Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Những bến đò “3 không”

PV - 16:23, 02/04/2018

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, cả nước có 2.538 bến đò ngang đang hoạt động, trong đó có 675 bến đã hết thời hạn, hoặc hoạt động không giấy phép.

Tình trạng rủi ro tai nạn mất an toàn từ đò, gây thiệt hại về người và vật chất những năm qua không còn xa lạ với cộng đồng. Do vậy, việc buông lỏng quản lý các bến đò ngang, đã tiếp tay cho các chủ đò hoạt động tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất đáng báo động.

Chòng chành qua sông

Có mặt tại bến đò M’Liêng (buôn M’Liêng, xã Đăk Liêng, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh qua sông rất nguy hiểm. Chỉ trong thời gian chừng 10 phút, đã có 3 lượt khách gồm cả phương tiện, hàng hóa cồng kềnh được chủ thuyền chở qua sông mà không ai mặc áo phao.

Những bến đò “3 không” tiềm ẩn nhiều bất trắc. Những bến đò “3 không” tiềm ẩn nhiều bất trắc.

 

Anh Y Din, một người khách chuẩn bị qua bến đò M’Liêng cho biết, anh có bà con bên huyện Krông Ana, mỗi lần có việc cần anh đều đi đò M’Liêng cho tiện. Tuy nhiên, khi được hỏi, trong các lần đi đò có khi nào anh sử dụng áo phao không thì anh lắc đầu “Lái đò biết bơi, lỡ thuyền chìm họ cứu mình, lo gì” (!). Tương tự, anh Ma Văn Giang, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) cũng chia sẻ, mỗi lần có khách hoặc gia đình có việc, anh thường đi đò sang chợ Liên Sơn, huyện Lăk mua thực phẩm, mất chừng 2 phút, giá cước cả người lẫn xe máy 10 ngàn đồng/lượt. Giống như nhiều khách đi đò khác, anh chưa lần nào anh mặc áo phao.

Tại tỉnh Gia Lai những năm qua, do bùng phát việc xây dựng các công trình thủy điện trên hệ thống các dòng sông Sê San, sông Ba dẫn đến việc tích nước. Do đó, người dân buộc phải qua sông bằng các bến đò ngang. Tuy nhiên, do điều kiện vùng sâu vùng xa còn khó khăn, phương tiện qua sông rất thô sơ, người lái đò chủ yếu là người dân địa phương không được tập huấn an toàn nên những con đò chở khách nơi này tiềm ẩn rất nhiều bất trắc.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, hiện toàn tỉnh có trên 180 phương tiện thủy. Các phương tiện đường thủy đa phần tập trung trên địa phận huyện Ia Grai, K’bang, chủ yếu chở người dân và hàng hoá đi lại trên lòng hồ thủy điện Sê San từ Gia Lai đi Kon Tum và ngược lại. Trong tổng số trên 180 phương tiện thủy, chỉ 19 phương tiện được đăng ký, cấp biển số. Số còn lại hầu như không có hồ sơ thiết kế (đóng mới, hoán cải); không đăng kiểm.

Cần các giải pháp đồng bộ

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, hiện nay, tình trạng bến đò “3 không” (phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; bến không có giấy phép hoạt động và người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn) đang tồn tại ở nhiều địa phương, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, hiện cả nước có 28 địa phương có hoạt động chở học sinh đi học qua sông bằng phương tiện thủy, với tổng số 294 điểm đón, 766 phương tiện. Trong đó có 26 điểm đón công cộng do các gia đình tự đưa con đi học qua sông bằng phương tiện thủy. Ngoài ra, còn có hàng trăm điểm lẻ đưa đón con do các gia đình tự thực hiện.

Mặc dù lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền và xử lý đối với những bến đò ngang không đủ điều kiện an toàn nhưng tình hình vi phạm Luật Giao thông đường thủy của các chủ phương tiện, các bến đò ngang vẫn diễn ra thường xuyên. Thậm chí, biết hoạt động đưa đón khách khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép là sai quy định, nhưng do nhu cầu đi lại của người dân và học sinh nên một số chủ bến vẫn cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý chưa được triệt để hay không có nơi tạm giữ phương tiện, nên việc đình chỉ hoạt động các bến này dường như không khả thi. Tình trạng thuyền trưởng, chủ đò chở khách ngang sông không có giấy chứng nhận điều khiển phương tiện còn khá phổ biến.

Để khắc phục những bất cập từ các bến đò ngang, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là khi mùa mưa lũ sắp đến, rất cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị. Trước hết, cơ quan chức năng cần kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về cảng, bến thủy nội địa, hoạt động chở khách ngang sông… cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi. Cùng với đó, phải tăng cường công tác quản lý trên thực địa đối với hoạt động chở khách ngang sông; lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế tối đa tiến tới chấm dứt các hoạt động tự phát đưa, đón học sinh đi qua sông bằng phương tiện thủy.

THIÊN ĐỨC - HÀ KHÁNH