Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người Đan Lai trên hành trình hội nhập: Ngược nguồn khe Khặng (Bài 1)

PV - 09:06, 30/08/2022

LTS: Một thời, người Đan Lai sống biệt lập trong rừng thẳm (vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát - Con Cuông, Nghệ An). Một thời, những tập tục lạc hậu đã khiến tộc người này đứng trước nguy cơ suy vong giống nòi… Dẫu hôm nay, những khó khăn, vất vả trên hành trình hòa nhập và phát triển vẫn còn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đặt trọn niềm tin về sự đổi mới không xa, khi mà cả xã hội đang chung tay để bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc có tục ngủ ngồi này.

Khiêng xe qua suối để vào các bản làng vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát của người Đan Lai
Khiêng xe qua suối để vào các bản làng vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát của người Đan Lai

Chỉ khoảng 20km, nhưng con đường đất trơn trượt, có khi dốc dựng đứng, rồi khúc khuỷu như tay áo từ trung tâm xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) dẫn vào bản Búng và bản Cò Phạt luôn là thách thức những tay lái. Riêng tôi đã đến bản làng của người Đan Lai bằng thuyền máy, trên hành trình ngược khe Khặng, bắt đầu từ đập Phà Lài. Giữa bốn bề rừng thẳm, bản làng người Đan Lai như trở nên nhỏ bé, lạc lõng…

Truyền thuyết của tộc người ngủ ngồi

Những già làng người Đan Lai bao đời nay, vẫn truyền lại cho con cháu truyền thuyết về tộc người mình. Cứ thế, câu chuyện nhuốm màu liêu trai, đã được trao truyền qua bao thế hệ; trong những nếp nhà thấp bé, bên bếp lửa bập bùng và cả trong những giấc ngủ chập chờn giữa đại ngàn hoang vu. Tôi cũng đã có cơ may được lắng nghe câu chuyện ấy, trong một đêm mưa rừng rả rích cách nay chưa lâu. Bếp lửa giữa nhà cứ rực cháy, thoảng từng hạt lửa bay lên nổ lép bép lẫn vào khói bếp...

Cây cầu tạm bắc qua suối do cầu treo đã bị trôi
Đường vào bản người Đan Lai đi lại rất khó khăn

Chuyện rằng, ở miền Hoa Quân, nay thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An), có một tên bạo chúa tàn ác khét tiếng. Một hôm, tên bạo chúa bắt dòng họ Lê phải vào rừng tìm cho ra “100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền liền mái chèo”. Nếu không tìm được sẽ tàn sát cả dòng họ.

Biết chẳng thể tìm được trăm cây nứa vàng và chiếc thuyền liền mái chèo, trong đêm tối mịt mùng, cả làng họ Lê gồng gánh, dắt díu nhau chạy trốn. Đoàn người cứ thế ngược nguồn sông Giăng mà chạy mãi, chạy mãi vào nơi sơn cùng thủy tận; đến khi không còn nghe thấy tiếng người mới dừng chân.

Nơi rừng thiêng, họ dựng lều, sống cuộc đời du thực. “Theo dấu chân nai/Tra vào hạt lúa/Theo dấu chân cọp/Bỏ vào hạt ngô/Lang thang đầu núi/Đìu hiu lưng đèo/Sống đời nghèo khổ/Như dòng suối nhỏ/Như gió rừng chiều…”, cuộc sống tăm tối, cứ thế nay đây mai đó với măng rừng, củ mài. Để tránh bị đám sai nha của tên bạo chúa miền Hoa Quân truy sát, người Đan Lai đổi từ họ Lê sang họ La, đồng thời sống mai danh ẩn tích.

Cuộc thiên di bất hạnh hơn 600 năm trước nơi miền rừng xa thẳm, qua bao thăng trầm, biến động, nhưng đến nay một bộ phận người Đan Lai vẫn giữ hai tập tục kỳ lạ: nhúng trẻ sơ sinh vào nước lạnh ngay khi vừa chào đời và… ngủ ngồi.

Con đường đất trơn trượt trên hành trình vào 2 bản Búng và Cò Phạt
Con đường đất trơn trượt trên hành trình vào 2 bản Búng và Cò Phạt

Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) Ngân Văn Trường còn trẻ lắm, nhưng là người phụ trách về chính sách di dân, bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai nên ông Trường rất rành rẽ. Lại nữa, là người con của bản làng Môn Sơn, nên bao câu chuyện liên quan đến người Đan Lai đã “ngấm” vào ông Trường từ thuở còn tấm bé.

Ông Trường bảo: Tôi nghe các già làng kể lại hồi xưa ở thượng nguồn sông Giăng cọp dữ rất nhiều. Nhiều người trong đêm đã bị cọp bắt đi, tha vào rừng ăn thịt. Đề phòng thú dữ, nghe tiếng động là có thể vùng chạy thoát thân, nên bà con Đan Lai mới có tục ngủ ngồi. Theo ông Trường, một thời do cách biệt về địa lý, điều kiện lịch sử và các tập tục lạc hậu, cuộc sống của tộc người Đan Lai dựa vào rừng; chủ yếu săn bắt, hái lượm và phát rừng làm rẫy.

“Hiện nay vẫn còn tỉ lệ nhỏ người Đan Lai có tảo hôn và hôn nhân cận huyết nên trình độ dân trí thấp hơn so với dân tộc khác, suy thoái giống nòi và bệnh tật ốm đau thường xuyên”, ông Trường cho biết.

Một góc bản Cò Phạt của người Đan Lai ở vùng lõi Pù Mát
Một góc bản Cò Phạt của người Đan Lai ở vùng lõi Pù Mát

Vào xứ sở của  người Đan Lai

Vào bản Cò Phạt, bản Búng - nơi có tộc người Đan Lai sinh sống, nếu không thể đi xe máy vượt đèo vượt dốc những 20km đường rừng, thì phương tiện duy nhất là ngồi thuyền ngược dòng sông Giăng. Hôm nay trở lại “lãnh địa” của người Đan Lai bằng thuyền máy, bắt đầu từ đập Phà Lài. Mưa rừng hôm ấy như trút, mà thương mấy đồng chí cán bộ huyện, xã cưỡi xe máy khảo sát lộ trình để chuẩn bị nâng cấp, làm mới đường bộ từ trung tâm xã Môn Sơn vào 2 bản người Đan Lai. 

Cả hành trình, ai nấy người ướt như chuột lột. Họ phải bỏ tất cả đồ dùng cá nhân gói bao bóng (túi nilon), để vào cốp xe rồi cứ thể ì ạch trên con đường trơn trượt. Có đoạn gặp suối to, họ lại 3, 4 người, đẵn cây rừng, hè nhau khiêng xe.

Con đường thủy vào với người Đan Lai có tục ngủ ngồi cũng không hề như mơ. Ngay đập Phà Lài là bến thuyền. Có thuyền du lịch loại to, chở được chừng 10-20 khách. Có thuyền 3 lá gắn đuôi tôm, chỉ chở 2-3 người. Chúng tôi đã lên thuyền ba lá, cho hành trình khứ hồi vào và ra non 4 giờ chòng chành. Nước khe Khặng xanh trong, hai bên bờ là rừng rậm. Nếu cụ Nguyễn Tuân sống lại, thì cũng chỉ tả “người lái đò khe Khặng” xêm xêm sông Đà mà thôi.

Cuộc sống của người Đan Lai ở vùng lõi Pù Mát còn nhiều khó khăn
Cuộc sống của người Đan Lai ở vùng lõi Pù Mát còn nhiều khó khăn

Ông Ngân Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cười: thế là tốt hơn rất nhiều rồi đấy. Khi chưa có đường mà chỉ là lối mòn thì còn vất vả hơn, có khi cả ngày trời mới đến nơi. Còn đi theo khe Khặng, cũng mất gần 1 buổi. Cũng vì cách trở nên mới biệt lập. Một thời gian dài, nhiều người Đan Lai đã không hề ra khỏi rừng.

Hiện nay, bản Búng có 118 hộ dân và bản Khe Khặng có 111 hộ dân, với tổng hai bản gần 1.000 khẩu. Người Đan Lai nơi đây có hai họ là Lê và La. Ấn tượng với chúng tôi ở bản Cò Phạt, bản Búng là đường nội bản đã có nhiều chỗ được đổ bê tông, đã có 1 số cầu treo, ngôi nhà của người Đan Lai đã thấp thoáng có nhà kiên cố bằng vôi vữa. Tại trung tâm các bản đã có điểm trường, bệnh xá quân y, nhà nội trú giáo viên, nhà văn hóa… chắc chắn. Sóng điện thoại 3G và điện lưới thắp sáng đã phủ gần kín hai bản.

Bằng sự vào cuộc không ngừng nghỉ với phương châm “cầm tay chỉ việc” của cả hệ thống chính trị, hai bản của tộc người Đan Lai đã có 16ha sản xuất lúa, gần 10ha sản xuất ngô và khoảng 1.000 con trâu bò. Người dân đã biết sản xuất lúa nước 2 vụ, sản xuất ngô 1 vụ, biết trồng cây ăn quả và rau quanh nhà sàn.

Nếp nhà của người Đan Lai ở bản Búng
Nếp nhà của người Đan Lai ở bản Búng

Ông La Văn Tám, Trưởng bản Cò Phạt tâm sự: cuộc sống người Đan lai còn rất nhiều khó khăn. Rất cần sự chung tay, quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng và Nhà nước để người Đan Lai ổn định, phát triển.

Nốt lặng ở vùng đất của người Đan Lai là những con suối chia cắt khiến việc thông thương giữa các bản, cụm bản và thế giới bên ngoài rất khó khăn. Đa phần nhà ở của người Đan Lai vẫn là nhà sàn bằng tre nứa, lợp lá nhìn thấp và tạm bợ. Chung quanh nhà là hàng rào bằng tre, mét. Người Đan Lai không có đất sản xuất và đất ở, do địa bàn sinh sống nằm trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát. Để sinh sống, họ đã phát nương làm rẫy, trồng trọt, chăn nuôi và thu hái rau, quả từ rừng.

Tôi đã đứng trên một mô đất cao, phóng tầm mắt ra bốn phía và trong tầm mắt, là những mái nhà của người Đan Lai dường như lọt thỏm, nhỏ bé hơn giữa cái hùng vĩ, mênh mông của đại ngàn miền Tây xứ Nghệ. 

Tin cùng chuyên mục
Ủy ban Dân tộc: Chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp

Ủy ban Dân tộc: Chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp

Ngày 31/10/2024, Đảng ủy cơ quan Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 61, nhiệm kỳ 2020 -2025. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Trưởng Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ.