Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nho Quan (Ninh Bình): Người dân khẩn thiết kêu cứu vì nhà máy tinh bột sắn gây ô nhiễm

Sỹ Hào - 07:00, 29/11/2024

Mặc dù đã có chỉ đạo của UBND huyện Nho Quan, nhưng theo phản ánh của người dân, Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất, gây ô nhiễm môi trường.

Toàn cảnh Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco nhìn từ trên cao

Khổ sở vì ô nhiễm

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Dân tộc và Phát triển, người dân thôn Me, thôn Lược, thôn Xát của xã Sơn Lai (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) phản ánh: Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco (thuộc Công ty cổ phần Nông sản Elmaco) đóng trên địa bàn xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đi vào hoạt động từ năm 2005.

Đơn kêu cứu của người dân thôn Me, thôn Lược, thôn Xát của xã Sơn Lai gửi Báo Dân tộc và Phát triển.
Đơn kêu cứu của người dân thôn Me, thôn Lược, thôn Xát của xã Sơn Lai gửi Báo Dân tộc và Phát triển.

Bao quanh Nhà máy là khu vực dân cư, với hàng trăm hộ dân sinh sống. Vì vậy, kể từ khi Nhà máy này đi vào hoạt động đến nay, người dân các thôn trên đã phải chịu đựng mùi hôi thối, nguồn nước bẩn, ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng.

“Vào mùa đông Nhà máy sắn hoạt động hết công suất, chúng tôi ghi nhận những núi bã sắn màu đen được chất cao trong khuôn viên Nhà máy này. Dù được che đậy khá kỹ, nhưng nhà dân chúng tôi ở từ xa, chúng tôi vẫn ngửi thấy mùi hôi thối tại các khu vực nêu trên”, người dân phản ánh trong đơn.

Theo phản ánh của người dân, trong quá trình hoạt động, bã sắn sẽ được chất thành nhiều đống trong khuôn viên Nhà máy, khi có người mua thì công nhân sẽ đóng vào bì và mang đi. Từ đầu năm 2021 đến nay, do không xuất được nhiều bã ra khỏi Nhà máy, nên một lượng lớn bã sắn bị tồn lại, đã chuyển sang màu đen và thường xuyên rỉ nước ra khu vực giáp ranh khu dân cư.

Hố chứa bã sắn từ dây chuyền sản xuất được trải bạt tạm bợ. (Ảnh: Người dân cung cấp)
Hố chứa bã sắn từ dây chuyền sản xuất được trải bạt tạm bợ. (Ảnh: Người dân cung cấp)

“Tại nhiều hộ gia đình nằm ngay phía sau Nhà máy sắn, thực trạng nguồn nước giếng của các hộ này bị nhuốm vàng. Bởi vì nước thải của Nhà máy thường xuyên chảy ra ngoài, ngấm xuống đất nên nước giếng của nhiều hộ dân ở đây giờ đã chuyển thành màu vàng, không dùng nổi. Ở đây nhiều nhà bị ảnh hưởng tới nguồn nước”, đơn của người dân thôn Me, thôn Lược, thôn Xát nêu.

“Phớt lờ” yêu cầu của huyện?

Trước cuộc sống khổ sở vì ô nhiễm, nhiều năm nay, người dân thôn Me, thôn Lược, thôn Xát của xã Sơn Lai đã khẩn thiết gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, phản ánh của người dân chưa được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo.

Còn doanh nghiệp thì tiếp tục hoạt động, “mạnh tay” gây ô nhiễm hơn. Nhất là trong tháng 11/2024, doanh nghiệp đã đổ bã sẵn chưa qua xử lý tràn lan trong khu vực Nhà máy để chôn lấp, bị người dân bắt quả tang. 

Người dân đã mời đại diện UBND xã Sơn Lai đến lập biên bản vào hồi 16h ngày 17/11/2024 tại khu vực Nhà máy sắn.

Ngày 18/11/2024, UBND xã Sơn Lai đã có báo cáo gửi UBND huyện Nho Quan về tình hình ô nhiễm môi trường của Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Elmaco. 

Sau khi kiểm tra thực địa, ngày 25/11/2024, lãnh đạo UBND huyện Nho Quan đã tổ chức hội nghị đối thoại với lãnh đạo Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Elmaco và đại diện cử tri thôn Me, thôn Lược và thôn Xát.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND huyện Nho Quan yêu cầu, Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco tạm dừng sản xuất để khắc phục, hoàn thiện hồ sơ thủ tục, hệ thống xử lý môi trường theo đúng Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt năm 2015.

Đồng thời, Nhà máy phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thời gian xong trước ngày 01/01/2025 (theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020); yêu cầu doanh nghiệp chỉ đi vào hoạt động sản xuất khi thực hiện xong các nội dung trên.

Mặc dù đã có chỉ đạo của UBND huyện Nho Quan, nhưng theo phản ánh của người dân, ngày 26/11, Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco vẫn tiếp tục vận chuyển sắn tươi về tập kết trong khuôn viên để chuẩn bị sản xuất.

Trước sự việc đó, người dân đã dựng lều trước cổng Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco để phản đối; đồng thời cắt cử nhân lực túc trực để ngăn cản, không cho doanh nghiệp tập kết nguyên liệu.

Khu vực người dân phát hiện nhà máy sắn chôn lấp chất thải sau khi chế biến tinh bột sắn ngày 17/11/2024. (Ảnh: Người dân cung cấp)
Khu vực người dân phát hiện Nhà máy sắn chôn lấp chất thải sau khi chế biến tinh bột sắn ngày 17/11/2024. (Ảnh: Người dân cung cấp)

Ông Lê Văn Minh, Trưởng thôn Xát cho biết, lãnh đạo UBND huyện Nho Quan đã về làm việc trực tiếp, đối thoại với Nhân dân, yêu cầu Nhà máy dừng hoạt động nhưng doanh nghiệp này đã bỏ ngoài tai chỉ đạo của chính quyền. Việc làm này của họ là bất chấp các quy định của pháp luật cũng như coi thường tính mạng của Nhân dân. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận dự án tại Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 06/5/2004 và được Sở Tài nguyên và Môi trường hợp đồng thuê đất tại Hợp đồng số 09/HĐ-TĐ ngày 14/5/2005 với diện tích thuê đất 253.028m2; thời hạn thuê đất 40 năm, địa điểm thực hiện dự án thuộc xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Theo kết quả xác minh của Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Ninh Bình trong văn bản ngày 15/02/2024, những năm trước đây, Nhà máy này hoạt động không thường xuyên, mỗi năm chỉ hoạt động từ 4 - 5 tháng (vào mùa vụ thu hoạch sắn). Đến năm 2019, Nhà máy đã góp vốn với các cổ đông khác để hình thành pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Elmaco Ninh Bình.

Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco do Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Elmaco Ninh Bình làm chủ đầu tư có quy mô công suất 15.000 tấn tinh bột sắn/năm. Ngày 28/12/2023, UBND huyện Nho Quan đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty và thu 5 mẫu nước (trong đó có 4 mẫu nước giếng của 4 hộ dân xung quanh Nhà máy và 1 mẫu nước thải sau xử lý tại ao sinh học) để phân tích đánh giá chất lượng.

Kết quả kiểm tra hoạt động sản xuất của Nhà máy còn một số tồn tại như: Tại khu vực chứa vỏ cây, đầu mẩu chưa lót bạt, chưa che phủ nên phát sinh mùi hôi; người dân xin vỏ cây và đầu mẩu sắn về để cải tạo đất, bón cho cây trồng nên khi vận chuyển, lưu chứa làm phát sinh mùi ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh. 

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động sản xuất và vận chuyển nguyên nhiên liệu làm phát sinh tiếng ồn, bụi; rò rỉ nước thải từ ao sinh học ra kênh tiêu thoát nước xả.... 

Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Ninh Bình cũng nhận định, hiện Nhà máy đã khắc phục các tồn tại này, không để rò rỉ nước từ ao sinh học ra ngoài, che phủ bạt bãi chứa, phun nước tưới ẩm đường nội bộ.

Mặc dù cơ quan chức năng huyện Nho Quan và tỉnh Ninh Bình đã có kiểm tra, đánh giá và đã ban hành những kết luận về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường ở Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Elmaco; tuy nhiên, việc người dân thôn Me, thôn Lược, thôn Xát của xã Sơn Lai vẫn tiếp tục gửi đơn kêu cứu khẩn thiết là vấn đề mà huyện Nho Quan cần phải quan tâm giải quyết thấu đáo, tránh tình huống các đối tượng lợi dụng kích động, phát sinh thành điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự.

Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình; có 7 xã thuộc vùng đồng bào dân DTTS và miền núi. Toàn huyện có gần 29.000 người là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mường chiếm 97,18%.

Tin cùng chuyên mục
Văn Lãng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS

Văn Lãng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS

Nhằm nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 2820/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Văn Lãng ngày 30/10/2024 về Thực hiện Tiểu dự án 2, Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.