Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Người M’nông giữ rừng

PV - 11:03, 06/08/2019

Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, mỗi con sông, con suối, ngọn núi đều có một vị thần trú ngụ, cai quản nên đồng bào M’nông luôn cố gắng gìn giữ và đề ra những quy định riêng trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Đăk Nông là vùng đất giao thoa, hội tụ những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 500 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào các DTTS chiếm tỷ lệ 34,5%. Riêng đồng bào dân tộc M’nông có số dân sinh sống đông nhất ở vùng đất này từ lâu đời.

Bà H’ DJRân Knul, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông, là người con của dân tộc M’nông đã kinh qua nhiều vị trí công tác ở các cơ quan hành chính cấp tỉnh. Theo bà H’ DJRân, đồng bào M’nông ở Tây Nguyên nói chung, ở Đăk Nông nói riêng có đời sống văn hóa rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt, những tín ngưỡng tâm linh của đồng bào M’nông dù “bất thành văn” nhưng lại có sức mạnh to lớn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trở thành những quy ước để ràng buộc hành vi của mỗi thành viên trong cộng đồng.

Trách nhiệm giữ gìn nguồn nước sạch đã ăn sâu trong tâm thức đồng bào M’nông. (Ảnh minh họa) Trách nhiệm giữ gìn nguồn nước sạch đã ăn sâu trong tâm thức đồng bào M’nông. (Ảnh minh họa)

Lấy tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” làm ví dụ, bà H’ DJRân cho biết, từ bao đời nay, đồng bào M’nông đều có những quy ước để bảo vệ rừng rất chặt chẽ. Việc khai phá rừng lập làng hay làm nương rẫy đều do già làng, Người có uy tín đảm nhiệm. Rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, rừng gỗ quý là rừng không được phép khai phá, nếu xâm phạm sẽ bị thần linh quở phạt, gây lũ lụt hoặc hạn hán.

“Nếu bà con muốn phát dọn một mảnh đất làm rẫy, sau khi xin ý kiến của già làng, gia đình phải làm lễ để xin thần rừng. Diện tích đất rẫy sau thời gian canh tác đã bạc màu thì sẽ được người dân làm thủ tục để xin chuyển đến mảnh đất khác phát dọn, canh tác. Sau tối thiểu 5 năm, người dân mới được quay trở lại mảnh đất cũ để sản xuất tiếp”, bà H’ DJRân cho biết.

Đặc biệt, theo bà H’ DJRân, khi đốt rẫy, đồng bào luôn có ý thức bảo vệ khu rừng xung quanh bằng cách dọn sạch những cành củi khô, cỏ úa, tạo nên khoảng trống giữa rẫy của mình với các khu vực khác. Dù thời gian phát dọn sẽ lâu hơn, nhưng đồng bào vẫn phải thực hiện để tránh không để lửa đốt rẫy lan rộng, gây nên cháy rừng; nếu để xảy ra cháy rừng sẽ bị thần linh trừng phạt, cộng đồng xét xử.

Tương tự, việc bảo vệ nguồn nước cũng được người M’nông đặc biệt chú trọng. Đồng bào cho rằng, mỗi dòng sông, con suối đều có một vị thần cai quản, nếu bị uế tạp, mất vệ sinh sẽ làm thần linh nổi giận và gây ra dịch bệnh để trừng phạt dân làng. Hơn nữa, sông, suối là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng nên đồng bào thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, gìn giữ cho dòng sông, con suối luôn sạch sẽ, trong lành.

Bà H’ DJRân cho biết, trước đây, khi chưa có những công trình nước tự chảy về đến tận nhà như bây giờ, phụ nữ M’nông thường gội đầu ở các con suối, việc tắm rửa thì phải xách nước về nhà. Ngay cả khi gội đầu, để không một sợi tóc rụng nào lẫn vào dòng nước, người phụ nữ phải cắm một cành cây nhỏ bên cạnh, có sợi tóc rụng nào thì giữ lại, quấn vào cành cây, sau đó tìm một vị trí thích hợp để lấp xuống. Bây giờ, dù không trực tiếp sử dụng nguồn nước từ các con suối như trước, nhưng những Quy ước này vẫn được đồng bào thực hiện nghiêm túc để giữ nguồn nước luôn sạch sẽ, tinh khiết”, bà H’ DJRân cho biết.

Cùng với sự phát triển đi lên của đời sống kinh tế, những nếp sinh họat cũ của đồng bào M’nông đã dần thay đổi. Nhưng ý thức bảo vệ môi trường của đồng bào M’nông ở tỉnh Đăk Nông vẫn duy trì, một số nghi lễ liên quan đến việc bảo vệ môi trường vẫn được thực hiện, như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng thần rừng… Qua đó, thế hệ trước truyền lại các luật tục và răn dạy thế hệ trẻ gìn giữ môi trường trong sạch, lành mạnh hơn.

TÙNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cách TP.Kon Tum khoảng 60 km về hướng bắc, làng Đăk Chờ (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, Kon Tum) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ. Sâu trong khu rừng tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) có một cây Sao cát hàng trăm năm tuổi đang được lực lượng chức năng luân phiên bảo vệ. Và câu chuyện giữ rừng của họ cũng đầy cam go, nguy hiểm.