Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Hộ gia đình người Đan Lai đầu tiên viết đơn xin thoát nghèo

Minh Thứ - 10:05, 18/05/2020

Đối với 40 hộ dân người Đan Lai (thuộc nhóm dân tộc Thổ) ở bản Cửa Rào và bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An), cuộc hành trình “ly sơn” từ bản Khe Còn - nơi thượng nguồn sông Giăng là không hề đơn giản. Nhưng nay, cơ bản các hộ dân đã ổn định cuộc sống, trong đó có hộ vươn lên mức khá.

Chị La Thị Nguyệt thu hoạch đỗ xanh của gia đình ở bản Cửa Rào.
Chị La Thị Nguyệt thu hoạch đỗ xanh của gia đình ở bản Cửa Rào.

Có dịp trò chuyện với chị Nguyệt, chúng tôi không khỏi khâm phục tinh thần vượt khó của đồng bào Đan Lai. Chị kể: Năm 1999, Nhà nước thực hiện di dời người Đan Lai sống biệt lập trong vùng lõi của rừng quốc gia Pù Mát về khu tái định cư (TĐC) Cửa Rào và Tân Sơn theo Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai”.

“Lúc này bản thân gia đình mình và các hộ dân ở bản Khe Còn vẫn băn khoăn lắm. Sống với rừng núi, sông suối quen rồi nên khi chuyển đến chỗ ở mới ai cũng thấy dè dặt”, chị Nguyệt tâm sự.

Chị Nguyệt cho biết, lúc đó chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của bản Khe Còn nên gia đình phải gương mẫu. Gia đình chị là hộ đầu tiên ký vào danh sách di dời đến chỗ ở mới. Sau hơn 2 năm tuyên truyền vận động, các hộ dân còn lại ở Khe Còn cũng đã về khu TĐC.

Theo chị Nguyệt, về khu TĐC, Nhà nước đã làm sẵn nhà và chuồng trại cho các hộ dân chăn nuôi nên bước đầu cuộc sống khá thuận lợi. Người dân không phải vào rừng làm nương, làm rẫy mà Bộ đội và cán bộ hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây lúa nước ngay gần nhà; cách chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, trồng các loại rau phục vụ gia đình và đem ra chợ bán lấy tiền mua thêm các vật dụng khác cho gia đình. Bên cạnh đó, chính quyền cũng tổ chức nhiều sự kiện để đồng bào giao lưu văn hóa với người Kinh và người Thái ở đây nên tinh thần người dân rất phấn chấn.

Gia đình chị Nguyệt có nhà kiên cố, có 4 sào đất để trồng lúa nước cùng với 8.000m2 đất lâm nghiệp để trồng cây. Có chỗ để chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, có vườn trồng các loại rau nên gia đình chị đã nỗ lực lao động sản xuất để sớm thoát nghèo. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nên 4 sào trồng lúa nước của gia đình luôn cho năng suất cao (hơn 3 tạ/sào/vụ) đáp ứng đủ về nhu cầu lương thực của gia đình. Chị còn chăn nuôi bò sinh sản và nuôi thêm lợn, gà.

Khi thu nhập từ chăn nuôi đã ổn định, gia đình chị mua thêm máy xay xát phục vụ bà con trong bản; mở cửa hàng tạp hóa bán các mặt hàng thiết yếu để tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay, trung bình thu nhập mỗi năm của gia đình chị cũng được gần 100 triệu đồng.

Ông Lương Viết Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn khẳng định: Gia đình chị Nguyệt là hộ đầu tiên và đến nay là hộ duy nhất người Đan Lai viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Sự đổi mới về tư duy không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước của chị Nguyệt đã tạo sự lan tỏa, thay đổi nhận thức trong cộng đồng người Đan Lai về tinh thần chủ động, chịu khó lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Với những đóng góp và sự cố gắng của mình, chị La Thị Nguyệt đã được tặng nhiều Giấy khen của xã, huyện và tỉnh Nghệ An và được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen. Đặc biệt, chị được tỉnh Nghệ An lựa chọn là đại biểu duy nhất của người Đan Lai tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II năm 2020 sắp tới.


Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.