Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người Việt định cư ở pháp: Giáo dục trẻ em hiểu về nguồn cội

PV - 16:32, 16/10/2018

Hiện nay, nhiều gia đình trẻ gốc Việt sinh sống ở Pháp luôn muốn những đứa con của họ sinh ra ở Pháp sẽ bay cao, bay xa nhưng vẫn giữ được sợi dây nguồn cội Việt.

Trẻ em trong nhóm Cánh Diều học vẽ cây đào nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Hoàng Phương. Trẻ em trong nhóm Cánh Diều học vẽ cây đào nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Hoàng Phương.

Chị Nguyễn Quỳnh Mai, sống hơn 20 năm ở Pháp chia sẻ: Chị thường thấy cảnh những lần về Việt Nam thăm người thân, mấy đứa trẻ được sinh ra ở nước ngoài thường bị các ông bà, họ hàng “mắng yêu”: "Úi giời ơi, mấy đứa trẻ đều là người Việt Nam mà lại không biết nói tiếng Việt à?". Vì vậy, chị Quỳnh Mai luôn nuôi dưỡng môi trường song ngữ ở nhà cho con gái lớn 10 tuổi và con trai 8 tuổi. Câu chuyện gia đình nhà chị Mai cũng giống nhiều gia đình trẻ gốc Việt sinh sống ở Pháp.

Chị Quỳnh Mai, cùng các ông bố, bà mẹ Việt Nam ở Paris, xây dựng nhóm Cánh Diều để các con thực hành tiếng Việt thông qua các hoạt động múa, học vẽ, tập võ và ca hát.

Là người đồng sáng lập ra nhóm Cánh Diều, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, nhà nghiên cứu tại Đại học Genève & Paris Diderot kiêm Giám đốc Hội Chuyên gia và Khoa học Việt Nam Toàn cầu cho rằng, ngay từ khi những đứa trẻ gốc Việt sinh ra ở nước ngoài chưa ý thức được về nguồn gốc hay sự khác biệt về hình thức của mình với số đông còn lại. Chúng thường xuyên đối mặt với những nhận xét hay câu hỏi của mọi người xung quanh như: "Con là người Việt, người Pháp hay người Trung Quốc”. Và điều đó làm cho trẻ sớm tự vấn về mình.

Hầu hết các phụ huynh sinh sống ở nước ngoài thừa nhận rằng, khi đi học, các con thấy mình khác biệt so với bạn. Ban đầu, các bé không chấp nhận điều này. Và để giống các bạn, các bé "từ chối nói tiếng Việt, chỉ nói tiếng Pháp". Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia Cánh Diều, bọn trẻ gặp rất nhiều bạn đồng trang lứa nói được cả hai thứ tiếng. "Tự nhiên, các con tự tin hơn, không cảm thấy mình trơ trọi một mình nữa", chị Quỳnh Mai nhận xét.

"Với tôi, các con có thể nói tốt tiếng Việt vô cùng quan trọng. Hiểu về cội nguồn của mình là một nhu cầu rất tất yếu của con người. Khi biết tiếng Việt, bọn trẻ sẽ hiểu về văn hóa của dân tộc và đặc tính của con người Việt Nam. Như vậy các con sẽ trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?”, chị Quỳnh Mai cho biết.

Anh Trung Kiên, kỹ sư công trình xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, sang Pháp từ năm 2002 để học đại học. Sau đó, Trung Kiên quyết định định cư và xây dựng tổ ấm trên đất Pháp. Hiện, hai vợ chồng Trung Kiên và ba người con đang sống ở Paris.

Anh Trung Kiên cho các con tham gia tích cực nhóm Cánh Diều từ khi mới chỉ 3-4 tuổi. Mỗi tháng hai lần, vào Chủ Nhật, một văn phòng chật hẹp ở quận trung tâm của Paris lại rộn ràng tiếng cười đùa của khoảng 30 đứa trẻ chen chúc trong các lớp học múa, học vẽ, học võ và ca hát kể chuyện. "Cánh Diều là nơi để các gia đình Việt sống ở Pháp gặp gỡ nhau và giao thoa với nhau, mỗi gia đình đóng góp một góc nhìn riêng về văn hóa Việt Nam. Từ đó, các con có sự chia sẻ và tăng vốn văn hóa, ngôn ngữ…", anh Trung Kiên chia sẻ.

PHẠM HẠNH