Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Người “đưa rừng về bản”

Minh Thứ - 15:10, 24/09/2019

Bao đời nay, đồng bào Vân Kiều ở Đakrông xem rừng là báu vật, là nguồn sống. Để bảo vệ cũng như giữ màu xanh cho rừng, ông Hồ Ra Ơi (50 tuổi) ở thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã có cách làm không giống ai, đó là “đưa rừng về bản” nhằm bảo tồn những cây gỗ quí hiếm tạo nên sự đa dạng cây rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống cho người dân.

Người “đưa rừng về bản”

Đối với đồng bào Vân Kiều, rừng được coi là báu vật, là nguồn sống. (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác bảo vệ rừng trên địa bàn)

“Đưa rừng về bản” thực chất là quá trình lặn lội khắp các khu rừng già của ông Hồ Ra Ơi để tìm các loại cây giống gỗ quí hiếm như lim, sưa, lát hoa, huệng... đem về khu rừng của gia đình gần nhà ở thôn Khe Van trồng và chăm sóc, với mong muốn bảo tồn những giống cây quí cho con cháu đời sau.

“Cuộc sống của gia đình tôi nhiều thế hệ đã nhờ rừng. Rừng đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn. Hiện nay, rừng nhiều nơi trên địa bàn xã và huyện bị chặt phá tràn lan, vì thế nhiều loại cây gỗ quí hiếm có nguy cơ bị mất giống. Lo lắng trước thực tế này, tôi đã bàn với gia đình đi tìm những giống cây gỗ quí, bản địa đem về trồng tại diện tích đất rừng của gia đình”, ông Hồ Ra Ơi chia sẻ.

Về quá trình tìm giống cây, gây dựng thành rừng, Hồ Ra Ơi chia sẻ ông vốn là thành viên đội rà, đào phế liệu, bom mìn sau chiến tranh. Trong nhiều lần băng rừng, thấy ở rừng có nhiều giống cây gỗ có giá trị mọc ở hai bên suối, nếu trời mưa nước ngập, hay lũ về sẽ cuốn trôi giống cây gỗ quí có giá trị này.

Khu rừng của gia đình ở thôn Khe Van luôn được ông Hồ Ra Ơi thuê người chăm sóc và bảo vệ.
Khu rừng của gia đình ở thôn Khe Van luôn được ông Hồ Ra Ơi thuê người chăm sóc và bảo vệ.

“Tôi rất trăn trở là làm sao đem số cây quí hiếm này về trồng ở khu rừng nhà mình để bảo tồn, góp phần tạo nên sự đa dạng về các loài cây cho rừng”. Nghĩ là làm ông bắt đầu hành trình vào rừng đưa những giống cây gỗ quí về rừng nhà. Trung bình mỗi tháng 2-3 lần, ông vào tận rừng sâu để tìm các cây giống con.

Tuy nhiên, không vì mục đích riêng của mình mà ông lấy đi tất cả các giống cây quí ở rừng. Ông chỉ tỉa chỗ này vài cây, chỗ khác vài cây, để rừng sau này còn có điều kiện phục hồi. Để lấy được một cây con, nhiều lúc ông phải đu mình từ cây này đến cây khác để đến chỗ cây cần tìm. Muỗi, vắt, rắn, rết luôn là mối đe dọa đến tính mạng.
Ông Hồ Ra Ơi kể rằng có lần băng rừng tìm giống cây ông đã bị lạc nhiều ngày. Trong lúc trời mưa, nước sông suối cứ lên dần, không còn đường về, ông đành làm cái lán tạm ngủ qua đêm. Lương thực, thực phẩm mang đi cũng hết nên phải đào củ mài và măng rừng để sống qua ngày.

Sau gần 20 năm cần mẫn tìm giống, trồng và chăm sóc, đến nay, diện tích rừng của nhà ông đã có hơn 1.000 gốc cây huệng có đường kính 50-60cm và nhiều cây gỗ quý hiếm khác như lim, sưa, lát, gụ…

Theo Ông Hồ Ra Ơi, nay Nhà nước đã đóng cửa rừng, ông cũng không đi rừng lấy giống cây nữa. Một dạo, có nhiều người miền xuôi lên tìm, gạ mua cả khu rừng nhà ông với giá khá cao, đến hàng trăm triệu, nhưng ông không bán. “Mục đích của mình là bảo tồn các loại cây quí hiếm cho các thế hệ sau, để mọi người biết được giá trị của rừng từ đó có ý thức hơn trong việc trồng và bảo vệ rừng thôi”, ông nói.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.