Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Hoạch định chính sách sau sáp nhập (Bài 1)

Sỹ Hào - 09:18, 14/11/2024

Thu thập thông tin về tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục,... của các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi là nội dung quan trọng trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Dữ liệu thu thập được không chỉ là thước đo tác động của các chính sách đầu tư phát triển đã và đang triển khai ở các địa bàn “lõi nghèo”, mà còn là cơ sở để hoạch định chính sách dài hơi cho sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Hoạch định chính sách sau sáp nhập (Bài 1)
Ở nhiều địa phương miền núi, khoảng cách về địa lý giữa các thôn, bản là rất lớn; khoảng cách địa lý từ nhiều hộ gia đình đến trung tâm thôn, bản và trung tâm của xã cũng rất xa. (Trong ảnh: Một góc thôn Tôn K'Long A và B, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của 21 tỉnh, thành phố giai đoạn 2023 - 2025. Với đặc thù địa bàn miền núi, sau sáp nhập, nhiều xã sẽ gặp rất khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Dữ liệu thu thập được từ cuộc Điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 là một trong những công cụ để nhận diện khó khăn, thách thức trước mắt, từ đó góp phần định hướng chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các xã miền núi, vùng cao sau sáp nhập.

Nhiều thách thức sau sáp nhập

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, nước ta có 6.191/11.160 ĐVHC cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số. Trong đó có 5.106 xã (gồm 1.922 xã miền núi vùng cao; 3.173 xã đồng bằng, trung du; 11 xã hải đảo), 794 phường (gồm 422 phường thuộc quận; 327 phường thuộc thành phố thuộc tỉnh; 45 phường thuộc thị xã) và 291 thị trấn.

Để tinh gọn bộ máy, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng, công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã tiếp tục được Đảng, Nhà nước chủ trương triển khai quyết liệt.

Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 21 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch, sau sắp xếp sẽ giảm 6/18 ĐVHC cấp huyện và 233/487 ĐVHC cấp xã.

Trong 21 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã vừa được thông qua, ngoài TP. Đà Nẵng, tỉnh Hải Dương, TP. Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bến Tre thì các địa phương còn lại đều thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phát biểu tại phiên họp ngày 14/11/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là rất quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp ĐVHC của địa phương để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm mục tiêu và yêu cầu của công tác sắp xếp ĐVHC.

Cũng cần lưu ý là, việc sáp nhập ĐVHC cấp xã ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần lưu ý. Ở nhiều địa phương miền núi, khoảng cách về địa lý giữa các thôn, bản là rất lớn; khoảng cách địa lý từ nhiều hộ gia đình đến trung tâm thôn, bản và trung tâm của xã cũng rất xa.

Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức họp, tuyên truyền vận động, sinh hoạt cộng đồng, cũng như thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thực tế này đã được các địa phương chỉ ra sau quá trình thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024.

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Hoạch định chính sách sau sáp nhập (Bài 1) 1
Hiện vẫn còn thôn thuộc vùng đồng bào DTTS chưa có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa.

Đơn cử, từ nay đến năm 2025, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) sẽ sáp nhập 03 xã: Hóa Phúc, Hóa Tiến, Hóa Thanh để thành lập mới xã Tân Thành theo Nghị quyết số 1242/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Diện tích của 03 xã này rất rộng, nhưng dân cư rất thưa thớt; trong đó, xã Hóa Phúc có diện tích là 30,29km2, dân số chỉ có 714 người; xã Hóa Thanh có diện tích 33,16km2, dân cố có 1.571 người; đông nhất chỉ có xã Hóa Tiến, với diện tích 26,32km2, dân số là 3.169 người.

Không riêng 03 xã nêu trên mà hầu hết các xã miền núi, vùng cao ở tỉnh Quảng Bình đều có đặc điểm diện tích rộng nhưng dân cư thưa thớt. Điều này đã được nêu rõ trong Báo cáo số 528/BC-CTK, ngày 30/8/2024 về kết quả triển khai điều tra thu thập thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 của Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình.

Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình, từ ngày 01/7 đến 15/8/2024, toàn tỉnh có 18 xã triển khai điều tra; trong đó có 15 xã thuộc xã miền núi cao, 3 xã thuộc xã miền núi. Nếu tính từ trung tâm TP. Đồng Hới đến trụ sở UBND xã thì có 09 xã có khoảng cách từ 100 km - 140 km; 06 xã có khoảng cách từ 50 km - 90 km, 03 xã có khoảng cách từ 25 km - 45 km.

“Đặc điểm của dân tộc ít người tại Quảng Bình là điểm dân cư phân bố nhỏ lẻ ở giữa núi rừng; trong cùng 01 xã có những bản không có đường giao thông, phải đi thuyền hoặc đi bộ theo lối mòn, cách trụ sở UBND xã 3 đến 4 ngày đường đi bộ”, Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình cho biết.

Quan tâm đầu tư hạ tầng

Không riêng Quảng Bình mà các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc diện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 – 2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 24/10/2024 cũng sẽ đối diện với nhiều vấn đề sau khi sáp nhập các xã.

Đơn cử tại Nghệ An, theo Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, địa phương này sẽ tiến hành sáp nhập để giảm 48 xã; trong đó có nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa được sáp nhập để thành xã mới.

Theo báo cáo phân tích kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, khoảng cách trung bình từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện là 16,7km; vẫn còn khoảng 10 % các thôn thuộc vùng đồng bào DTTS chưa có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (16.490,25 km2, chiếm 3,2% diện tích cả nước); trong đó khu vực miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống chiếm khoảng 84% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Từ cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, Cục Thống kê tỉnh Nghệ An đã đưa ra những khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo Cục thống kê tỉnh, địa hình miền núi rộng, khoảng các từ địa bàn này đến địa bàn khác quá xa.

“Các địa bàn điều tra, các hộ ở cách nhau xa qua khe suối. Có nhiều địa bàn không có sóng hoặc sóng yếu, lại không đồng bộ được. Có những địa bàn không đi xe máy được, phải đi bộ mất cả tiếng mới đến nơi địa bàn điều tra”, Cục Thống kê tỉnh Nghệ An nhận định.

Tất nhiên, những khó khăc khách quan này không làm thay đổi quyết tâm sắp xếp ĐVHC của các địa phương. Tuy nhiên, điều cần thiết là từ những dữ liệu đã thu thập được, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiến hành đánh giá một cách kỹ lưỡng, từ đó tham mưu cấp thẩm quyền ban hành, triển khai những chính sách đầu tư phù hợp ở những xã miền núi sau sáp nhập.

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Hoạch định chính sách sau sáp nhập (Bài 1) 2
Quan tâm đầu tư hạ tầng ở những địa phương sau sắp xếp còn nợ một số tiêu chí, tiêu chuẩn là cần thiết, bởi hạ tầng ở địa bàn miền núi thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai. (Trong ảnh: Bản làng tan hoang ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An sau trận lũ lịch sử cuối năm 2022 - Ảnh: Thanh Hải))

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 14/11/2024, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ, các địa phương cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể đảm bảo việc sắp xếp đúng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng cho rằng, cần chú ý tới vấn đề về đầu tư hạ tầng ở những địa phương sau sắp xếp còn nợ một số tiêu chí, tiêu chuẩn.

21 Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 – 2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 24/10/2024 bao gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Định, Bạc Liêu, Bình Thuận, Cà Mau, Lạng Sơn, Hưng Yên, Long An, Quảng Bình, Yên Bái, Bến Tre, Thái Nguyên, Kiên Giang. Trong đó, Nghị quyết của Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa và Bà Rịa - Vũng Tàu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025; các Nghị quyết khác có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2024.