Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những lớp học trong chùa

PV - 11:20, 06/08/2019

Vào mỗi dịp nghỉ hè, các em học sinh dân tộc Khmer vùng Thất Sơn (Bảy Núi) lại háo hức đến các chùa Nam tông Khmer trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn (tỉnh An Giang), để học tiếng mẹ đẻ, tham gia các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình.

Một lớp học tiếng Khmer tại chùa Chi Ka Êng Krom (huyện Tri Tôn). Một lớp học tiếng Khmer tại chùa Chi Ka Êng Krom (huyện Tri Tôn).

Xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn có 2.372 hộ đồng bào Khmer sinh sống, chiếm trên 65% dân số của xã, nên nhu cầu học tiếng Khmer rất đông. Thời gian này, có dịp đến thăm chùa Chi Ka Êng Krom, ấp Tà On, chỉ cần đến cổng chùa đã nghe những âm ngữ có vần, có điệu của các trò vang lên rộn ràng trong chùa.

Điều phấn khởi là ngoài việc đến chùa học chữ Khmer vào mỗi dịp nghỉ hè, các em còn được tu học tại chùa. Chính vì thế, những tháng hè của các em vùng Thất Sơn được các em và gia đình ví như được sống trong kỳ du lịch, nghỉ dưỡng, bởi các em đến đây được học, được chơi và được ăn uống đầy đủ, không phải ra đồng hay phụ giúp việc gia đình.

Là người trực tiếp đứng lớp, sư Chau Đô Rone cho biết: “Các lớp được phân theo trình độ, từ lớp 1, 2, 3 và để các em lớn, nhỏ có thể chỉ dạy lẫn nhau. Đôi lúc, sư còn soạn bài giảng thành các bản nhạc có vần điệu cho các em dễ nhớ, dễ hiểu. Theo học tại chùa, các em sẽ học về ngôn ngữ, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc. Dịp hè này có khoảng 50 em theo học các lớp khác nhau”.

Đến chùa học, các em sẽ được cung cấp tập, sách, các dụng cụ học tập, do phật tử trong các phum, sóc ủng hộ chùa để dạy chữ cho con em họ. Giáo viên đứng lớp giảng dạy là các sư, sãi tu tập nhiều năm trong chùa và được tập huấn qua các lớp nghiệp vụ sư phạm nên thuận lợi trong việc giảng dạy.

“Để giúp các em có động lực học tập, vào cuối khóa học, chùa còn xếp loại, có phần thưởng, như: tập, xe đạp... cho các em có thành tích học tốt, giúp các em có động lực vươn lên trong học tập”, sư Chau Đô Rone cho hay.

Tuy thời gian học chỉ khoảng 2 tháng, nhưng bằng sự tâm huyết, kiên trì nên chất lượng dạy và học chữ Khmer không ngừng được nâng cao. Em Chau Bô Vanh Na (13 tuổi), hè này đã là năm thứ 2 em theo học chữ Khmer tại chùa. Vanh Na kể: “Em vào chùa học chữ, các sư dạy rất tận tình. Sư bảo chúng em đến trường học, phải giúp đỡ các bạn khác đọc và viết những chữ khó. Hè năm trước, em còn được các sư khen, tặng tập vở vào năm học mới”.

Còn em Néang Nhây (14 tuổi) ngay sau khi kết thúc chương trình học trong trường, đã được cha mẹ cho đến chùa học chữ Khmer. “Hè này em vào học lớp 2, mẹ đưa em ra chùa học, đến chiều lại rước về. Mẹ em nói, dù mưa nắng khó khăn, mẹ vẫn đưa em đi học để bảo tồn tiếng nói của dân tộc mình”, Néang Nhây bộc bạch.

Tại chùa Xvayton vào hè 2109 này cũng đang có khoảng 100 học sinh đến chùa học chữ Khmer. “Chùa dạy các lớp 1, 2, 3 và dựa vào trình độ để phân lớp, kết thúc lớp học có giấy chứng nhận. Đây là việc làm hằng năm, nên cứ khoảng thời gian này, chùa chỉ cần thông báo thời gian nhập học, phụ huynh sẽ chủ động đưa con em đến và ủng hộ tập, sách cho các em học giỏi vào cuối khóa”, sãi cả Chau Sóc Pholly cho hay.

Còn tại Chùa Kal Bopruk (huyện Thoại Sơn), hơn 15 năm qua, sư sãi nhà chùa đã mở nhiều lớp chữ Khmer cho đồng bào và cả cán bộ là dân tộc Kinh đến học. Trung bình, chùa có khoảng 100 học viên, riêng vào dịp nghỉ hè thì tăng lên gấp đôi. Hòa thượng Chau Chanh trụ trì chùa cho biết: “Việc dạy và học tiếng Khmer tại chùa được bắt đầu từ năm 2007, lúc đầu cho các nam sinh tu học tại chùa và dần dần nhiều phật tử đến học. Dịp hè 2019 này, chùa đang dạy 7 lớp học, gồm 5 lớp tiếng Khmer từ lớp 1 đến lớp 4, và 2 lớp Sơ cấp Paly cho 160 học viên, trong đó có cả cán bộ người Kinh theo học”.

Qua tìm hiểu, được biết, việc dạy và học chữ Khmer được các chùa Khmer thực hiện từ rất lâu, nguồn kinh phí mở lớp chủ yếu do đóng góp của phật tử. Điều ghi nhận là, qua các lớp học, các em được bồi đắp thêm tình yêu đối với tiếng nói, chữ viết Khmer để chung tay góp phần gìn giữ, phát huy vốn văn hóa của dân tộc.

Đặc biệt, ngoài các em dân tộc Khmer, còn có đông đảo con em người Kinh cũng theo học các lớp học tiếng Khmer. Đây là nét đẹp, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Trong các bài giảng, các sư còn lồng ghép những bài học về đạo đức, sống theo kinh Phật, dạy các em cư xử đúng mực, lễ phép, biết vâng lời cha mẹ, hướng các em tới những điều chân-thiện-mỹ, để trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội…

N.TÂM

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.