Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhiều sai phạm nghiêm trọng ở một xã nông thôn mới

PV - 14:58, 09/07/2018

Xã Cẩm Bình, huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa, là địa phương vừa được công nhận về đích nông thôn mới (NTM) vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, địa phương này đang để xảy ra nhiều sai phạm trong chi trả hỗ trợ thiệt hại cho người dân do thiên tai gây ra hồi tháng 10/2017 và trong xây dựng cơ bản.

Lập hồ sơ khống rút tiền hỗ trợ thiên tai

Đầu năm 2018, UBND huyện Cẩm Thuỷ cấp gần 800 triệu đồng để xã Cẩm Bình thực hiện chi trả hỗ trợ nhân dân chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2017.

Song, địa phương này đã không thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, chi trả không đảm bảo sự công bằng: Thậm chí nghiêm trọng hơn, UBND xã Cẩm Bình còn lập hồ sơ khống với đầy đủ chữ ký của các thành phần để rút tiền của Nhà nước khiến người dân vô cùng bức xúc.

Nhiều hộ dân ở Cẩm Bình khẳng định họ bị ký khống trong danh sách nhận tiền hỗ trợ lên tới hàng chục triệu đồng. Nhiều hộ dân ở Cẩm Bình khẳng định họ bị ký khống trong danh sách nhận tiền hỗ trợ lên tới hàng chục triệu đồng.

Qua tìm hiểu của phóng viên, xã Cẩm Bình đã lập khống danh sách, đưa người từ thôn này sang thôn khác với mục đích rút tiền của Nhà nước. Cụ thể, tại danh sách của thôn Săm có tên của gia đình ông Nguyễn Tuấn Nam được hỗ trợ lên tới 38,7 triệu đồng. Song thực tế gia đình ông Nam hiện đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Sổ.

Trao đổi về sự việc này, ông Nguyễn Tuấn Nam bức xúc nói: “Gia đình tôi cũng bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt xảy ra từ ngày 9 đến 11/10/2017 và có tên trong danh sách lĩnh tiền của thôn Săm là 38,7 triệu đồng đã ký tên Nam. Nhưng tôi khẳng định, bản thân không ký và không được nhận số tiền này. Hiện, tôi đã làm đơn tố cáo gửi Phòng Cảnh sát kinh tế-Công an tỉnh Thanh Hoá”.

Trường hợp gia đình ông Trần Quốc Hiền, nuôi cá lồng nhưng đã bán hết cho ông Nguyễn Văn Thắng, trú cùng thôn trước khi trận lụt xảy ra. Theo thực tế, gia đình được đền bù bị thiệt hại mất cá, trôi lồng phải là gia đình ông Thắng mới đúng. Nhưng không hiểu sao gia đình ông Trần Quốc Hiền vẫn có tên trong danh sách nhận số tiền nhiều gấp hơn hai lần so với gia đình ông Thắng (ông Thắng được nhận 2 triệu đồng, ông Hiền nhận 4,75 triệu đồng).

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, hồ sơ kê khai đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại của UBND xã Cẩm Bình có nhiều sai sót. Điều này được ông Đặng Ngọc Đỉnh, Trưởng thôn Săm thừa nhận: danh sách 28 hộ của thôn nhận tiền hỗ trợ đều do ông lập và tự tay ký hết.

Ông Đỉnh trần tình: “Ông Phạm Văn Năm, cán bộ nông nghiệp gọi tôi lên xã, đưa danh sách đã đánh máy sẵn và đưa hai cái bút mực khác nhau bảo tôi ký thì tôi ký thôi. Tôi làm theo chỉ đạo của xã chứ thực tế gia đình tôi cũng chỉ được nhận có 200 nghìn đồng”. Không chỉ vậy, tại thôn Tô và một số thôn khác, khi trả tiền cho dân, cán bộ còn thu lại mỗi hộ từ 10 đến 20 nghìn đồng để chi... tiền mua giấy bút.

Làm qua loa để giải ngân

Trước sự việc trên, ông Đỗ Thanh Dung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: Đợt mưa lũ đầu tháng 10/2017, xã được cấp kinh phí 786 triệu đồng hỗ trợ nhân dân. Quá trình lập hồ sơ, xã giao cho cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp tập hợp từ các thôn trình lên, sau đó xã thành lập đoàn kiểm tra trước khi trình lên huyện.

Công trình Trường Mầm non thôn Bình Hoà vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Công trình Trường Mầm non thôn Bình Hoà vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Tôi khẳng định, ông Năm cố ý nhầm lẫn. Trước mắt, để khắc phục sai sót, ngày 12/4/2018, UBND xã Cẩm Bình đã làm tờ trình số 20/TTr-UBND xin hoàn trả kinh phí khôi phục sản xuất trong đợt thiên tai cuối năm 2017 bị nhầm lẫn về huyện, với tổng số tiền 94,4 triệu đồng”.

Liên quan đến sai phạm trong hỗ trợ thiệt hại bão lũ ở xã Cẩm Bình, ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thuỷ cho biết: Sai phạm thì phải xử lý, UBND huyện đã có văn bản giao cho Công an huyện làm. Sau khi có kết quả, tùy theo tính chất mức độ, cơ quan chức năng sẽ xác định sai ở đâu, mức độ thế nào sẽ làm rõ và khởi tố đối với những cá nhân mắc sai phạm.

Ngoài những sai phạm nghiêm trọng trên, được biết năm 2016, xã Cẩm Bình được huyện Cẩm Thuỷ cấp 1,5 tỷ đồng để xây dựng 4 phòng học mầm non ở khu vực thôn Bình Hoà. Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng từ tháng 9/2017 đến nay, cả 4 phòng học này đều trong tình trạng mưa thì dột, các phòng kho phía sau đều bị lún nứt. Đơn vị thi công có sửa mấy lần, nhưng tình trạng trên chỉ được khắc phục phần nào.

Ngoài ra, các hạng mục còn lại như sân nền, tường rào, bồn hoa... do UBND xã Cẩm Bình trực tiếp bỏ vốn xây dựng, với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng, do làm qua loa, nên mới chỉ trong thời gian ngắn, sân trường đã lồi lõm, bong tróc.

Sự việc này cũng đã được ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thuỷ thừa nhận: Những mối nối nhà thầu làm rất ẩu. Huyện đã cho kiểm tra và yêu cầu địa phương khắc phục và nghiêm túc kiểm điểm sai phạm.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 năm 2024 ở Nghệ An: Sớm có kế hoạch phân bổ nguồn vốn sự nghiệp

Chương trình MTQG 1719 năm 2024 ở Nghệ An: Sớm có kế hoạch phân bổ nguồn vốn sự nghiệp

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An vừa ban hành Nghị quyết số 12 ngày 22/4/2024 về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2024 (Chương trình MTQG 1719). Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương có nguồn lực thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án của Chương trình MTQG 1719. Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An cần ưu tiên xem xét, lập kế hoạch phân bổ nguồn vốn này sớm hơn, làm cơ sở cho các địa phương chủ động thực hiện.