Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Người tiêu dùng vùng DTTS đang hướng về hàng Việt

Minh Thu - 17:50, 16/06/2021

Từ hơn 10 năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã góp phần nâng cao ý thức, thay đổi thói quen mua sắm của người dân vùng đồng bào DTTS.

Anh Pờ Pố Chớ (Điện Biên) hài lòng khi sử dụng hàng Việt Nam
Anh Pờ Pố Chớ (Điện Biên) hài lòng khi sử dụng hàng Việt Nam

Hàng Việt khẳng định chất lượng

Tại chợ Trung tâm huyện Mường Nhé (Điện Biên) một chiều cuối tháng 3/2021, anh Pờ Pố Chớ, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu đang loay hoay chọn, thử đồ cho cô con gái năm nay vào học lớp 4, Trường Tiểu học Sín Thầu.

Sau một hồi lựa chọn, cầm trên tay hai chiếc áo màu trắng thêu hoa trên ngực trái, anh Chớ cho hay: “Hai chiếc áo trắng này có giá 160 ngàn đồng, không phải là đắt, lại là hàng Việt Nam. Qua kiểm tra, tôi thấy chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập, từ đường chỉ đến chất liệu vải nên rất hài lòng”.

Theo anh Chớ, trước đây, gia đình anh tiện đâu mua đó, nhiều khi mua cả hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ, hoặc hàng gia công của Trung Quốc. Nhưng từ khoảng ba năm nay, gia đình anh thường sử dụng hàng Việt Nam, từ quần, áo, đồ gia dụng vì giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo.

Có được sự thay đổi trong quan niệm sử dụng hàng Việt Nam của gia đình anh Chớ, là bởi thời gian gần đây, những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” được tổ chức nhiều hơn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân với chất lượng được nâng lên đáng kể.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, đã tổ chức 6 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại 5 huyện, thu hút hàng ngàn người dân mua sắm. Mỗi phiên chợ có từ 20 - 30 gian hàng bán đồ gia dụng, điện máy, ga, gối, đệm… đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Dự kiến năm 2021 này, tỉnh sẽ tổ chức từ 4-5 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của đồng bào DTTS.

“Thông qua mỗi phiên chợ, người dân miền núi, biên giới đã được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo, phù hợp nhu cầu sản xuất và tiêu dùng”, ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên chia sẻ.

Gian hàng nông sản Bắc Kạn tham gia Hội chợ OCOP năm 2020
Gian hàng nông sản Bắc Kạn tham gia Hội chợ OCOP năm 2020

Hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế

Tại huyện Hà Quảng (Cao Bằng), trong năm 2020, đã có hai phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” được tổ chức tại các xã: Sóc Hà, Lương Thông. Mỗi phiên chợ có 25 gian hàng, với sự tham gia của 10 doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu và bán các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam, như đồ nhựa, quần áo, đồ điện máy, chăn, gối, gốm sứ... Bình quân, mỗi phiên chợ thu hút 5.000 - 6.000 lượt khách; doanh số bán hàng mỗi phiên chợ đạt 300 - 350 triệu đồng.

Theo ông Nhan Viết Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Cao Bằng: Những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” cung cấp nhiều mặt hàng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt của đồng bào DTTS. Đồng thời, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, giới thiệu sản phẩm tiếp cận với thị trường vùng cao, hướng tới thị trường ổn định và bền vững cho hàng Việt Nam.

Thực tế cho thấy, qua hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trên các sạp hàng, hệ thống chợ, cửa hàng, có thể nhận thấy hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế trong lựa chọn tiêu dùng. Như chia sẻ của chị Nông Thị Huệ, ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng: Tham gia các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tôi thấy có nhiều sản phẩm hàng Việt Nam đạt chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Tôi cho rằng, việc sử dụng hàng Việt Nam là cách thể hiện niềm tự hào dân tộc”.

Ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, để lan toả và nâng cao nhận thức sâu sắc việc  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng ta cần đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động, bằng nhiều hình thức như cổ động trực quan; tuyên truyền miệng qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, Người có uy tín, cán bộ, đảng viên…

Đồng thời, quan tâm xây dựng các mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm “ưu tiên dùng hàng Việt” ở cơ sở, địa bàn dân cư; phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà sản xuất trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; thực hiện tốt dịch vụ sau bán hàng và cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

“Cần gắn tuyên truyền, vận động Cuộc vận động với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam ở trong và ngoài nước ưu tiên sử dụng hàng Việt...”  ông Nguyễn Văn Vẻ nhìn nhận.

Tin cùng chuyên mục
SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai

SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai

Tiếp nối chuỗi hoạt động đồng hành cùng các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) và Tập đoàn BRG chung tay cùng Báo Nhân dân trồng 68.000 cây, trị giá 1 tỷ đồng nhằm phủ xanh gần 20ha diện tích rừng và phục hồi sinh kế cho người dân tỉnh Lào Cai.