Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Đề án 1163: Những mô hình cần nhân rộng (Bài 3)

K.Thư – Song Vy - 16:55, 14/08/2022

Để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, Đề án 1163 đặt ra giải pháp là lựa chọn xây dựng mô hình điểm ở các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; địa bàn xung yếu và nơi có đồng bào DTTS rất ít người cư trú. Nhiều mô hình được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực, rất cần nhân rộng trong thời gian tới.

Các cơ sở thờ tự Phật giáo Nam tông Khmer ở ĐBSCL tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. (Trong ảnh: Thượng tọa Lý Hùng) Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Cần Thơ, Chủ trì chùa PITU KHÔSA RĂNGSÂY hướng dẫn sư sãi, bà con phật tử là người DTTS ủ rác thải sinh hoạt thông thường làm phân bón hữu cơ để trồng cây kiểng, cây ăn trái,…)
Các cơ sở thờ tự Phật giáo Nam tông Khmer ở ĐBSCL tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. (Trong ảnh: Thượng tọa Lý Hùng) Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Cần Thơ, Chủ trì chùa PITU KHÔSA RĂNGSÂY hướng dẫn sư sãi, bà con phật tử là người DTTS ủ rác thải sinh hoạt thông thường làm phân bón hữu cơ để trồng cây kiểng, cây ăn trái,…)

Lợi ích nhân đôi

Những năm qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phải loay hoay giải bài toán rác thải sinh hoạt. Theo nghiên cứu của Liên danh tư vấn, Công ty TNHH Royal Haskoning DHV và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn vùng ĐBSCL khoảng 14.000 tấn/ngày, tương đương khoảng 5 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, toàn vùng hiện mới có 2 khu xử lý có tính liên tỉnh là Khu xử lý rác tại Tân Thành, Long An và Nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Còn lại các địa phương khác, hầu như chỉ áp dụng biện pháp chôn lấp, trong đó chỉ có 19/124 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại trên 100 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, rủi ro gây ô nhiễm đất nước, không không khí và nhu cầu sử dụng đất dành cho chôn lấp rác cao, tỷ lệ tái sử dụng thấp.

Cũng theo Liên danh tư vấn, Công ty TNHH Royal Haskoning DHV, dự báo tổng lượng rác thải đô thị đến năm 2030 của vùng có thể đạt 7 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 300.000 tấn chất thải nguy hại. Do đó yêu cầu xử lý rác thải đang là vấn đề mà các địa phương quan tâm nhất hiện nay.

Một trong những giải pháp được các địa phương trong vùng, đã và đang đẩy mạnh thực hiện, là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS, trong việc thu gom, phân loại rác tại nguồn. Nhiều địa phương cũng đã triển khai những mô hình mang lại lợi ích “kép” trong thu gom, phân loại rác, được người dân đồng thuận cao.

Các cơ sở thờ tự Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chủ động lồng ghép vào các buổi sinh hoạt để TTPBGDPL. (Ảnh TL)
Các cơ sở thờ tự Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chủ động lồng ghép vào các buổi sinh hoạt để TTPBGDPL. (Ảnh TL)

Điển hình là mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm” do Hội LHPN huyện Châu Thanh A (Hậu Giang) triển khai từ tháng 5/2020 tại thị trấn Bảy Ngàn - nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã thu được nhiều kết quả khi giúp hội viên hiểu rõ hơn về các loại rác thải, những loại rác thải tái sử dụng được… Được biết, Hội LHPN huyện Châu Thành A đang nhân rộng mô hình này ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện, nhất là các xã, thị trấn có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Một giải pháp cũng đã được các địa phương tích cực triển khai, là phát huy vai trò của các cơ sở thờ tự Phật giáo Nam tông Khmer trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Chính quyền các địa phương đã phối hợp với trụ trì, ban trị sự các cơ sở thờ tự Phật giáo Nam tông Khmer, triển khai các quy định về quyền, trách nhiệm của người dân theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;…

Đồng thời, trụ trì các cơ sở thờ tự Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng chủ động lồng ghép vào các buổi sinh hoạt để tuyên truyền, nhắc nhở sư sãi, phật tử là người dân DTTS có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường trong nhà, cũng như cơ sở thờ tự, thông qua các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải đúng quy định.

Các địa phương đã từng bước xây dựng được các mô hình PBGDPL và tuyên truyền, vận động hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS
Các địa phương đã từng bước xây dựng được các mô hình PBGDPL và tuyên truyền, vận động hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS

Tuyên truyền đi trước

Với những giải pháp trên, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân khu vực ĐBSCL, nhất là đồng bào DTTS, đã được nâng lên rõ rệt. Những năm gần đây, đồng bào DTTS tại vùng ĐBSCL rất tích cực tham gia vào các hoạt động thu gom rác thải trên các tuyến đường, sông, kênh rạch; Đồng thời thu gom, lưu chứa các chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đất, nước, không khí ở khu vực đô thị cũng như nông thôn.

Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tại văn bản số 975/BC-UBDT ngày 21/6/2022, Ủy ban Dân tộc đề ra phương hướng: Chú trọng đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; PBGDPL tại cơ sở bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, thích ứng với các tình huống phát sinh trong thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia…

Mô hình đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống, bằng những hoạt động thiết thực ở ĐBSCL nêu trên, được đánh giá là phù hợp với văn hóa của đồng bào DTTS trong khu vực này. Đây cũng là phương hướng triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” được các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 8/8/2017 (gọi tắt là Đề án 1163).

Tại văn bản số 975/BC-UBDT ngày 21/6/2022 về báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Đề án 1163, Ủy ban Dân tộc đánh giá, các địa phương đã từng bước xây dựng được các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Qua đó, nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đơn cử như tỉnh Trà Vinh, đã lồng ghép nội dung PBGDPL nhân dịp mừng tết Chôl Chnam Thmây và Lễ Sêne Đolta cùng với các ngày quy y tại 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 27 cơ sở thờ tự của đồng bào Hoa và Thánh đường Hồi giào của đồng bào Chăm; Thanh Hóa tổ chức 675 buổi biểu diễn , 7.000 buổi chiếu phim, 8.832 buổi sinh hoạt về bình đẳng giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống;…; Một số địa phương đã có sáng kiến ứng ụng mô hình Infographic trong PBGDPL, giúp trình bày nội dung cần tuyên truyền, vận động một cách dễ hiểu, hấp dẫn, đỡ nhàm chán, thu hút sự chú ý của đồng bào DTTS.

Tại Hội nghị sơ kết Đề án 1163 được tổ chức cuối năm 2019, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong triển khai Đề án 1163 của các địa phương, đã được Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đánh giá rất cao. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đã lưu ý, để Đề án 1163 đi vào cuộc sống, Ban Dân tộc, chính quyền và các tổ chức xã hội đoàn thể ở các địa phương phải tiếp tục nâng cao chất lượng, lựa chọn phương pháp phù hợp để hoạt động tuyên truyền đi trước một bước, và đạt được mục tiêu đặt ra.

Cụ thể như: Lựa chọn các nội dung tuyên truyền trọng tâm, phù hợp, cụ thể hóa các nội dung phổ biến pháp luật vào các hương ước, quy ước của địa phương. Củng cố, tập hợp các tổ chức, cá nhân làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền pháp luật, loại bỏ dần ra khỏi địa bàn những gì không phù hợp với tập quán, phong tục của đồng bào. 

"Đặc biệt, cần nghiên cứu, rà soát để đưa nhiệm vụ, thể chế của Quyết định số 1163 thành một dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm khắc phục được những hạn chế đang tồn tại như: Nguồn vốn, đầu mối chỉ đạo, quản lý".