Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

Những mái ấm đặc biệt cho trẻ em DTTS

PV - 11:23, 30/05/2018

Trẻ em DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa vốn đã phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Trong đó, các em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, bệnh tật thì sự thiệt thòi đó càng nhân lên gấp bội. Song, thật may mắn khi cuộc sống luôn tồn tại điều tốt đẹp.

Đó là những con người bình dị với tấm lòng nhân ái luôn sẵn sàng chở che cho những đứa trẻ bất hạnh. Họ đã  đưa chúng hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội...

Bài 1: Người mẹ Cơ-ho 40 năm nuôi trẻ mồ côi

Hơn 40 năm bà K’Hiếu, ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nhận 9 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi về chăm sóc. Trải qua bao nhiêu khó khăn, cực khổ, đến nay các con đều đã trưởng thành, lập gia đình có cuộc sống riêng. Việc làm của người mẹ nghèo dân tộc Cơ-ho khiến cộng đồng cảm phục, quý trọng.

Từ đứa trẻ mồ côi

Chạy xe trên quốc lộ 27 qua những con đèo ngoằn nghèo dưới tán rừng, chúng tôi đến thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà vào giữa trưa khi mặt trời đứng bóng. Nắng nóng Tây Nguyên cuối mùa khô bỏng rát hơn, trời hầm hập không một cơn gió. Đang lom khom xạc cỏ, cào bồn cho vườn cà phê, mồ hôi nhễ nhại ướt đầm lưng áo, bà K’Hiếu ở tổ dân phố Xoan buông tay cuốc lau vội giọt mồ hôi dẫn chúng tôi vào căn nhà gỗ đơn sơ.

Bà K’Hiếu hằng ngày phải lao động vất vả để nuôi các con. Bà K’Hiếu hằng ngày phải lao động vất vả để nuôi các con.

Câu chuyện về bà Hiếu như cổ tích giữa đời thường. “Mới 7 tuổi tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, một mình sống bơ vơ, lay lắt ai cho gì thì ăn đó, nay ở nhà này mai đến nhà khác chăn trâu, bò, trông trẻ cho người ta. Khát khao con chữ nhưng một đứa trẻ mồ côi, ăn đậu ở nhờ không có điều kiện đến trường, thấy cha và các sơ ở nhà thờ mở lớp học tôi đến xin vào học, nhờ vậy mà biết ít cái chữ” Bà K’Hiếu bộc bạch.

Trải qua cả tuổi thơ thiếu thốn mọi thứ về vật chất lẫn tình thương, vì thế K’Hiếu có sự đồng cảm sâu sắc với những đứa trẻ cùng cảnh ngộ. Chẳng thế mà từ thủa còn là thiếu nữ tuổi 17, K’Hiếu đã nhận 3 trẻ mồ côi về nuôi. Cuộc sống khó khăn, làm nương rẫy kiếm sống K’Hiếu luôn cố gắng để các con không bị đói dù chỉ một ngày. “Hồi đó mình còn trẻ, chẳng nghĩ được gì cho tương lai, nhưng nhìn tụi nhỏ thấy thương vì hoàn cảnh của chúng cũng giống mình nên làm liều nhận về nuôi”, bà K’Hiếu cho biết.

Lấy người chồng đầu mới sống với nhau mới được vài tháng, chồng mất vì tai nạn, đứa con đang mang trong bụng cũng ra đi. Rồi bà gặp ông K’Déo hai người cùng chung chí chướng, bao dung, nhân ái nên cùng nhau đồng cam cộng khổ. Từ đó, cứ đứa trẻ nào mồ côi, bị bỏ rơi bà lại mang về chăm sóc. Đối với bà, ông K’Déo vừa là chỗ dựa tinh thần vừa là trụ cột kinh tế chính trong nhà. Bà K’Hiếu nhớ lần đang đi dự một lớp tập huấn ở bệnh viện huyện Lâm Hà, thấy mọi người nhốn nháo vì có một đứa trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ lại. “Nhìn đứa trẻ tôi thầm nghĩ mình sẽ là người che chở cho nó dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, chẳng biết tương lai sẽ ra sao. Khổ nhưng sẽ phải cố gắng, không làm thì ai lo cho chúng, các con đến với mình là niềm vui, hạnh phúc lắm rồi”, bà K’Hiếu chia sẻ.

Nhận trẻ về nuôi, vợ chồng bà tất bật hơn, ngoài ngày lên nương làm rẫy ai thuê gì làm cũng làm để có tiền lo cho đàn con. Nay ở tuổi ngoài 60 bà chỉ sợ mình không còn đủ sức khỏe để lo cho con út mắc bệnh động kinh là K’Niệm. Bà kể lại: K’Niệm tội nghiệp lắm, sinh thiếu tháng, còi cọc, bệnh tật bị mẹ bỏ rơi. Khi bác sĩ Trung tâm y tế huyện Lâm Hà gọi tôi đến nhận trẻ, thương cháu tôi tức tốc đến viện mang về chăm sóc. Hơn một năm sau, Niệm có những biểu hiện bất thường, tôi đưa con xuống Bệnh viện Nhi đồng 1 khám mới biết cháu bị bệnh động kinh toàn thân.

Bà K’Hiếu và con trai út K’Niệm bị bệnh. Bà K’Hiếu và con trai út K’Niệm bị bệnh.

Hơn 10 năm K’Niệm bị bệnh, người mẹ Cơ-ho đã đưa con đến rất nhiều bệnh viện, thầy thuốc để chữa, nhưng không giảm. Mấy năm nay, kinh tế gia đình khó khăn hơn, ngoài số tiền trợ cấp ít ỏi vài trăm nghìn của địa phương, bà làm rẫy, làm thuê kiếm sống không thể tiếp tục đưa con đi chữa bệnh được. Hàng ngày bà phải nhốt con trong phòng để đi làm, đến bữa vội vã chạy về cho con ăn, rồi tắm rửa vệ sinh.

Đến người mẹ giỏi việc nước đảm việc nhà

Tính đến nay, bà K’Hiếu đã nhận nuôi 9 người con. Tất cả đều là trẻ mồ côi, đứa bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, đứa thì suýt bị chôn sống theo mẹ vì hủ tục, đứa thì cha bỏ sau khi mẹ chết. Bà đã lo cho các con yên bề gia thất, dựng được nhà ở và thường xuyên đến giúp đỡ mẹ chăm sóc người em út bị bệnh.

Không chỉ đảm việc nhà, bà K’Hiếu còn giỏi việc nước. Năm 2005, bà K’Hiếu vinh dự được kết nạp Đảng, đến năm 2009, bà được bầu làm Bí thư chi bộ thôn Xoan. Bên trong ngôi nhà gỗ nhỏ, bà dành một góc để treo rất nhiều những tấm giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh và của cả Trung ương. Trong đó, có tấm bằng khen Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010. Song đối với bà, nuôi các con đã lớn khôn, thành gia lập thất, trở thành người công dân có ích cho xã hội là niềm hạnh phúc, phần thưởng lớn nhất cuộc đời không gì sánh được. Trong số các con, bà K’Hiếu tự hào nhất là chàng thanh niên K’Lưu đã học hết cấp 3, lấy vợ và có nghề nghiệp ổn định.

Bà K’Huyền, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố Xoan chia sẻ: Thôn Xoan chủ yếu là người dân tộc Cơ-ho, chế độ mẫu hệ, con gái đến tuổi cập kê “bắt chồng” và tục “thách cưới” đã đè nặng trên vai nhiều gia đình khoản nợ truyền kiếp. Trước đây, bà con thôn Xoan còn nghèo, nhận thức còn lạc hậu, cái chữ chưa được coi trọng. Bà K’Hiếu cũng là người tiên phong trong việc xóa mù chữ và loại bỏ hủ tục này, cùng với cán bộ thôn, xã đi vận động từng nhà tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi và gia đình bà luôn luôn làm gương trước. Trong Chi hội phụ nữ của tổ dân phố, bà K’Hiếu cũng là người rất nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ, chỉ dạy cho mọi người cách làm ăn, chuyển đổi cây trồng hiệu quả khi được đi dự các hội thảo, chương trình do huyện tổ chức.

Ông K’Tỷ, Tổ trưởng tổ dân phố Xoan nhận xét: Ngoài tấm lòng lương thiện, nhân ái, bà K’Hiếu rất thân thiện với mọi người, ai cần bà giúp đỡ bà đều rất nhiệt tình. Từ ngày có lời động viên của K’Hiếu, bà con trong thôn đã vận động con em đi học. Biết cái chữ mình mới tìm hiểu được nhiều cái hay, cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện tại của bà khó khăn nên chúng tôi thường xuyên giúp đỡ để bà ổn định cuộc sống, nuôi dạy đứa con tật nguyền còn lại.

Trước đây, bà con thôn Xoan còn nghèo, nhận thức còn lạc hậu, cái chữ chưa được coi trọng. Bà K’Hiếu cũng là người tiên phong trong việc xóa mù chữ và loại bỏ hủ tục này, cùng với cán bộ thôn, xã đi vận động từng nhà tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi và gia đình bà luôn luôn làm gương trước”.

Bà K’Huyền, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố Xoan

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

“Mệ chỉ mong khỏe mạnh để tiếp tục se hương bán cho khách, nối tiếp nghề cha ông; ngày ngày gặp gỡ nói chuyện với bọn trẻ, cuối tháng dư ra năm mười triệu đem vô viện tặng mấy cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo!”... Đó là tâm sự của mệ Tuyết, một người phụ nữ khắc khổ, nhưng giàu lòng nhân ái mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trên hành trình tìm kiếm những sự tử tế trong cuộc sống bon chen.