Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Những câu chuyện chưa kể về chú chó trung thành Hachiko

Thành Nam - 11:31, 07/07/2022

Có lẽ cái tên Hachiko đã không còn xa lạ gì với nhiều người, thậm chí còn nổi tiếng đến mức kinh đô điện ảnh Hollywood đã làm hẳn một bộ phim chuyển thể về chú chó này vào năm 2009. Tuy nhiên vẫn có nhiều câu chuyện mà ít người biết đến về chú chó biểu tượng của sự trung thành này.

Tượng Hachiko đoàn tụ với giáo sư Ueno tại khoa Nông nghiệp, Đại học Tokyo
Tượng Hachiko đoàn tụ với giáo sư Ueno tại khoa Nông nghiệp, Đại học Tokyo

Hachiko thuộc giống chó Akita, sinh ngày 10/11/1923 tại một nông trại ở tỉnh Akita. Sau đó, nó đã được người chủ của mình là Hidesaburo Ueno - một giáo sư ngành nông nghiệp tại Đại học Hoàng gia Tokyo đem lên Tokyo sinh sống. Suốt nhiều năm liền, chiều nào Hachiko cũng đến nhà ga Shibuya để đợi chủ đi làm về.

Hollywood đã chuyển thể câu chuyện của Hachiko vào bộ phim điện ảnh do nam tài tử Richard Gere thủ vai giáo sư
Hollywood đã chuyển thể câu chuyện của Hachiko vào bộ phim điện ảnh do nam tài tử Richard Gere thủ vai giáo sư

Vào ngày 21/5/1925, ông Ueno đã đột ngột qua đời vì bị đột quỵ lúc đang dạy học. Đó là ngày đầu tiên vào lúc 3 giờ chiều, Hachiko không thấy bóng dáng thân quen của người chủ ở cổng ga tàu. Thế nhưng từ đó, chiều nào cũng vậy, chú chó trung thành vẫn chạy đến cửa nhà ga Shibuya để đợi chủ trở về, chờ đợi một phép màu trong vô vọng. Hành trình này kéo dài liên tục 9 năm 9 tháng trời đằng đẵng, cho đến ngày chính Hachiko cũng ra đi vào ngày 8/3/1935.

Câu chuyện vô cùng cảm động về chú chó Hachiko đã được lan truyền khắp Nhật Bản. Tại nhà ga Shibuya giữa trung tâm Tokyo ngày nay vẫn có bức tượng Hachiko để tưởng niệm chú chó trung thành này. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều sự thật thú vị về Hachiko khác nữa mà không phải ai cũng biết.

1. Hachiko không phải tên thật

Hachiko được vận chuyển trên chuyến tàu tốc hành để đến Tokyo vào 20 giờ cho người chủ mới (là ông giáo sư Ueno). Do đó, ông Ueno đã đặt tên chú là Hachi – số 8 trong tiếng Nhật theo thời gian chú đến Tokyo. Đây được xem là số may mắn của người Nhật.

Chú chó Hachiko kiên nhẫn đợi người chủ đã mất tại ga Shibuya, Tokyo
Chú chó Hachiko kiên nhẫn đợi người chủ đã mất tại ga Shibuya, Tokyo

Còn chữ “ko” thì được thêm vào sau khi câu chuyện của Hachiko lan rộng vào năm 1932 để bày tỏ sự trân trọng lòng trung thành, tận tâm của chú chó. Từ năm 1932 trở đi, dần dần chú chó Hachi được biết đến với cái tên Hachiko.

2. Hachiko không sinh ra ở quận Shibuya, Tokyo

Vì tượng của chú chó Hachiko được đặt tại nhà ga Shibuya, Tokyo nên không ít người hiểu nhầm chú được sinh ra tại vùng này. Thật ra, Hachiko là chú chó Akita thuần chủng được sinh tại thành phố Odate, tỉnh Akita. Bố là Oshinai và mẹ là Goma. Chú chó con Hachiko đã được bán với giá 30 yên cho Hidesaburo Ueno – một nhà nghiên cứu nông nghiệp tại Đại học Tokyo đang tìm kiếm một chú chó Akita thuần chủng. Số tiền này được cho là khá lớn thời bấy giờ.

Ảnh chụp Hachiko cùng gia đình Ueno
Ảnh chụp Hachiko cùng gia đình Ueno

Thành phố Odate rất tự hào là quê hương của chú chó Hachiko, cũng như giống chó Akita. Vì vậy, họ đã dựng tượng của chú chó Hachiko trước nhà ga Odate. Họ cũng trang trí các nắp cống thành phố bằng hình vẽ chú chó Hachiko.

3. Hachiko từng bị bán cho nhiều gia đình 

Sau khi giáo sư Ueno qua đời, gia đình đã đem Hachiko tặng cho nơi khác nuôi. Thế nhưng dù là đến nhà nào, Hachiko vẫn tìm được đường để chạy đến nhà ga Shibuya mỗi buổi chiều. Có những nhà cách ga đến vài dặm nhưng Hachiko vẫn kiên trì với hành trình của mình. Sau nhiều lần đổi chủ, cuối cùng nó cũng "định cư" với người chủ mới là một người làm vườn cho ông Ueno lúc sinh thời tên Kikuzaburo Kobayashi. Vì gia đình Kobayashi sống khá gần ga Shibuya nên mỗi chiều, Hachiko cũng tiện đến đó hơn.

4. Vì sao câu chuyện của Hachiko lại lan truyền rộng rãi đến vậy?

Vào năm 1932, khi Hachiko vẫn còn sống, ông Hirokichi Saito - Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn chó Nhật Bản đã nghe được câu chuyện về chú chó ngày ngày đợi người chủ đã khuất. Hirokichi Saito chính là một học sinh cũ của Giáo sư Ueno và là chuyên gia nghiên cứu về giống chó Akita.

Câu chuyện về Hachiko được đăng lên báo Asahi Shimbun năm 1932
Câu chuyện về Hachiko được đăng lên báo Asahi Shimbun năm 1932

Ông đã viết câu chuyện này lên tạp chí Asahi Shibum và nó nhanh chóng được lan truyền khắp nước Nhật vì làm lay động trái tim mọi người. Hachiko đã trở nên nổi tiếng từ đó và được gọi là biểu tượng của lòng trung thành.

5. Tượng của Hachiko đã từng bị phá hủy trong Thế chiến II

Tượng của Hachiko ngày nay ở giữa trung tâm Tokyo
Tượng của Hachiko ngày nay ở giữa trung tâm Tokyo

Trong chiến tranh Thế giới II, nhu cầu về kim loại để chế tạo máy móc tăng cao. Vì vậy mà ngay cả tượng của chú chó Hachiko rất được công chúng yêu thích cũng bị đem đi nung chảy để làm nguyên liệu sản xuất cho một bộ phận của đầu máy xe lửa. Điều đáng buồn là bức tượng lại bị nấu chảy chỉ một ngày trước khi chiến tranh kết thúc.

Cả hai bức tượng của Hachiko ở ga Shibuya và ga Odate đều bị nung chảy để làm nguyên liệu trong chiến tranh. Sau chiến tranh Thế giới II, con trai của nhà điêu khắc Teru Ando là Takeshi đã nối gót cha mình và tạo nên một bức tượng Hachiko mới. Đó cũng chính là bức tượng Hachiko mà bạn thấy ở ga Shibuya ngày nay. Còn tại quê nhà Odate, tượng Hachiko bây giờ bạn nhìn thấy cũng được đúc mới vào năm 1967.