Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Phân định vùng DTTS và miền núi: Tránh để người dân thiệt thòi

T.Huyền - M.Cường (thực hiện) - 11:42, 27/07/2020

Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng và ban hành Tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo (Ủy ban Dân tộc - UBDT) đã Dự thảo quyết định tiêu chí phân định và các địa phương bước đầu đã rà soát, phân định sơ bộ.

Nhiều xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn còn rất khó khăn. (Ảnh tư liệu)
Nhiều xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn còn rất khó khăn. (Ảnh tư liệu)

Tại Hội thảo “Tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025” do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và UBDT tổ chức ngày 20/7, tại Hà Nội, các địa phương đã góp ý để việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi phù hợp với đặc thù địa phương. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi ý kiến của một số đại biểu tham dự Hội thảo.

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước:

Cán bộ, cử tri tỉnh Bình Phước rất vui mừng khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi là căn cứ quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình.

Bà Trần Tuyết Minh.
Bà Trần Tuyết Minh.

Đối với tỉnh Bình Phước, có rất nhiều xã biên giới, đây là vùng trọng điểm về an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, sau khi rà soát sơ bộ chỉ còn 3 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thay vì 15 xã như trước đây. Đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét, có cơ chế mở, tạo điều kiện cho tất cả các xã biên giới của tỉnh trong việc xem xét các tiêu chí. Thứ hai, liên quan đến thôn, Bình Phước có 55 thôn ĐBKK, nay giảm xuống còn 17 thôn ĐBKK áp theo bộ tiêu chí mới. Vì vậy, tỉnh kiến nghị xem xét lại tiêu chí về thôn ĐBKK, cho phép tỉnh tiếp tục rà soát lại để tránh thiệt thòi cho người dân.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk:

Về cơ bản, tỉnh Đăk Lăk thống nhất cao với Dự thảo Tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển. Tỉnh Đăk Lăk hiện có 79.000 hộ nghèo, 33.000 hộ cận nghèo, trong đó có 60.000 hộ nghèo DTTS, 21.000 hộ cận nghèo DTTS. Đời sống của đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng.

Hiện nay, tỉnh Đăk Lăk có nhiều người dân từ các địa phương khác di cư đến sinh sống. Vì vậy, rất mong Chính phủ, UBDT quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở, đất sản xuất, ổn định dân cư. Bởi khi đó, tỉnh mới có thể đầu tư, triển khai các chính sách vay vốn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, Đăk Lăk có diện tích rừng rất lớn, nên cần chuyển đổi đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang sử dụng mục đích khác để triển khai các dự án cơ sở hạ tầng. Khi giải quyết được những khó khăn sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, góp phần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội.

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai:

Việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển rất cần thiết, cần được hoàn thiện kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Về tiêu chí phân định, với đặc thù của tỉnh Lào Cai, tỉnh kiến nghị nên đưa thêm tiêu chí tỷ lệ hộ cận nghèo vào tiêu chí phân định, vì tỷ lệ hộ cận nghèo ở miền núi rất cao. Bên cạnh đó, nếu căn cứ vào tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều, nên hạ tỷ lệ hộ nghèo trong tiêu chí phân định.

Ông Nông Đức Ngọc.
Ông Nông Đức Ngọc.

Đối với các xã đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới (NTM), nhưng có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 90% trở lên, có tỷ lệ hộ nghèo trên 10% trở lên và có thêm một số tiêu chí thiếu hụt thì cũng xem xét công nhận là xã ĐBKK. Bởi nhiều xã vùng DTTS và miền núi đã về đích NTM nhưng vẫn còn rất khó khăn.

Bà Thạch Thị Kế Rin, Phó Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng:

Về cơ bản, tỉnh Sóc Trăng thống nhất với Dự thảo Tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển. Tuy nhiên, khi rà soát theo tiêu chí phân định thì số xã vùng DTTS, số ấp ĐBKK của tỉnh Sóc Trăng giảm đáng kể. Bởi đồng bào DTTS của Sóc Trăng sống rải rác, đan xen nhau, có những xã, số hộ đồng bào DTTS rất đông nhưng tính trên % dân số lại chưa đạt 15%. Vì vậy, sẽ không được thụ hưởng chính sách của Nhà nước.

Bà Thạch Thị Kế Rin
Bà Thạch Thị Kế Rin

Sóc Trăng là một trong những tỉnh nghèo nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy, Chính phủ, UBDT nên tiếp tục xem xét, nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí đặc thù. Đồng thời, cần bổ sung thêm hộ cận nghèo vào tiêu chí phân định.


Tin cùng chuyên mục
Côn Đảo - từ “địa ngục trần gian” đến thiên đường du lịch

Côn Đảo - từ “địa ngục trần gian” đến thiên đường du lịch

Sau gần một thế kỷ giải phóng, xây dựng và phát triển, từ mảnh đất được coi là “địa ngục trần gian” của thế kỷ XX, Côn Đảo đã trở thành “thiên đường du lịch” giàu có, là điểm đến linh thiêng của khách thập phương trên toàn thế giới.