Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Nhận thức rõ, giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc để Vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh và bền vững

PV - 12:46, 10/08/2024

Sáng 10/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng. Đồng chủ trì có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị là dịp quan trọng để các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố Vùng Đông Nam Bộ rà soát tình hình tổ chức thực hiện Quy hoạch Vùng, nhìn nhận kịp thời những khó khăn, thách thức, đề ra giải pháp khắc phục; bảo đảm triển khai Quy hoạch Vùng thông suốt, bài bản hiệu quả, góp phần đưa kinh tế Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Vùng Đông Nam Bộ có nhiều thời cơ thuận lợi hơn so các vùng khác. Đây cũng là kỳ vọng của nhân dân cả nước, do đó đối với Vùng, đây vừa là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm cao.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng, các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng xác định tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển; không những phát triển kinh tế-xã hội trong Vùng mà còn phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).

Thủ tướng đề nghị hội nghị này làm rõ tình hình triển khai các giải pháp phát triển Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ; vấn đề khó khăn thách thức cần tháo gỡ trong sự phát triển là gì; đề xuất kiến nghị phương hướng giải quyết trọng tâm nhiệm vụ cụ thể sắp tới để Vùng phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Nhấn mạnh thời gian ngắn, yêu cầu cao, nội dung nhiều và phong phú, Thủ tướng đề nghị các đại biểu, phát biểu trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào vấn đề.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).

* Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vùng Đông Nam Bộ trong 7 tháng đầu năm mặc dù có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.

Cụ thể: tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%); tổng thu ngân sách nhà nước đạt 391,154 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 43%); giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%).

Trong 7 tháng, Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).

Về các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ thời gian vừa qua, ngày 5/5, Hội đồng đã có Phiên họp lần thứ ba tại tỉnh Tây Ninh, sau 2 tháng đến nay đã hoàn thành 3 nhiệm vụ: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 138/2024QH15 ngày 28/6/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành Gia Nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) tại Quyết định số 760/QĐ-TTg ngày 2/8/2024.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).

Các thành viên Hội đồng đã hoàn thành 28/41 nhiệm vụ được giao tại Quyết định ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ điều phối vùng năm 2023, hoàn thành 5/30 nhiệm vụ được giao hoàn thành trong năm 2023 tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24. Các nhiệm vụ còn lại các bộ, địa phương đang khẩn trương triển khai do đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian thực hiện trong các năm tiếp theo.

Về kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ: Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 đã thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.

Đến nay, có 17/18 bộ, ngành và 5/6 địa phương vùng Đông Nam Bộ có ý kiến tham gia. Sau khi có đủ ý kiến của các thành viên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và hoàn thiện Kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế-xã hội và đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương với mục tiêu: “Xác định chính sách phù hợp, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng diện áp dụng thí điểm. Xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng. Thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư; thí điểm áp dụng một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng và cả nước”.

Trong đó, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng Vùng Đông Nam Bộ đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt như: Chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ; Chính sách về phát triển khu công nghiệp; Chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; Chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược…