Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: Nhiều chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản cần được cải thiện (Bài 2)

Sỹ Hào - 06:36, 23/07/2024

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, đời sống của đại bộ phân dân cư trong năm 2023 đã được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tiếp tục giảm. Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống của người dân thì nhiều chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản cần cải thiện, nhất là chỉ số “Việc làm”.

(BÀI) Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: Nhiều chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản cần được cải thiện (Bài 2)
Chương trình MTQG 1719 phấn đấu có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa. (Ảnh minh họa)

Thiếu hụt chỉ số "Việc làm"

Trong báo cáo “Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023”, Tổng cục Thống kê đã đưa ra những số liệu khá lạc quan. Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước (lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,5 triệu người, chiếm 37,3%; khu vực nông thôn là 32,9 triệu người, chiếm 62,7%).

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo là 3,4%, giảm 0,8 điểm % so với năm 2022. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (10,7%); Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (0,3%).

Lao động có việc làm năm 2023 đạt 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022. 

Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn (lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 19,0 triệu người, tăng 1,8%; lao động ở khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, tăng 1,1%).

Mặc dù có nhiều điểm tích cực nhưng “Việc làm” lại là chỉ số thiếu hụt nhiều nhất trong 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khi thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Đây là nội dung đáng chú ý trong kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, trong 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản thì chỉ số “Việc làm” là chỉ số thiếu hụt nhiều nhất (39,4%). Xếp sau chỉ số “Việc làm” là các chỉ số: “Trình độ giáo dục người lớn” (32,4%), “Dinh dưỡng” (22,8%) và “Bảo hiểm y tế” (19,3%).

Lý giải nguyên nhân, Tổng cục Thống kê cho rằng, số lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động; lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định (lao động phi chính thức) chiếm tỷ trọng lớn có xu hướng tăng lên. Năm 2023, số lao động phi chính thức là 33,3 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chiếm tới 64,9%.

“Sự sụt giảm đơn hàng diễn ra từ những quý cuối năm 2022 đến hết năm 2023 làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã làm giảm hiệu quả của các chính sách thúc đẩy chính thức hóa lao động phi chính thức”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

(BÀI) Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: Nhiều chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản cần được cải thiện (Bài 2) 1
Tỷ lệ hộ thiếu hụt các chỉ số nghèo đa chiều năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Đáng chú ý, trong quý IV năm 2023, cả nước có gần 1,5 triệu thanh niên từ 15 đến 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,5% tổng số thanh niên). Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (12,8% so với 9,5%).

Rào cản cho mục tiêu lớn

Trong báo cáo “Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023”, Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, trong tổng số 52,4 triệu lao động của cả nước thì có khoảng 38 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Đại đa số lao động chưa qua đào tạo đều ở khu vực nông thôn, miền núi, lao động người DTTS.

Hơn nữa, so sánh các năm: 2020 và 2022 (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19), thì sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế năm 2023 có dấu hiệu chậm lại. 

Năm 2023, có 97,2% hộ sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố, chỉ có một tỷ lệ nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du và miền núi phía Bắc là 2 vùng có tỷ lệ hộ sống trong nhà thiếu kiên cố và đơn sơ cao nhất cả nước (lần lượt là 7,4% và 7,9%).

Nếu năm 2020 và 2022, tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm lần lượt là 1,0 điểm phần trăm (năm 2020) và 1,6 điểm phần trăm (năm 2022) thì đến năm 2023, tỷ trọng lao động trong ngành này giảm chậm hơn (chỉ giảm 0,6 điểm phần trăm).

Những chỉ số này được đánh giá là rào cản cho việc thực hiện mục tiêu của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành tại Nghị quyết số 120/2020/QH14; giai đoạn I” 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719)

Chương trình MTQG 1719 đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: “Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS; hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030, có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa”.

Từ thực tế về tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023 và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, giải quyết việc làm bền vững cho lao động nông thôn, lao động người DTTS đang là yêu cầu cấp bách.

Để giải quyết yêu cầu này, một trong những giải pháp cần được các bộ, ngành, địa phương quan tâm là thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 3 - Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, về “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi”.

(BÀI) Nhìn từ kết quả khảo sát mức sống dân cư: Nhiều chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản cần được cải thiện (Bài 2) 2
Tiểu dự án 3 hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. (Ảnh minh họa)

Tiểu dự án 3 hướng đến góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Cùng với việc tập trung giải quyết việc làm bền vững cho lao động nông thôn, lao động người DTTS thì các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế; các chính sách an sinh xã hội; đồng thời hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng khó khăn, người yếu thế hơn trong xã hội.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Năm 2023, điều kiện sống của hộ tiếp tục được cải thiện. Trên toàn quốc, 98,6% hộ gia đình có nguồn nước hợp vệ sinh và 96,7% hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh, tăng lần lượt 0,3 điểm % và 0,5 điểm % so với tỷ lệ tương ứng năm 2022. Chất lượng nước sạch và hố xí hợp vệ sinh ở nông thôn đang được cải thiện nhanh chóng khiến khoảng cách về tiếp cận nước sạch và hố xí hợp vệ sinh của thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp.

Tin cùng chuyên mục