Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!

Thanh Hải - 14:35, 28/04/2024

Cứ mỗi lần đứng trước những kỷ vật, di vật gắn liền với người lính nơi trận mạc, lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc. Và tôi gọi đó là những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!

Du khách tham quan thành cổ Quảng Trị
Du khách tham quan thành cổ Quảng Trị

Bảo tàng Quân khu 4 (TP. Vinh, Nghệ An) dành vị trí trang trọng nhất, hơn 300m2, để bố trí không gian tưởng niệm và không gian trưng bày, giới thiệu hơn 2.000 di vật, kỷ vật gắn liền với các chiến sĩ, liệt sĩ.

Trên diện tích ấy có rẩ nhiều những kỷ vật gắn liền với cuộc sống đời thường của người lính nơi trận mạc. Từ cây bút máy, tập thư, trang nhật ký đong đầy yêu thương đến những bộ quân phục bạc thếch, rồi cả những chiếc bi đông đựng nước, đôi dép cao su mòn vẹt gót trên nẻo đường hành quân…

Kỷ vật còn đây nhưng các anh đâu rồi?

Những người đến tham quan tại Bảo tàng Quân khu 4 dường như đều có chung tâm trạng, nỗi niềm ấy. Một cựu binh chống nạng tập tễnh đến bên chiếc xe đạp thồ; mấy bà, mẹ rưng rưng bên chiếc ba lô sờn rách; có cả tốp thiếu niên còn khoác áo đoàn mải mê với những trang thư úa màu mực tím… Tôi dự cảm trong tâm khảm, trong đôi mắt của những con người ấy, hẳn là đang đong đầy hình bóng những chiến sĩ giải phóng quân năm xưa hùng dũng, hiên ngang giữa mưa bom, bão đạn.

Trong những năm qua, đã có hàng nghìn lá thư của gia đình các liệt sĩ gửi về Bảo tàng Quân khu 4 với mong muốn tìm kiếm, xác minh lý lịch của người thân đã hy sinh. Thế nhưng, vẫn còn hàng nghìn những câu hỏi chưa có câu trả lời.
Trong những năm qua, đã có hàng nghìn lá thư của gia đình các liệt sĩ gửi về Bảo tàng Quân khu 4 với mong muốn tìm kiếm, xác minh lý lịch của người thân đã hy sinh. Thế nhưng, vẫn còn hàng nghìn những câu hỏi chưa có câu trả lời.

Có ai biết, người cựu binh ấy như đã thấy bóng dáng của mình năm xưa trên chiến trường với nhiệm vụ tải đạn, tải lương cho chiến dịch. Có ai biết, những bà, mẹ ấy như tìm thấy hơi thở, giọng nói trong vang, ấm nóng của những đứa con mình từ biệt trước ngày ra trận. Có ai biết, tốp thiếu niên kia nghĩ gì. Hay là họ đang mường tượng đến quá khứ xa xăm, có những chàng trai cô gái đôi mươi gác bút nghiên ra trận, “mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Suốt dặm dài đất nước, không khó để kiếm tìm cho riêng mình những khoảnh khắc lắng lòng bên những kỷ vật, hiện vật chiến tranh của những người lính năm xưa. Cũng bởi một đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, với những tượng đài và nghĩa trang liệt sĩ ghi công, thì cũng dễ kiếm tìm những kỷ vật, hiện vật đó thôi.

Trong chuyến công tác vào vùng đất lửa Quảng Trị gần đây, chúng tôi đã có cơ may diện kiến những kỷ vật còn sót lại của những người lính trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.

Việc lưu giữ các di vật là một cách để tri ân những Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước
Việc lưu giữ các di vật là một cách để tri ân những Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước

Tầng 2 của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cũng dành hẳn một khu vực để trưng bày những bức di thư của những chiến sĩ tham chiến năm mươi hai năm trước. Thời gian đã khiến bức di thư hoen ố, những dòng chữ đang mờ dần… Đó là những dòng dự cảm được liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết vào ngày thứ 77 trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ - khi mà sự khốc liệt của đạn bom đã lên đến tột cùng. Đó là những dòng thư của một chiến sĩ, viết ngày 1/9/1972, hỏi thăm vợ và con ở Hà Nội, dặn dò mọi người đi lại cẩn thận vì Mỹ đang tăng cường chiến tranh phá hoại. Đó cũng là những dạt dào niềm tin yêu và nỗi nhớ vô bờ của vợ, con, cha, mẹ, của người thương gửi vào từ hậu phương cách trở qua những trang thư mỏng manh…

Trong số những trang viết nơi chiến trận, là những cuốn nhật kí được tìm thấy dưới chiến hào, trong ngực áo phập phồng nhiệt huyết của những người lính trẻ. Những bức di thư ấy, hay là cuốn nhật kí đã luôn song hành bên hành trang người lính; trở thành thứ tài sản vô giá được họ nâng niu, trân trọng giữa chiến hào Thành cổ.

Du khách quốc tế tham quan Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị (Ảnh tư liệu)
Du khách quốc tế tham quan Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị (Ảnh tư liệu)

Cách nay chưa lâu, chúng tôi có dịp vào thành phố mang tên Bác. Cũng đúng vào dịp tháng 4 lịch sử, ngang qua Dinh Độc Lập mà lòng bỗng rạo rực không thôi. Nhưng ấn tượng hơn vẫn là được hòa mình vào kí ức những năm tháng cả nước sục sôi đánh Mỹ, giành lại thống nhất non sông bên những kỷ vật, hiện vật lịch sử còn lưu giữ tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, nằm tại số 2 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1. Có lẽ đây là bảo tàng độc đáo nhất, như một điểm nhất giữa lòng thành phố hoa lệ, bởi một thiết kế rất Tây, đến từ kiến trúc sư người Pháp. Và hơn hết, còn là nơi lưu giữ những kỷ vật trước ngày đất nước vang khúc khải hoàn. Trong số 6.293 hiện vật và hơn 500 hình ảnh tư liệu, thì điều đặc biệt nhất nơi đây, vẫn là bức tranh xe tăng chở bộ đội ta tiến vào Dinh Độc Lập, đánh dấu sự thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước.

Những kỷ vật từ cuộc chiến ngót nửa thế kỷ dường như vẫn còn ấm nóng hơi thở của những người lính trận. Ta nghe như trong đó có lời ca xung trận hào hùng, có lời thúc giục bước hành quân thần tốc; còn có cả lời hát vang chiến thắng khi lá quốc kỳ tung bay trên nóc Dinh Độc Lập… Chiến thắng nghẹt thở, chiến thắng của lòng quả cảm, chiến thắng của sự kiên trì và khôn khéo, và hơn hết là chiến thắng của công lý, của những người yêu chuộng hòa bình.

Nằm trong đội hình chiến đấu, xe tăng 843 đã hành quân tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn sau khi vượt gần 1000km với phương châm “thần tốc quyết thắng”.
Nằm trong đội hình chiến đấu, xe tăng 843 đã hành quân tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn sau khi vượt gần 1000km với phương châm “thần tốc quyết thắng”.

Tháng Tư nắng đã trải dài. Những sắc màu cuộc sống hôm nay dường như tươi tắn hơn, sáng trong hơn. Ấy là màu hoa rực lửa của phượng vĩ, màu xanh thăm thẳm của cỏ cây, của đất trời, sông núi. Những sắc màu ấy, có màu máu của những chiến sĩ đã ngả xuống cho màu xanh hòa bình thêm đậm nét, sáng tươi. Sắc màu tươi mới ấy như đang vá víu lại vết thương của đất Mẹ, như làm dịu lại nỗi đau dĩ vãng, như là một biểu tượng của bình yên.

Tin cùng chuyên mục