Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Những người lật đá tìm đất sống

PV - 21:51, 30/01/2018

Thôn 3 của xã vùng 3 Phú Long (huyện Nho Quan, Ninh Bình) có 430 hộ, phần lớn không phải dân gốc. Từ nhiều năm nay, vì thiếu đất canh tác nên nhiều hộ trong thôn phải làm nhiều nghề để sinh sống, nhưng chẳng nghề nào đem lại thu nhập đáng kể.

Nghề “mót” đất!

Ngày xưa, có lẽ vào cái thời hợp tác xã đang thịnh, mới có cái việc, vào mùa gặt, xã viên gặt đến đâu thì theo sau là một số người đi nhặt những bông lúa còn sót lại, còn gọi là “mót” lúa. Bây giờ chẳng thấy còn ai mót lúa nữa chứ đừng nói là “mót” đất.

Người dân sản xuất trên đất “mót” được trên bãi đá chăn thả gia súc của Nông trường Đồng Giao (Ảnh chụp ngày 18/3/2017). Người dân sản xuất trên đất “mót” được trên bãi đá chăn thả gia súc của Nông trường Đồng Giao (Ảnh chụp ngày 18/3/2017).

 

Nhưng ở thôn 3 của xã vùng 3 Phú Long lại đang tồn tại cái nghề này. Từ nhiều năm nay, nó tồn tại hiển nhiên và là nguồn thu quan trọng cho nhiều gia đình nghèo. Đa phần họ là dân “ngụ cư”, nhưng đã ở thôn 3 hàng chục năm nay. Họ đến từ những huyện gần, huyện xa trong tỉnh. Rồi cả những người trong Hà Tĩnh, Quảng Bình,… cũng có.

“Ngụ cư” nên họ không có đất canh tác. Dù Phú Long là một trong 4 xã có diện tích lớn nhất của tỉnh Ninh Bình nhưng đất canh tác của xã một phần thuộc sự quản lý của Nông trường Đồng Giao (toàn đất bazan màu mỡ), một phần thì nằm trong quy hoạch xây dựng Công viên bảo tồn động vật hoang dã Quốc gia, phần ít còn lại đã giao cho các hộ dân có hộ khẩu địa phương.

Không có đất nên họ phải đi “mót” những khoảnh đất thừa của nông trường để trồng ngô, trồng sắn. Nơi họ “mót” đất là bãi chăn thả gia súc của nông trường, nay bỏ hoang. Bãi chăn thả nằm sát chân núi, đá nhiều hơn đất.

Trong những người phải đi “mót” đất, có lẽ cực nhất là gia đình anh Trương Văn Thành, sinh năm 1972, quê gốc huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đã qua gần chục mùa ngô, vợ chồng anh Thành sống tạm nhờ thu nhập từ 2.000m2 đất mà anh “mót” được trên bãi đá của nông trường. Cũng chừng ấy năm, gia đình Thành vẫn chưa thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Thành bảo, lúc đầu khai hoang được chừng đấy đất khổ lắm, toàn đá hộc to tướng. Giờ thì số lượng đất gần ngang bằng số lượng đá rồi, cũng được chừng dăm sào Bắc bộ để trồng ngô, trồng sắn.

“Một năm trồng 1 vụ ngô, 2 vụ sắn. Chưa trừ chi phí thì thu về được tất cả khoảng 9 triệu đồng, trừ hết thì cũng chỉ còn 6 triệu đồng thôi”, anh Thành nhẩm tính.

Nhưng cực cho Thành và gia đình là anh bị liệt hai chân. Bố anh bị phơi nhiễm chất độc da cam khi tham gia thanh niên xung phong ở chiến trường Quảng Trị. Thành sinh ra với đôi chân teo liệt, phải dùng 2 tay thay chân để di chuyển.

“Trồng ngô, trồng sắn thì còn có thể bò trên đất, trên đá. Còn kiếm việc khác thì rất khó. Cũng mấy lần xin đi trồng dứa cho nông trường nhưng chẳng ai nhận. Bình thường, nếu vợ không ai thuê việc gì để kiếm vài chục nghìn một ngày thì cả nhà treo niêu”, anh Thành nói.

Muốn thoát nghèo nhưng khó vay vốn

Lo ăn chẳng đủ nên vợ chồng Thành chẳng thể lo nổi chỗ ở. Vợ chồng anh cùng hai đứa con nhỏ chui đụt trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ mà bố mẹ cho thừa kế. Tài sản đáng giá nhất của gia đình là con Đực, chú trâu gắn bó với Thành từ năm 2005 đến nay.

Bị liệt 2 chân nhưng anh Thành vẫn phải đi “mót” đất để trồng ngô, trồng sắn. Bị liệt 2 chân nhưng anh Thành vẫn phải đi “mót” đất để trồng ngô, trồng sắn.

 

Cũng nhờ con Đực mà chàng thanh niên tàn tật có thêm cái nghề chở xe trâu thuê. Nhưng nghề xe trâu cũng chẳng giúp gì nhiều cho gia đình anh. Mỗi chuyến hàng, anh cũng chỉ kiếm thêm được khoảng 70 nghìn đồng. Thế nên thu nhập của vợ chồng Thành chỉ vài triệu một tháng, luôn trong cảnh giật gấu, vá vai.

Nhắc đến cảnh nghèo, anh Thành ức lắm. Anh bảo, nhiều năm rồi gia đình đều nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Được thụ hưởng một số chính sách của Nhà nước đấy, nhưng mình cứ nghèo mãi thì cũng cảm thấy chẳng sung sướng gì.

“Muốn thoát nghèo lắm nhưng thân mình thì tàn tật, sức khỏe của vợ lại yếu. Bố mẹ cũng già cả rồi. Vốn liếng lại không có nên đành cắn răng chịu”, Thành ngậm ngùi nói.

Khát khao thoát nghèo nên đã nhiều lần anh Thành muốn làm hồ sơ vay vốn ngân hàng theo diện hộ nghèo. Oái ăm, khi chỉ mới hỏi dò Trưởng thôn cũng như cán bộ tín dụng, ý tưởng của anh bị dội ngay gáo nước lạnh.

“Họ bảo, nhà mình chẳng có tài sản gì để làm đảm bảo nên không vay được. Làm hồ sơ chỉ mất công thôi”, anh Thành ấm ức.

Đúng là nhà anh chẳng có gì. Cũng như nhiều hộ nghèo khác “ngụ cư” ở thôn 3, không đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định nên dù hộ nghèo, ngân hàng cũng chẳng dám cho vay.

Vậy chẳng lẽ, họ vẫn nghèo mãi như vậy hay sao?

SỸ HÀO