Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Nguyên Bình (Cao Bằng): Người dân đề nghị di dời khỏi nơi nguy cơ sạt lở

Minh Thu - 17:59, 25/09/2024

25 hộ dân xóm Quang Thượng, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình vừa đồng loạt ký Giấy đề nghị chính quyền xã Quang Thành và huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng hỗ trợ nhà ở để di dời ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi).

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân dựng nhà ở tạm sau trận lở đất ngày 8/9.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân dựng nhà ở tạm sau trận lở đất ngày 8/9

Trong lá đơn tập thể do Trưởng xóm Lý Thị Xuân, đại diện cho 25 hộ dân ký, nêu rõ: Chúng tôi là những hộ gia đình sinh sống tại xóm Quang Thượng, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), khu vực cư trú của chúng tôi trong vùng có nguy cơ bị sạt lở. Hiện nay, nhà ở của chúng tôi đều đã bị rạn, nứt, hư hỏng; mặt đất quanh khu vực nhà ở đều có các vết nứt, mạch nước và những dấu hiệu nguy cơ sạt lở. Tại các vùng đất cao xung quanh nhà ở của chúng tôi cũng có những vết nứt, mạch nước, những dấu hiệu sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Gia đình của chúng tôi đã không còn dám ở trong những ngôi nhà của mình, phải đi tá túc ở nhờ nhà người thân hoặc tự dựng các lán trại tạm thời ở những nơi khác; một số hộ đã sơ tán vào lán trại dã chiến do UBND xã và Ban Chỉ huy quân sự huyện xây dựng...

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Lãnh đạo huyện Nguyên Bình và UBND xã Quang Thành thực hiện hỗ trợ di dời các gia đình của chúng tôi tới nơi an toàn để định cư, lao động, sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật Nhà nước về đất đai, cư trú... và hoàn toàn tuân thủ hướng dẫn của UBND xã Quang Thành, của UBND huyện Nguyên Bình. Chúng tôi sẽ luôn đoàn kết, thương yêu, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để mọi gia đình sớm vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Lãnh đạo huyện Nguyên Bình, UBND xã Quang Thành những nội dung như trên bằng cách đồng lòng ký tên tại danh sách gửi kèm theo Giấy đề nghị này.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình, ông Phạm Xuân Tùng cho biết: Huyện đã nhận được đơn của các hộ dân, nắm được thông tin và báo cáo tỉnh Cao Bằng xin chủ trương và hướng giải quyết. Đồng thời, giao cho UBND xã Quang Thành tham mưu, đề xuất, xây dựng các phương án hỗ trợ.

Huyện Nguyên Bình khởi công khu tái định cư xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành cho 6 hộ dân bị mất nhà ở hoàn toàn do sạt lở đất, ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Huyện Nguyên Bình khởi công khu tái định cư xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành cho 6 hộ dân bị mất nhà ở hoàn toàn do sạt lở đất, ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn huyện Nguyên Bình, mưa to kéo dài gây sạt lở đất, lũ cuốn khiến 54 người tử vong, 16 người bị thương. Hiện có 2 người bị mất tích vẫn chưa được tim thấy. Mưa bão đã khiến 27 hộ bị thiệt hại hoàn toàn nhà cửa, 79 hộ bị tốc mái, hỏng nhà; 388 hộ với 1.898 người có nguy cơ sạt lở phải sơ tán khẩn cấp. 1.850ha lúa, hoa màu bị ngập; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập; nhiều tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thuỷ lợi, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc... bị hư hỏng nặng nề. Giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 520 tỷ đồng.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, huyện Nguyên Bình và các lực lượng chức năng đã dựng 80 nhà bạt để người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại các xã Vũ Nông, Ca Thành, Yên Lạc chuyển đến sinh sống tạm thời sau trận mưa lũ, sạt lở kinh hoàng ngày 8/9. Điện và nước cũng đã được kéo về để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con, đảm bảo an toàn cho người dân ở tạm trong thời gian chờ xây dựng khu tái định cư mới.

Cùng với đó, huyện đã khởi công xây dựng Khu tái định cư xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành cho 6 hộ dân bị mất nhà ở hoàn toàn do sạt lở đất, ảnh hưởng của cơn bão số 3. Khu vực tái định cư xóm Lũng Lỳ có diện tích khoảng 3.000m2, cách nơi ở cũ của người dân bị sạt lở đất khoảng 300 - 500m; có địa hình cao, rộng rãi và an toàn, gần đường giao thông, thuận lợi cho việc bố trí hạ tầng, điện, nước và sinh hoạt của đồng bào.