Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người dân Làng Teng giữ gìn bản sắc văn hóa

PV - 10:02, 22/04/2019

Mặc dù chịu nhiều tác động không nhỏ từ quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trên cùng địa bàn sinh sống nhưng bao thế hệ người Hrê sinh ra và lớn lên ở Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) vẫn luôn ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Các thiếu nữ Hrê duyên dáng trong điệu xoang truyền thống. Các thiếu nữ Hrê duyên dáng trong điệu xoang truyền thống.

Về thăm vùng quê cách mạng Ba Tơ những ngày đầu hè, đi trên những cung đường uốn lượn quanh các triền đồi hoa gạo nở đỏ rực, càng tô điểm cho bức tranh tuyệt đẹp của núi rừng nơi đây. Con đường dẫn vào thôn Làng Teng, xã Ba Thành thật yên ả, thanh bình.

Dù cuộc sống hôm nay có thay đổi nhưng những thế hệ người Hrê sinh ra và lớn lên ở thôn Làng Teng nói riêng, xã Ba Thành nói chung vẫn không bị hòa tan. Họ luôn ý thức về việc phải tiếp bước để giữ gìn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Chúng tôi ghé vào nhà chị Phạm Thị Sanh, 31 tuổi (dân tộc Hrê), thấy khách đến, cô con gái mới lên năm của chị Sanh nhoẻn miệng cười, giao tiếp bằng tiếng Hrê rồi đáp lại bằng tiếng Việt để khách hiểu khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Chị Sanh bảo, chị luôn dạy cho con biết giữ lấy cái gốc, cội nguồn của đồng bào mình, mà trước hết là tiếng nói, chữ viết Hrê, nên cháu nói rất giỏi tiếng của đồng bào mình.

Ở Làng Teng, gia đình chị Sanh được biết đến là gia đình hiếu học, biết gìn giữ văn hóa dân tộc. Từng có thời điểm, chị chứng kiến con trẻ ở một số nơi khác khi từ trên trường trở về nhà thấy cha mẹ nói tiếng Hrê lại “chỉnh sửa” cha mẹ bằng tiếng Việt. Hầu như, chỉ có người già nói được tiếng dân tộc mình, người trung niên nói ít hơn, còn thanh niên, trẻ em thì ngập ngừng, ú ớ. Nói đã khó, viết lại càng khó khăn hơn khi đòi hỏi quy chuẩn.

Theo chị Sanh, sống ở khu vực đồng bằng nên mọi người dễ dàng tiếp nhận nhiều luồng văn hóa giao thoa khác nhau. Vậy nên, phải luôn lưu tâm, để ý, uốn nắn cho con từ nhỏ.

Mỗi ngày, sau những giờ bận bịu, chị đều dành ít nhất hai tiếng đồng hồ để dạy cho con học và viết chữ Hrê, song song với tiếng Việt và tiếng Anh được học ở trường. “Dù con mình có là học sinh xuất sắc, đạt các thứ hạng cao ở trường, biết được nhiều thứ tiếng, tôi cũng luôn ý thức được việc cho con học tiếng đồng bào mình ngay từ khi con nhỏ. Có vậy con mới hiểu hết ngọn nguồn của mọi mặt đời sống, những giá trị văn hóa tinh thần từ lâu đời của dân tộc mình, từ đó mới có ý thức gắn bó, giữ gìn và quay trở về phục vụ tốt hơn cho dân làng mình sau này”, chị Sanh bộc bạch.

Hiện tại người dân Làng Teng vẫn giữ gìn được những hoa văn độc đáo trên những tấm thổ cẩm của mình. Hiện tại người dân Làng Teng vẫn giữ gìn được những hoa văn độc đáo trên những tấm thổ cẩm của mình.

Người dân Làng Teng bây giờ không chỉ có giữ gìn chữ viết, tiếng nói, nghề dệt truyền thống có từ lâu đời mà họ còn gìn giữ những mái nhà sàn truyền thống những điệu Ka-choi, Ka-lêu, tiếng chiêng, điệu múa xoang của thiếu nữ Hrê.

Vừa đi rừng về, đặt bó củi xuống sân, chị Phạm Thị Tư, 25 tuổi (dân tộc Hrê) đã vội vã chạy đến khu nhà truyền thống ở trong thôn để cùng tập văn nghệ với các nghệ nhân. Đây là niềm đam mê nên chị luyện tập thường xuyên. Mỗi khi trên xã, huyện, tỉnh yêu cầu tập hợp, chị là những thành viên tích cực nhất đến tập luyện. “Tôi may mắn khi làm dâu về với thôn Làng Teng, ở đây tôi có điều kiện để phát huy năng khiếu và niềm đam mê của mình, cùng mọi người gìn giữ truyền thống văn hóa đặc sắc của người Hrê”, chị Tư tâm sự.

Bà Phạm Thị Minh Đôi, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Thành cho hay: Cách đây khoảng 5 năm, với mong muốn được duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào Hrê, xã Ba Thành đã thành lập một đội nghệ nhân dệt thổ cẩm, một đội văn nghệ với các nghệ nhân có năng khiếu hát múa, chơi nhạc cụ truyền thống. Đội văn nghệ có khoảng 24 thành viên, đa phần là người trẻ, từ 25-35 tuổi.  “Trải qua thời gian, dù có nhiều người rời khỏi đội vì sức khỏe và công việc, gia đình, vậy nhưng “quân số” vẫn luôn đảm bảo.

Chất lượng của các tiết mục ngày càng nâng cao. Không chỉ đại diện cho thôn, xã, huyện mà các diễn viên, nghệ nhân còn vinh dự đại diện cho tỉnh nhà giới thiệu những bản sắc văn hóa đặc trưng của người Hrê đến các tỉnh bạn trong cả nước”, chị Đôi cho biết thêm.

Ông Phan Đình Độ, Trưởng phòng Quản lý Di sản-Sở VHTT&DL Quảng Ngãi cho rằng: Chính giá trị văn hóa cộng đồng được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên những người con sinh sống ở cộng đồng đó luôn có ý thức để bảo tồn trong đời sống hiện tại, họ xem đó là phần máu thịt của mình. Ở một cộng đồng có nhiều nhân tố “hạt nhân” như ở thôn Làng Teng, chúng ta phải hết sức trân trọng. “Đó cũng là trách nhiệm của địa phương, của các cấp ngành. Riêng ngành Văn hóa của chúng tôi, sắp tới đây cũng có nhiều chương trình, kế hoạch và đề án để cùng địa phương lưu giữ và phải phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống đó”, ông Độ nhấn mạnh.

LÊ PHƯƠNG - THIÊN HẬU

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.