Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Những người phụ nữ vượt rào định kiến, vươn lên thoát nghèo ở Yên Sơn

Việt Hà - 06:16, 04/12/2023

Hiện nay, vấn đề định kiến giới ở nhiều vùng dân tộc thiểu số vẫn khá nặng nề. Thế nhưng, nhiều người phụ nữ ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã vượt qua định kiến, vươn lên thoát nghèo và hướng dẫn người dân cùng làm giàu.

Bí thư chi bộ Giàng thị Chia vận động người dân xóa đói giảm nghèo
Bí thư chi bộ Giàng thị Chia vận động người dân xóa đói giảm nghèo

Khi phụ nữ khởi nghiệp

Bao đời nay, người dân Làng Chạp, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vẫn giữ quan niệm, làm ăn kinh tế, đứng mũi chịu sào là người đàn ông trong nhà. Thế nhưng có một người phụ nữ dân tộc Tày đã vượt mọi định kiến, vươn lên làm giàu.

Đó là Chị Ma Thị Nhường, một người phụ nữ thuộc thế hệ 8X. Chị Nhường chia sẻ, cách đây hơn 5 năm về trước khi chị vẫn còn là một phụ nữ trẻ tuổi đầy nhiệt huyết. Nhận thấy cách làm cũ người dân chỉ trồng lúa trồng ngô rất khó thoát nghèo. Chị mong muốn chuyển đổi sản xuất cây trồng.

Thế nhưng ở vùng sâu vùng xa nơi đây, lối nghĩ cách làm tự cung tự cấp dường như ăn sâu bám rễ vào cộng đồng. Do đó, chị Nhường chấp nhận rủi ro, tiên phong đi trước. Chính chị Nhường đã tiên phong trồng 2 sào dưa chuột…

Ban đầu gia đình chị cũng gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được đầu ra cũng như thiếu kinh nghiệm trồng chăm sóc. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì, nỗ lực học hỏi, nên hiện những ruộng dưa chuột, rau hữu cơ của gia đình đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ làm giàu cho mình, người phụ nữ dân tộc Tày sẵn sàng chia sẻ, lan tỏa tinh thần cho cộng đồng người dân nơi đây. Từ kết quả của chính mình, chị đã vận động người dân chuyển đổi sản xuất sang trồng dưa chuột và các loại nông sản như rau bò khai, rau dớn, trồng tre lấy măng…

Để giúp bà con tìm đầu ra và có được quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín, đầu năm 2022 Chi Ma Thị Nhường còn đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Trường Giang.

Hợp tác xã chuyên trồng, cung cấp các loại nông sản như dưa chuột, bí đỏ, đậu tương, rau bò khai, dớn, rau ngót rừng... Nông sản được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã hiện có 40 thành viên, thực hiện liên kết với 2 hợp tác xã khác để bao tiêu sản phẩm.

Chia sẻ về vị nữ giám đốc hợp tác xã, anh Đặng Hữu Minh, thành viên hợp tác xã cho biết, hiện nay gia đình anh trồng các loại rau rừng với trên 1 ha. Ngoài ra, theo hướng dẫn của chị Nhường, gia đình anh đã chuyển một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng tre lấy măng.

“Một người lo bằng kho người làm”, nhờ Hợp tác xã đứng ra bao tiêu, quảng bá sản phẩm mà người nông dân Làng Chạp đã không phải lo lắng tìm đầu ra cho nông sản. Ông Đặng Hữu Minh chia sẻ: “Các loại rau gia đình tôi trồng đã được Hợp tác xã thu mua với giá hợp lý. Người dân chúng tôi giờ đây chuyên tâm trồng rau sạch để phát triển kinh tế”.

Mô hình khởi nghiệp trồng dưa của chị Ma Thị Nhường
Mô hình khởi nghiệp trồng dưa của chị Ma Thị Nhường

Đôi chân không mỏi

Không riêng chị Nhường, nhiều người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Yên Sơn, Tuyên Quang đã vượt qua định kiến. Người dân bản Ngòi Khù, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang từ lâu quen với hình ảnh vị Bí thư chi bộ ngoài 70 tuổi nhưng đôi chân thoăn thoát đi từ quả đồi này sang quả đồi khác vận động người dân từ bỏ tà đạo, làm ăn kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Điều đáng nói người Bí thư chi bộ ấy là một người phụ nữ, đó là bà Giàng Thị Chía, dân tộc Mông.

Sinh ra ở bản làng nhiều định kiến giới, song bà Giàng Thị Chía làm hội trưởng hội phụ nữ 13 năm rồi Bí thư chi bộ, trưởng bản. Bà còn được người dân bầu là người có uy tín trong cộng đồng nhiều năm nay.

Lãnh đạo UBND xã Đạo Viện cho biết, bản Ngòi Khù là bản xa xôi hẻo lánh nhất, nằm cách xa trung tâm xã hơn chục kilômét, bản gồm 24 hộ, 108 khẩu hoàn toàn là dân tộc Mông. Trước đây, đời sống người dân Ngòi Khù quanh năm chìm trong đói nghèo, thậm chí có thời điểm người còn lạc lối theo tà đạo khiến cuộc sống càng thêm tăm tối. Có thời điểm cả bản chỉ còn 2 gia đình trong đó có gia đình bà Giàng Thị Chía là không theo tà đạo. Khi ấy gia đình bà bị cô lập, bị xa lánh nhưng bà Chía không nản lòng.

Sau nhiều đêm suy nghĩ tìm cách vận động bà con hiểu rõ âm mưu thâm độc của kẻ xấu, lôi kéo quần chúng trở về với thực tại, bà đã tìm được hướng đi cho chính mình. Là người Mông nên bà rất hiểu phong tục tập quán và suy nghĩ của bà con, chỉ bằng tình cảm và lòng tin mới vận động được quần chúng.

Với số tiền phụ cấp ít ỏi, bà Chía đã cố gắng dành dụm tiền mua kẹo chia cho các cháu nhỏ, mua gói mỳ chính, gói thuốc lào, cân đường, hộp sữa cho người già trong bản. Bằng tình cảm chân thành, bằng tình làng nghĩa xóm, bà Chía đã dần dần làm cho bà con quý mến, tin tưởng. Các hộ gia đình trước kia xa lánh bà, giờ đã hiểu và gần gũi bà hơn.

Khi người dân đã không còn tin theo tà đạo, bà Chía đã cùng người dân chung tay vươn lên thoát nghèo. Bà đã tham mưu, đề xuất với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Sơn tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo, mỗi gia đình được vay 15 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Nói được, làm được, bà trở thành một tấm gương để bà con trong bản noi theo. Không những vậy, bà còn cho nhiều gia đình người Mông trong bản vay tiền, vay thóc gạo trong những lúc khó khăn, giáp hạt.

Bà Giàng Thị Chía đã 35 lần được Giám đốc Công an tỉnh, UBND huyện Yên Sơn, UBND xã Đạo Viện tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác vận động quần chúng, đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm, xóa đói giảm nghèo.

Hội LHPN Yên Sơn đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm giúp chị em phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, khai thác nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện, cho gần 6.000 hội viên vay vốn, tổng dư nợ trên 263 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ phụ nữ trên 2,6 tỷ đồng cho trên 260 hội viên vay; huy động tiết kiệm được gần 350 triệu đồng giúp nhau phát triển kinh tế.

Ngoài ra, Hội LHPN các cấp đã tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tập hợp hội viên liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; cung cấp cây con giống cho hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường giám sát để có kết quả điều tra chính xác nhất

Tăng cường giám sát để có kết quả điều tra chính xác nhất

Là một trong những huyện có địa bàn rộng nhất tỉnh Lào Cai với 21 xã thị trấn; tuy nhiên, huyện Bát Xát là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành việc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Để có kết quả chính xác nhất, ngành Dân tộc địa phương đã tăng cường giám sát đối với các tổ điều tra trong quá trình triển khai thu thập thông tin.