Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những “nhà giáo” không lương

PV - 10:06, 21/11/2018

Nằm giữa thành phố Nha Trang sầm uất, ít ai biết được rằng, có một nơi trước đây từng bị bóng tối của đói nghèo, ma túy bủa vây, đó là khu phố Trường Phúc, phường Vĩnh Phước. Suốt 15 năm qua, bằng tâm huyết của mình, các nhà giáo quân hàm xanh Đồn Biên phòng Cầu Bóng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã kiên trì gieo con chữ để thế hệ tương lai có một cuộc sống sung túc hơn, tử tế hơn.

Bài 2: Nhà giáo quân hàm xanh  kiên trì gieo con chữ

Thắp sáng vùng tối

Nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang không xa, nhưng Trường Phúc là thế giới rất khác. Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh điện nhập nhòa, những mái nhà lụp xụp nằm tĩnh lặng, buồn hiu hắt, đối lập hoàn toàn với phố xá ngoài kia. Các chiến sĩ

Đồn Biên phòng Cầu Bóng kể lại, khoảng 15 năm về trước, khu vực này rất hẻo lánh nên các đối tượng nghiện ma túy thường dạt về đây để hút chích. Nhiều trẻ em nghèo cũng bị lôi cuốn vào con đường nghiện ngập.

Thiếu úy Lê Hồng Việt giảng bài cho em nhỏ lớp tình thương. Thiếu úy Lê Hồng Việt giảng bài cho em nhỏ lớp tình thương.

Để giúp các trẻ em nghèo tránh xa tệ nạn, các chiến sĩ Biên phòng đã mượn nhà văn hóa nơi đây làm lớp dạy học, vận động các em đến lớp. Lớp học ban đầu chỉ vài người, nay thường xuyên có trên 30 học sinh theo học.

Và từ đó đến nay, cứ khoảng 7 giờ tối, từ các ngả đường bê tông men sườn núi Sạn, những đứa trẻ nhà nghèo đã dắt nhau về đây tìm con chữ. Phòng học duy trì được 33 đứa trẻ nhưng được chia thành năm khối lớp. Tấm bảng to phía trước được thầy giáo vạch làm 5 ô cho 5 nhóm lớp. “Hôm nay, nhóm lớp 5 làm bài tập toán; nhóm lớp 4, lớp 3 ôn cho thầy bài học tự nhiên xã hội; lớp 2 học Giáo dục công dân. Còn lại các con lớp 1 nghe thầy đọc bài để viết chính tả”, Thiếu úy Lê Hồng Việt đứng lớp dặn dò các em. Sau lời dặn của thầy, các em học sinh răm rắp làm theo, những mái đầu lô nhô cao, thấp, liên tục ngẩng lên, cúi xuống, cặm cụi đọc, viết.

Thiếu úy Lê Hồng Việt tâm sự: “Từ trước đến nay, nơi đây nổi tiếng là tâm điểm tệ nạn ma túy của TP. Nha Trang. Để triệt phá tệ nạn, đơn vị liên tục tuần tra, phối hợp với Công an nỗ lực truy quét ráo riết song vẫn đâu vào đấy. Cái chính bây giờ là phải giáo dục người dân. Điều mà chúng tôi luôn trăn trở là số phận các em nhỏ. Lớp học của chúng tôi đã thu hút được rất đông các cháu về đây tránh được tệ nạn, các em học tập để có tương lai đẹp hơn, đó là niềm vui lớn”,

Còn theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng, cũng là thầy giáo đứng lớp cho hay, khu phố Trường Phúc có đến 80% người dân không có việc làm ổn định. Cuộc sống khó nghèo luẩn quẩn, khiến nhiều người mất cả phương hướng. Khi thì lăn xả làm bất cứ công việc gì, kể cả phạm tội để kiếm cơm. Lúc lại lao vào tệ nạn cờ bạc, chơi bời nhậu nhẹt. Những đứa trẻ ra đời, lớn lên không chỉ thiếu thốn vật chất mà còn thiếu sự quan tâm, chăm sóc của những người làm cha mẹ. Lớp học chỉ mong là nơi quay về của những đứa trẻ bất hạnh. Mong rằng, những con chữ do chúng tôi dạy sẽ góp thêm ánh sáng soi đường cho các em nơi vùng đất này.

Chắp cánh những ước mơ!

Bao năm nay, từ lớp học tình thương này đã chắp cánh cho nhiều em nhỏ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Cách Nhà văn hóa Trường Phúc không xa, căn nhà của vợ chồng em Nguyễn Thị Tươi, tuy nhỏ nhưng khá đầm ấm.

Bộ đội Biên phòng tặng quà, giấy khen cho thành viên lớp học tình thương. Bộ đội Biên phòng tặng quà, giấy khen cho thành viên lớp học tình thương.

Khi chúng tôi khơi lại chuyện cũ, Tươi xúc động kể, hồi đó, nhà nghèo, ba bỏ đi theo người phụ nữ khác. Phần mẹ, ai thuê mướn gì, làm nấy, chỉ mong có được bữa cháo, bữa rau. Bốn chị em Tươi lớn lên không hề biết đọc, biết viết. Các chú bộ đội và cán bộ khu phố đến nhà năm lần, bảy lượt gọi đi học nhưng em không chịu đi. Sau biết các bạn đến lớp mỗi tháng đều được nhận tiền, được tặng quà với gạo, mì gói, đường, sữa. Thấy ham nên em đã tự dắt 3 đứa em nhỏ cùng vào lớp.

“Khi mới lớn, chúng em chưa được ai dạy dỗ để biết điều gì là đúng, là sai, cũng không biết sợ đụng tới ma túy là phạm pháp. Khi vào lớp học, chúng em được thầy quan tâm, dạy dỗ, căn dặn đủ điều. Hễ thấy vắng ở lớp là thầy đến nhà hỏi han, nghe bạn nào đau bệnh là thầy đến chăm sóc, cho uống thuốc”, Tươi chia sẻ thêm.

Tiếp lời của con gái, chị Hồ Thị Lan, mẹ của Tươi tâm sự, giờ đây, hơn ai hết, chị biết ơn những thầy giáo bộ đội. Bốn đứa con chị đều lớn lên từ lớp học của các chú bộ đội. Nếu không đi học, con không biết viết, biết làm toán thì không thể đi ra ngoài làm ăn, buôn bán để có cuộc sống no đủ. “Điều tôi mừng nhất, được các chú, các anh chỉ dạy, con tôi biết đọc sách, báo, biết tìm hiểu điều hay, lẽ phải, biết sống tử tế với mọi người nên cháu mới bớt khổ, cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc. Chuyện này trước đây tôi không tin mà giờ đã thấy”, chị Lan cảm kích thổ lộ.

Không chỉ Tươi, 3 đứa em của Tươi trưởng thành từ lớp học tình thương, mà rất nhiều trẻ em nghèo nơi đây, xem lớp học này là mái nhà chung, nơi nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng. Ông Huỳnh Phúc, Tổ trưởng Tổ dân phố 18 khu dân cư Trường Phúc cho biết: “Gần 15 năm qua, lớp học tình thương này, đã trở thành “tấm lá chắn”, bảo vệ các em nhỏ tránh được cạm bẫy của các đối tượng hút chích. Từ lớp học này, hàng trăm đứa trẻ nghèo đã lớn lên, trưởng thành, vào đời, tự thân vận động mưu sinh, tạo lập cuộc sống khá ổn định. Hy vọng rằng, lớp học này vẫn luôn duy trì để ngày càng nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận con chữ, tìm cơ hội đổi đời”.

L .HƯƠNG - X.HƯƠNG