Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Những lớp học du lịch cho nông dân miền núi

Giang Lam - 15:00, 22/08/2020

Từ cuối năm 2016, loại hình du lịch cộng đồng nghỉ tại nhà dân (Homestay) phát triển và để lại những dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách khi đặt chân đến huyện vùng cao Lâm Bình, Na Hang (Tuyên Quang). Tại đây, du khách được khám phá, trải nghiệm và được người dân địa phương phục vụ, tiếp đón chu đáo.

Đồng bào DTTS tham gia một lớp học về du lịch do huyện Na Hang tổ chức.
Đồng bào DTTS tham gia một lớp học về du lịch do huyện Na Hang tổ chức.

Để chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch, thời gian qua đã có nhiều lớp tập huấn, dạy nghề hướng dẫn viên du lịch thu hút nhiều học viên là người DTTS tham gia.

Chị Đặng Thị Xuyến (người dân tộc Dao) ở Nà Đồn, xã Thanh Tương, huyện Na Hang (Tuyên Quang) tham gia lớp học du lịch đã gần 1 tháng nay. Lớp học kéo dài trong 3 tháng, với 35 học viên là người DTTS tại hai xã Thanh Tương và Năng Khả. Các học viên được bồi dưỡng về kỹ năng chào đón khách, cách thức giới thiệu điểm du lịch của huyện, kỹ năng giao tiếp…

Chị Xuyến chia sẻ: “Ở địa phương có nhiều gia đình làm dịch vụ Homestay rất hiệu quả. Em tham gia khóa học để trang bị tốt kiến thức, để trở thành một hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu cảnh đẹp quê hương, bản sắc văn hóa người Dao”.

Những năm qua, huyện Lâm Bình, Na Hang là các địa phương tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch. Hằng năm, huyện thường xuyên phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Tân Trào mở lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, các lớp ngắn hạn về du lịch. Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình và Na Hang cũng chủ động mời giảng viên để giảng dạy tại các lớp tập huấn, dạy nghề.

Ông Đinh Hữu Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho biết, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ lao động ngành Du lịch, hằng năm, Trung tâm đã tích cực vận động các doanh nghiệp, người lao động tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Đồng thời, phối hợp với Trường Đại học Tân Trào, Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Dự án phát triển Mặt trời mọc của tổ chức phi chính phủ, mời giáo viên khu làng nghề ở Chương Mỹ (Hà Nội) tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp, làm các sản phẩm du lịch, chế biến món ăn, nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch… cho trên 300 học viên. Đối tượng đào tạo chủ yếu là người lao động hoạt động trong lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng, góp phần bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Gia đình anh Quan Văn Hà, chủ cơ sở Homestay Hà Cát, thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình cho biết, ban đầu mở dịch vụ Homestay khó khăn khi chưa có kinh nghiệm kiến thức trong các khâu giới thiệu quảng bá, đón tiếp khách, giao tiếp… Nhưng được tham gia lớp tập huấn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, anh nắm bắt được những kiến thức du lịch về đón tiếp khách, nấu ăn, tiếng Anh giao tiếp để phát triển du lịch. Nhờ đó giúp anh có kinh nghiệm, tự tin hơn trong phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng.

Thạc sĩ Bùi Mai Anh (TP. Tuyên Quang) từng công tác tại Trường Đại học Tân Trào. Sau khi nghỉ hưu, bà thường xuyên tham gia giảng dạy cho các lớp tập huấn du lịch. Bà chia sẻ: “Bản thân tôi tham gia nhiều lớp giảng dạy, tôi nhận thấy người dân hứng thú tiếp thu kỹ năng du lịch, vừa học lý thuyết, vừa được thực hành tại nhà, học viên tiến bộ rõ rệt”.

“Nông dân làm du lịch” là cụm từ không mới, tuy nhiên để mỗi người dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Những lớp học du lịch góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực, giúp hoạt động du lịch ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn, thu hút du khách nhiều lần trở lại với miền núi xứ Tuyên.

Tin cùng chuyên mục
Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tỷ lệ lao động (LĐ) chưa qua đào tạo còn cao, là rào cản lớn trong việc cải thiện việc làm, thu nhập ở khu vực nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh thị trường LĐ ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, bên cạnh mở rộng quy mô để tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo thì cũng cần tăng đào tạo kỷ năng mềm, trọng tâm là kỹ năng khởi sự kinh doanh.