Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhận diện đúng để đầu tư hiệu quả

Thiên Đức - 07:50, 14/02/2021

Phân định vùng DTTS và miền núi được coi là “cánh cửa” để các chính sách đến với đồng bào DTTS thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cách phân định trước đây đã tỏ ra lạc hậu không còn phù hợp. Vì vậy, việc ban hành tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi mới thông qua Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg (QĐ 33) của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2020 vừa qua là hết sức cần thiết. Việc phân định này cũng đem đến kỳ vọng đưa các chính sách đến đúng đối tượng, một cách kịp thời, hiệu quả.

Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng được đưa vào danh sách xã DTTS và miền núi vùng II giai đoạn 2021 - 2025.
Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng được đưa vào danh sách xã DTTS và miền núi vùng II giai đoạn 2021 - 2025.

Mặc dù không có đồng bào DTTS sinh sống nhưng theo quy định trước đây, xã Kênh Giang, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay sát nhập với phường Văn Đức) thường xuyên có tên trong danh sách thôn, xã vùng dân tộc và miền núi.

Cùng với xã Kênh Giang nhiều thôn, xã khác cũng trong tình trạng tương tự. Sự bất cập này là bởi những năm 1990, khi xác định vùng miền núi, chúng ta chủ yếu dựa vào độ cao. Tiếp theo, từ năm 1996 đến 2020 vùng DTTS và miền núi này đã có 4 lần phân định theo trình độ phát triển thành 3 khu vực (I, II, III).

Các cách phân định cũ đều không đề cập đến tỷ lệ hộ DTTS. Do đó nhiều thôn, xã dù không có hoặc có rất ít đồng bào DTTS sinh sống vẫn được đưa vào danh sách vùng DTTS và miền núi.

Để khắc phục bất cập này, QĐ 33 đã lượng hóa tiêu chí các xã, thôn, vùng DTTS là những vùng có DTTS sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên. Theo đó, 3 tỉnh, thành không còn cấp xã, thôn vùng DTTS là Hải Dương, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời nhiều xã, thôn ở các địa phương khác trước đây được quy định là vùng DTTS và miền núi nay được cho ra khỏi danh sách. Cụ thể, theo cách phân định mới sẽ giảm 1.599 xã DTTS và miền núi do không đáp ứng tiêu chí tỷ lệ DTTS chiếm 15%. Theo tính toán của Ủy ban Dân tộc, sau QĐ33 sẽ có 398 xã và 2.667 thôn không còn thuộc diện ĐBKK.

Việc thu hẹp địa bàn sẽ giúp cho ngân sách Trung ương tập trung một cách có trọng tâm trọng điểm. Theo đó, khoản vốn 1.200 tỷ (tương đương gần 30% ngân sách đầu tư trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) từ các địa bàn này sẽ được chuyển lại ngân sách Trung ương để đầu tư có hiệu quả hơn.

Không chỉ giúp thu hẹp địa bàn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Việc ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 còn giúp chúng ta hướng tới đối tượng trọng tâm là người DTTS.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Cao Cường, Phó Ban Tôn giáo TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Tuy nhiên, do những bất cập của việc phân định trước đây, nên xã Hòa Bắc không được đưa vào danh sách xã dân tộc và miền núi. Vì thế người dân chưa được thụ hưởng đầy đủ các chính sách vùng đồng bào DTTS. Theo QĐ 33, xã Hòa Bắc đã được đưa vào danh sách vùng DTTS còn nhiều khó khăn (xã vùng II). Với việc đưa xã Hòa Bắc vào danh sách sẽ mở đường cho nhiều chính sách đến đúng đối tượng.

Mặc dù không có đồng bào DTTS sinh sống nhưng 1 số địa phương của thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương vẫn có tên trong danh sách vùng dân tộc và miền núi.
Mặc dù không có đồng bào DTTS sinh sống nhưng 1 số địa phương của thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương vẫn có tên trong danh sách vùng dân tộc và miền núi.

Cũng theo QĐ 33, ngoài Đà Nẵng thì Bình Dương cũng được bổ sung là tỉnh có cấp xã, thôn thuộc vùng DTTS. Có thể nói, với cách phân định này đã khắc phục được những hạn chế trước đây. Các địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống tập trung đều được hưởng lợi một cách chính đáng.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV tổng kết: “Vùng DTTS và miền núi nước ta hiện là vùng 5 “nhất”: điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, chất lượng nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất, tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất”.

Để giải quyết 5 “nhất” của vùng DTTS và miền núi và khắc phục những bất cập trong cách phân định cũ, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng, ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thời gian tới.

Một mùa Xuân nữa lại về, đặc biệt năm nay sẽ là năm khởi đầu cho nhiệm kỳ mới với những hy vọng mới. Việc phân định vùng DTTS được kỳ vọng là sẽ mở ra cánh cửa để việc đầu tư, phát triển vùng DTTS thuận lợi, hiệu quả hơn. /.

Theo cách phân định mới, địa bàn vùng DTTS, đặc biệt khó khăn (Vùng III) được xác định là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế - xã hội chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp, hạ tầng cơ sở yếu kém, nhất là về giao thông, điều kiện khám, chữa bệnh, học tập của người dân còn khó khăn… Đối với địa bàn này, Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những dịch vụ cơ bản để từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng, miền khác.

Tin cùng chuyên mục