Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Những điều bình dị để làm nên một quân đội Anh hùng

Văn Hoa - 13:14, 04/12/2020

Cụ Bàn Thị Chủ, lão thành cách mạng, dân tộc Dao, ở xóm Pù Mìn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) là một trong số những người từng nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Với công sức nhỏ bé của mình, cụ đã góp phần làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Nhà bia trung tâm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, (Nguyên Bình, Cao Bằng), nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân
Nhà bia trung tâm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, (Nguyên Bình, Cao Bằng), nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân

Nhân dịp cụ Bàn Thị Chủ nhận lời mời của ông Võ Hồng Nam (con trai cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp) xuống Hà Nội khám sức khỏe, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng cụ. Năm nay dù đã 95 tuổi, cụ vẫn có dáng ngồi thẳng, khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt sáng. Gặp chúng tôi, cụ rất vui và kể về quá khứ hào hùng từng trải qua.

Cụ Bàn Thị Chủ sinh ngày 23/10/1925, mồ côi cha từ lúc 2 tuổi. Cụ ở với mẹ và 4 chị em gái. Từ nhỏ, cô bé Chủ đã thể hiện là người nhanh nhẹn nhất trong 5 chị em, nên đến khoảng 16 tuổi, cô được chọn vào Đội hậu cần nuôi quân cho Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

“Lúc đó nhà nghèo lắm, dân quanh vùng cũng nghèo, quanh năm chỉ trồng được cây lúa, cây ngô. Nhưng khi nghe tin có bộ đội về làng, bà con vui mừng và cố gắng tăng gia sản xuất để lấy lương thực nuôi bộ đội. Sợ bộ đội đói không đánh được giặc, bà con hăng hái góp ngô, gạo, vào rừng hái rau cho bộ đội ăn; thỉnh thoảng tăng gia thêm ít thịt tươi…”, cụ Chủ nhớ lại.

Để bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, đội hậu cần ngay lập tức ra đời, trong đó có “nhóm vận động”. Nhóm vận động được lập ra để kêu gọi Nhân dân trong vùng quyên góp lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội. Chỉ những ai trong nhóm mới được vận động lương thực của Nhân dân và chỉ thành viên trong nhóm thì Nhân dân mới cho. Tuy nhiên, để đề phòng việt gian, nhóm phải vận động khéo, chọn những gia đình yêu nước và tin tưởng được. Lương thực, thực phẩm vận động được gồm gạo, ngô, trứng, rau xanh, thi thoảng được ít thịt.

Vận động để có được lương thực, thực phẩm đã khó; khâu chế biến và đưa cơm đến tay bộ đội càng khó khăn hơn. Khi nấu cơm, để không bị phát hiện, tổ nấu ăn phải bố trí nhiều vòng canh từ bên ngoài. Những hôm không có gạo hoặc khó khăn trong quá trình đưa cơm cho bộ đội, tổ hậu cần sẽ làm lương khô, bánh ngô.

“Ngày đó, Đội hậu cần có khoảng 10 người, trong đó chia ra một đội đưa cơm, một đội canh gác. Để tránh bị phát hiện, đội chỉ được đưa cơm buổi tối. Cũng rất may là cả đội không ai bị bắt, có lúc bị phát hiện, tất cả đều dựa vào các lối mòn mà trốn thoát. Biết rằng, khi bị địch bắt, chắc chắn sẽ bị giết, nhưng cả đội không hề sợ. Điều đáng lo nhất là bộ đội không có cái ăn, đói không đủ sức đánh được giặc”, cụ Chủ kể.

“Nếu chiến thắng thì sẽ được bà con nấu cơm thật ngon, còn không chỉ được ăn lương khô thôi”. Câu nói đùa nhưng cũng là lời gửi gắm chân tình của Đội hậu cần và Nhân dân gửi đến các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tình cảm ấy đã tiếp thêm động lực để các chiến sĩ đánh giặc và làm nên những chiến thắng vang dội trong trận Phai Khắt, tiếp sau đó là trận Nà Ngần, mở ra một chương mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam.

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển chụp ảnh lưu niệm cùng cụ Bàn Thị Chủ
Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển chụp ảnh lưu niệm cùng cụ Bàn Thị Chủ

“Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết nấu và đưa cơm cho bộ đội, những người tuyên truyền để người dân giác ngộ cách mạng, trong đó có anh Văn. Mãi về sau tôi mới biết, anh Văn chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, cụ Chủ xúc động cho biết.

Năm 1994, khi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Di tích khu rừng Trần Hưng Đạo, cụ Chủ mừng lắm, mất ăn, mất ngủ ngóng gặp Đại tướng. Cụ cũng chuẩn bị cơm lam, mật ong rừng, hoa quả đến gặp Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết được liền nói: “Đây là hoa hậu của Đội hậu cần đấy, mời bà vào đi”.

Sau này, khi nghe tin Đại tướng mất, cụ buồn và khóc nhiều lắm. Lúc đó, lãnh đạo huyện Nguyên Bình có bố trí đi viếng Đại tướng. Do sức khỏe yếu cụ không đi được, cử con dâu đại diện gia đình xuống dâng hương. Nhớ về sự kiện đó, gương mặt cụ Chủ trầm buồn.

Thấy cụ tâm tư, tôi liền chuyển qua chủ đề khác: “Hoa hậu Đội hậu cần” chắc hẳn ngày trước cụ đẹp lắm? Nghe tôi hỏi, cụ chỉ cười. Anh Bàn Tuấn Khánh, cháu nội của cụ cho biết, những bức ảnh cụ chụp ngày xưa nhìn đẹp lắm! Đội hậu cần nay chỉ còn lại mình cụ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cụ ở lại quê hương lập gia đình, tập trung tăng gia sản xuất, tham gia hợp tác xã và là hậu phương vững chắc cho chiến trường…

“Thời gian gần đây, tôi được Nhà nước hết sức quan tâm thăm hỏi, động viên và đặc biệt còn được mời xuống viếng Lăng Bác Hồ. Anh Võ Hoàng Nam, con trai cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hay lên thăm tôi lắm, mỗi lần lên đều biếu rất nhiều quà. Vừa rồi, thấy tôi mắt kém, không nhìn được, anh đã đưa tôi xuống Hà Nội thăm khám. Chỉ mong sao mắt sớm bình phục để được vào thăm nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ”, cụ Chủ bày tỏ mong muốn.

Tin cùng chuyên mục
Ảo vọng xuất ngoại và sự thật trắng tay, ly tán của một gia đình ở Cư Jút

Ảo vọng xuất ngoại và sự thật trắng tay, ly tán của một gia đình ở Cư Jút

Không chỉ trắng tay, nhiều gia đình trên địa bàn vùng đồng bào DTTS ở một số tỉnh Tây nguyên, trong đó có các hộ ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông còn bị ly tán vì tin theo lời xúi giục, lừa phỉnh, bán hết đất đai, nhà cửa, đi theo ảo vọng việc nhẹ lương cao ở nước ngoài.