập trung. Tình hình trật tự tại bản bình yên trở lại.

Ông Nguyên chia sẻ: Ở bất cứ nơi đâu có thể tuyên truyền, vận động là mình làm thôi. Cái chính là để mọi người hiểu tác hại của ma túy làm mất an ninh trật tự, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình và bản làng không còn bình yên để tránh xa. Nhưng nhiều người nghiện vẫn giấu nghiện, việc vận động họ đi cai rất vất vả, khó khăn.

Tại xã biên giới Ngọc Lâm thuộc huyện Thanh Chương, sau 3 tháng triển khai Đề án, Công an xã đã phối hợp với chính quyền địa phương, đưa 23 người đi cai nghiện, triệt xóa 2 tụ điểm buôn bán ma túy. Các lực lượng chủ công đã phối hợp với Người có uy tín, già làng, trưởng bản đẩy mạnh tuyên truyền, động viên con cháu, người trong dòng họ, bản làng chấp hành các chủ trương của Đảng, cùng BĐBP giữ bình yên xóm làng.

Cuộc sống của người dân xã tái định cư Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương đang ngày càng đổi thay no ấm bằng những mô hình cây con do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm bón
Cuộc sống của người dân xã tái định cư Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương đang ngày càng đổi thay no ấm bằng những mô hình cây con do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm bón

Trung tá Nguyễn Thế Anh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương cho hay: Các già làng, Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động con cháu, dòng họ, làng bản chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc không buôn bán và sử dụng ma túy. Tình trạng người nghiện trên các bản của 2 xã tái định cư nơi đồn đóng chân là Thanh Sơn và Ngọc Lâm đã giảm đáng kể.

Những Người có uy tín, các già làng vùng đồng bào DTTS đã phát huy vai trò của mình, trong công tác tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, giúp Nhân dân nhận thức và hiểu được tác hại, hệ lụy mà ma túy mang lại. Những kết quả đó, đã góp phần bảo đảm tình hình quốc phòng, an ninh trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, giúp các lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, nắm tình hình an ninh trên tuyến biên giới và nội địa.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Đề án “xã biên giới sạch về ma túy” được chia thành 3 giai đoạn, với quyết tâm xây dựng 27 xã biên giới không còn ma túy ngay trong năm 2022. Quyết tâm giữ vững, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong những năm tiếp theo, đồng thời nghiên cứu, nhân rộng mô hình ở các địa bàn khác trên toàn tỉnh. 

Để thực hiện đề án này, Công an tỉnh Nghệ An đã tăng cường lực lượng và cơ sở vật chất về 27 xã. Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo 12 đơn vị: Phòng nghiệp vụ và Công an các huyện thành, thị ký kết nghĩa với UBND 12 xã biên giới khó khăn.

Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 700 buổi tuyên truyền; 220 diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân; tổ chức 24 phiên tòa xét xử lưu động; 27/27 xã xây dựng mô hình “Xã biên giới sạch ma túy”, xây dựng 27 điển hình là cá nhân chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; duy trì tốt các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống ma túy tại địa bàn 27 xã biên giới. Đến nay 26/27 xã biên giới tỉnh Nghệ An đạt các tiêu chí xã sạch ma túy.

Xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) phối hợp với lực lượng chức năng lồng ghép tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh tại chương trình sinh hoạt dưới cờ
Xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) phối hợp với lực lượng chức năng lồng ghép tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh tại chương trình sinh hoạt dưới cờ

Qua 6 tháng thực hiện Đề án, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt 91 vụ 117 đối tượng phạm tội về ma túy tại các xã biên giới, thu gần 19 kg ma túy các loại cùng 50 khẩu súng, dao, kiếm và nhiều tang vật khác; triệt xóa thành công nhiều tụ điểm, điểm phức tạp và điểm bán lẻ ma túy tại các xã biên giới. Các đơn vị cũng đã tiến hành các biện pháp theo dõi, quản lý cai nghiện đối với 504/516 đối tượng nghiện và nghi nghiện… Đến nay 26/27 xã biên giới đạt tiêu chí sạch người nghiện ma túy. Riêng bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong sẽ tiếp tục được các lực lượng tập trung chỉ đạo “làm sạch” ma túy để tiến tới hoàn thành mục tiêu 27/27 xã biên giới sạch ma túy trong năm 2022.

Ông Vi Hòe - Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn cho hay: Việc triển khai nhân rộng Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” sẽ hướng đến mục tiêu “Huyện biên giới sạch ma túy”, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược, đưa Nghệ An ra khỏi diện địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của cả nước.

Theo ông Hòe, cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Làm trong sạch ma túy ở mỗi làng bản, sẽ góp phần to lớn vào việc yên dân, yên địa bàn, yên biên giới, từ đó, sẽ tạo ra môi trường lành mạnh, bình yên, ổn định.