Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Những tín hiệu lạc quan về bình đẳng giới ở vùng DTTS : Nhiều phụ nữ đã vượt qua rào cản (Bài 1)

Thuý Hồng - 13:34, 21/05/2022

Ngày 28/11/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1898/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025". Sau 4 năm triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến thực chất về bình đẳng giới.

Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS” đã giúp nhiều phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS” đã giúp nhiều phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Những tấm gương vượt lên chính mình

Xuất thân từ gia đình nghèo khó, bản thân không thông thạo tiếng phổ thông, vừa đến tuổi thanh niên thì lấy chồng như bao người con gái khác ở vùng cao, nhiều người nghĩ chị Hoàng Thị Cẩn, ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái sẽ lại bước vào vòng quay đói nghèo. Nhưng bản thân chị lại không nghĩ như vậy, chị Cẩn luôn ấp ủ ước mơ được thoát nghèo.

Với khát khao thoát khỏi đói nghèo, gia đình có cuộc sống ổn định, vào những năm 2000, khi nhiều người dân vùng cao, vẫn chỉ quanh quẩn với mấy thửa ruộng nhỏ và vào rừng hái măng, hái rau dại, thì gia đình chị Cẩn đã bắt đầu cải tạo những nương cằn thành ruộng nước, nuôi gà, nuôi cá để đem bán. Rồi có vốn lớn hơn thì mua lợn, mua trâu, bò về nuôi. Bất cứ lúc nào xã, huyện mở lớp hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi là anh chị lại lặn lội theo học để lấy kinh nghiệm.

Có những lúc gà dịch chết, trâu bò bị bệnh và cả những năm mất mùa, cũng không làm chị nản chí. Hiện nay, gia đình chị Cẩn đã là một trong những gia đình khá giả nhất bản. Anh chị đang sở hữu một gia trại với 14 con trâu bò, hơn 50 con lợn và hàng trăm con gia cầm. Thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí trên 300 triệu đồng.

Chị Cẩn chia sẻ: Có được như ngày hôm nay,  là được Nhà nước giúp vốn vay ưu đãi và các cấp hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất. Giờ thì thu nhập cao hơn, cuộc sống ổn định, mình có điều kiện để chăm lo cho cuộc sống, gia đình tốt hơn".

Hay như với chị Hoàng Thị Sưới, sinh năm 1975 ở bản Boong Xanh, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cũng đã mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế, khẳng định giá trị của bản thân, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Được nâng cao nhận thức từ các mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, chị đã bàn với chồng quyết tâm phát triển kinh tế gia đình.

Hội viên, phụ nữ xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) nhận bò giống hỗ trợ từ nguồn Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Hội viên phụ nữ xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) nhận bò giống hỗ trợ từ nguồn Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Nghĩ là làm, chị bàn với chồng đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu chăn nuôi với quy mô nhỏ, sau khi có vốn tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại tập trung nuôi lợn thịt, 1 năm xuất khoảng 1 tấn lợn thịt, sau khi trừ chi phí cũng mang lại cho gia đình khoảng 200 triệu đồng. 

Nhận thấy trồng cây ăn quả phù hợp với địa hình, khí hậu nơi sinh sống, vợ chồng chị còn cải tạo diện tích đất sản xuất, trồng thêm 500 cây xoài ghép trên diện tích đất đồi của gia đình… Từ mô hình tổng hợp này, đã mang lại thu nhập cho gia đình mỗi năm từ 350 - 400 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, chị Hoàng Thị Sưới tâm sự: Xuất phát từ gia đình thuần nông nên khó khăn về kinh tế, do đó bản thân tôi đã nỗ lực, vượt khó vươn lên, tôi đã tập trung vào phát triển kinh tế với mô hình đa cây, con kết hợp, từ đó thì kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Chị Cẩn, chị Sưới, là minh chứng cho rất nhiều phụ nữ DTTS đã và đang tự mình thay đổi vận mệnh, chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của mình trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, bằng những hành động, việc làm cụ thể như, ttham gia hệ thống chính trị, tích cực trong công tác xã hội; tự tin làm chủ gia đình; mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, thoát khỏi đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS

Thực hiện Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025", sau 4 năm triển khai (2018- 2021), đến nay Đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và đông đảo tầng lớp Nhân dân trong cộng đồng các DTTS. Từ việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng DTTS, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa gia đình người  DTTS.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2018-2021, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức biên soạn, phát hành hơn 20.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về bình đẳng giới bằng nhiều thứ tiếng dân tộc. Có hơn 1.800 mô hình, mô hình điểm về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới ở cả cấp Trung ương và địa phương được xây dựng, hoạt động hiệu quả... Bên cạnh đó, từ các mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế đã gia tăng chủ hộ nữ làm kinh tế giỏi.

Một buổi tuyên truyền bình đẳng giới bằng hình thức sân khấu hoá
Một buổi tuyên truyền bình đẳng giới bằng hình thức sân khấu hoá

Đánh giá về hiệu quả từ việc triển khai Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025", bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhìn nhận, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, vị thế của phụ nữ người DTTS trong các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội được nâng lên.

HIện nay, tỷ lệ phụ nữ người DTTS tham gia cấp ủy, chính quyền, hội đồng nhân dân, Quốc hội... có xu hướng tăng; tỷ trọng việc làm của lao động nữ DTTS trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 83,8% xuống 76,4% và tăng lên trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; tỷ lệ phụ nữ DTTS biết đọc, biết viết tiếng phổ thông cũng tăng dần qua mỗi năm.

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác bình đẳng giới, như: Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương chưa được sâu rộng, hiệu quả; định kiến về giới, còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân; vẫn còn cán bộ cũng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bình đẳng giới. 

Làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy nhiều hơn phụ nữ DTTS vượt qua chính mình, thoát khỏi những định kiến xã hội để họ tự tin khẳng định mình cộng đồng, xã hội, vẫn đang là vấn đề được các ngành, các cấp chính quyền, các tổ chức đặc biệt quan tâm tìm kế sách, giải pháp hiệu quả...