Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Nguy cơ mất rừng ở Phong Điền

PV - 15:08, 16/04/2018

Thời gian gần đây, tình trạng chặt phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền phát sinh ngày càng nhiều, đặc biệt là sau khi tuyến đường mòn 71 hình thành để phục vụ thi công thủy điện. Nguy cơ mất rừng ở đây đang đến mức báo động.

Thủy điện Rào Trăng 4 đang được xây dựng là một trong 4 thủy điện nằm trong Khu bảo tồn. Thủy điện Rào Trăng 4 đang được xây dựng là một trong 4 thủy điện nằm trong Khu bảo tồn.

 

4 thủy điện nằm trong khu bảo tồn

Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ ở địa phương này với 8 thủy điện. Trong số này, có 4 thủy điện (A Lin B1, Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4) nằm trong Khu BTTN Phong Điền. Bên cạnh đó tuyến đường mòn 71 vốn là đường quốc phòng được đầu tư nâng cấp từ năm 2015, với số tiền hằng trăm tỷ nhằm mục đích phục vụ xây dựng 4 công trình thủy điện trên.

Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu BTTN Phong Điền cho biết cả 4 nhà máy thủy điện trên thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái. “Hơn 100ha rừng nghèo phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thủy điện. Ngoài ra, một số diện tích khác cũng phải chuyển đổi để thi công đường 71 và đường dây điện nối vào hệ thống điện lưới quốc gia...”, ông Trụ khẳng định.

Qua tìm hiểu, thủy điện Rào Trăng 3 đang xây dựng các hạng mục phụ trợ, cống dẫn đường, đang đào móng xây dựng nhà máy. Tại thủy điện Rào Trăng 4 đã hoàn thành các hạng mục như: đập tràn, cửa nhập nước, đập dâng, đập phụ, nhà máy. Còn thủy điện Alin B2 đã thi công hoàn thành một số hạng mục cụm đầu mối, đường hầm dẫn nước, hạng mục tháp điều hòa, hoàn thành toàn bộ khu phụ trợ đã thi công...

Theo ông Trụ, thực hiện các dự án xây dựng sẽ có những tác động nhất định đến việc bảo tồn và đa dạng sinh học của Khu BTTN Phong Điền. Đặc biệt, rất dễ xảy ra tình trạng đối tượng trà trộn, lợi dụng để phá rừng.

Nguy cơ mất rừng cao

Được biết, tuyến đường 71 dài hơn 50km nhưng đi qua Khu BTTN Phong Điền đến khoảng 25km. Cuối năm 2016, đường thông tuyến và đến tháng 2/2017, các loại xe ô tô có thể lưu thông được. Cũng từ đây, nạn chặt phá rừng xuất hiện nhiều hơn, quy mô cũng lớn hơn...

Một trong những vụ phá rừng khiến người dân rất bức xúc xảy ra vào tháng 3/2017, ngay trên tuyến đường 71 nằm giữa thủy điện Alin B1 và Alin B2. Một người dân địa phương kể lại, sau khi chặt phá những thân cây lớn ở sâu trong rừng, lâm tặc đã thả nhiều khúc gỗ tròn, gỗ đã cưa xẻ được thả từ đỉnh đồi xuống theo các khe suối. Số gỗ này bao gồm, các loại dổi, dạ chồn, sến đỏ... Những người phá rừng sau đó chất gỗ lên ô tô rồi chuyển về Phong Điền hoặc chuyển ngược lên A Lưới vào ban đêm...

Trong năm 2017, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn đã tổ chức 10 đợt ra quân; phát hiện hơn 30 vụ khai thác lâm sản trái phép; thu giữ 17m3 gỗ các loại. Còn từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị cũng đã phát hiện 4 trường hợp vận chuyển gỗ và động vật trái phép. Lực lượng chức năng thu giữ hơn 1,5m3 gỗ tròn (không có người nhận), 400 sợi dây bẫy và 4 con dao...

Cũng theo ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc khu BTTN Phong Điền, hiện lực lượng kiểm lâm của đơn vị còn ít, hơn 10 người, trong khi diện tích của Khu Bảo tồn lại rất rộng nên vấn đề bảo vệ rừng là một bài toán nan giải. Giải pháp trước mắt là đơn vị tiếp tục phối hợp với các xã vùng đệm thuộc hai huyện Phong Điền và A Lưới để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân các quy định về công tác bảo vệ rừng...

Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) có diện tích 41.508ha, bao gồm 43 tiểu khu liên quan đến 11 xã; trong đó 9 xã thuộc 2 huyện Phong Điền, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) và 2 xã thuộc tỉnh Quảng Trị.Mục tiêu là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọạ, các loài đặc hữu của vùng núi thấp miền Trung; duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực đối với các con sông lớn Mỹ Chánh, Ô Lâu, Sông Bồ. Đồng thời, rừng còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội của dân cư sống quanh vùng bảo tồn...

VĂN DINH

Tin cùng chuyên mục