Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Những “vựa lúa” vùng cao

PV - 10:05, 09/05/2018

Đã qua rồi cái thời bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn phải ăn sắn, ngô, rau rừng... thậm chí đứt bữa vì thiếu lương thực trầm trọng.

Những năm trở lại đây, nhiều xã ở huyện Hướng Hóa và Đakrông Quảng Trị đã được biết đến như là những “vựa lúa” giữa đại ngàn. Lúa nước không chỉ giúp bà con chủ động được nguồn lương thực mà còn dôi dư để bán và phục vụ chăn nuôi.

Qua rồi thời “đói” thóc

Trước đây, việc định hướng phát triển lúa nước luôn đặt ra bài toán nan giải cho huyện Hướng Hóa, khi mà điều kiện về địa hình, nguồn nước, kênh mương thủy lợi… đối với miền núi là quá khó khăn. Thêm vào đó là hủ tục “phát, đốt, cốt, trỉa”, trồng lúa kiểu “nhờ trời” còn ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân tộc thiểu số. Thế nhưng, giờ đây mọi chuyện đã đổi khác.

Mùa gặt ở vùng cao Quảng Trị. Mùa gặt ở vùng cao Quảng Trị.

Bằng chứng rõ nhất chính là không khí rộn ràng phấn khởi khắp đây đó trên các bản làng miền núi khi bước vào mùa vụ thu hoạch lúa. Chị Hồ Thị Hoạch, thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa phấn khởi nói: “Mấy năm trước ruộng ở đây thường xuyên thiếu nước nên năng suất thấp lắm. Năm nay nhờ xã cấp thêm giống mới, cán bộ nông nghiệp tận tình hướng dẫn canh tác, nước thủy lợi về tận ruộng, ít bị khô hạn nên lúa lớn nhanh, bà con trong thôn nhà ai cũng được mùa”. Chị Hoạch làm 7 sào ruộng nước, vụ hè thu vừa qua gia đình chị thu được hơn 14 tạ thóc, đảm bảo nguồn lương thực ăn cả năm và còn dành ra để nuôi lợn, gà tăng thu nhập.

Bà Lê Thị Hội, Chủ tịch UBND xã Hướng Tân cho biết: “Thời gian trở lại đây địa phương rất phấn khởi vì lúa nước của bà con luôn đạt năng suất khá, cải thiện đáng kể đời sống người nông dân. Thời gian tới, địa phương tiếp tục chỉ đạo bà con chủ động phát triển lúa nước ở những vùng thuận lợi, đảm bảo năng suất và chất lượng bền vững, còn những diện tích lúa xấu do địa hình và kênh mương quá khó khăn thì chuyển sang trồng cây ngô”.

Toàn huyện Hướng Hóa có tổng diện tích lúa nước gần 1.000ha, tập trung chủ yếu tại các xã như: Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Tân, Húc… Các giống lúa phù hợp với vùng đất này chủ yếu là Khang Dân, Thiên Ưu, HT1, HT 95. Thực tế cho thấy, lúa ở đây rất ít sâu bệnh, năng suất năm sau cao hơn năm trước, hiện đạt bình quân trên 40 tạ/ha.

Cũng như ở Hướng Hóa, hiện nay huyện Đakrông có gần 900ha ruộng nước, tăng gấp 9 lần so với lúc mới thành lập huyện vào cuối năm 1996. Tại nhiều xã như Tà Long, A Ngo, Hải Phúc, Hướng Hiệp... đồng bào đã chuyển dần từ tập quán “phát, đốt, cốt, trỉa” sang làm ruộng nuớc và nhiều gia đình hiện đã đảm bảo nguồn lương thực cho mình, tạo điều kiện để vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Những ngày này, vợ chồng anh Hồ Văn Cửa, thôn Kreng, xã Hướng Hiệp đang khẩn trương chăm sóc diện tích lúa nước đang lên xanh tốt của gia đình. Anh Cửa vui vẻ bảo: “Trước đây gia đình tôi làm lúa rẫy, mỗi năm cũng chỉ đủ ăn 3-4 tháng. Giờ chuyển sang làm lúa nước, năng suất lúa cao hơn lúa rẫy gấp 4-5 lần. Như gia đình tôi, có 1 mẫu ruộng, thì mỗi năm cũng thu gần 2 tấn lúa, vừa đủ lương thực cho cả gia đình vừa có thêm thức ăn để chăn nuôi gà, lợn và bán ra ngoài”...

Từ “nhờ trời” đến thâm canh

Để sản xuất lúa nước đạt hiệu quả lâu dài, chính quyền địa phương các xã của huyện Hướng Hóa và Đakrông đã thường xuyên hướng dẫn bà con theo dõi mực nước, nạo vét kênh mương, chủ động việc tưới tiêu. Bên cạnh đó tuân thủ nghiêm ngặt lịch nông vụ và cách phòng chống dịch bệnh trên cây lúa. Chính vì vậy, hiệu quả của việc sản xuất lúa nước tại nhiều xã vùng cao của tỉnh thời gian qua luôn ổn định và đạt mức khá. Giải quyết được vấn đề phát triển cây lúa nước, các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông đã cơ bản giải quyết tốt vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người dân vùng cao của tỉnh Quảng Trị đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa nước. Người dân vùng cao của tỉnh Quảng Trị đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa nước.

Đồng thời, nhằm khuyến khích người dân bảo vệ và phát triển diện tích đất trồng lúa, huyện Hướng Hóa đã có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người trồng lúa. Năm 2017, huyện đã hỗ trợ trên 912 triệu đồng, trong năm 2018 huyện tiếp tục hỗ trợ 900 triệu đồng. Phần lớn số tiền hỗ trợ này được phân bổ cho các xã, thị trấn chi trả trực tiếp cho người dân sản xuất lúa, hỗ trợ phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất mới, đầu tư giống, phân bón nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm lúa. Số tiền còn lại được phân bổ theo tỷ lệ diện tích đất trồng lúa tại các địa phương để duy tu bảo dưỡng kênh mương, đập thủy lợi phục vụ sản xuất lúa.

Tại xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông), thông qua nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhiều công trình thủy lợi được sửa chữa hoặc xây dựng mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển ruộng lúa nước. Đến nay, xã Hướng Hiệp là một trong những điển hình về sản xuất lúa nước của huyện Đakrông. Toàn xã Hướng Hiệp phát triển được 143ha ruộng nước, năng suất bình quân đạt 38-40 tạ/ha.

Ông Hồ Chí Cường, Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp đúc kết kinh nghiệm sau nhiều vụ mùa lúa nước thành công tại địa phương: “Để sản xuất lúa nước đạt hiệu quả, chúng tôi đã tập trung vào 4 vấn đề: Thứ nhất là đầu tư, tu sửa hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho đồng ruộng. Thứ hai là đưa các loại giống lúa mới phù hợp vào sản xuất. Thứ ba là phải đảm bảo phân bón cho lúa, hiện tại địa phương đang sử dụng phân viên dúi sâu để bón cho lúa mang lại hiệu quả rất cao và phù hợp với điều kiện thâm canh lúa nước ở miền núi. Cuối cùng là phải bám đúng lịch thời vụ, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất”.

Đến nay lối canh tác “phát, cốt, đốt, trỉa”, trồng lúa kiểu “nhờ trời” của người Vân Kiều, Pa Cô gần như đã chấm dứt. Tình trạng đứt bữa vì thiếu thóc gạo nay cũng hiếm dần. Người nông dân vùng dân tộc thiểu số ở miền núi biên giới của tỉnh giờ đây đã hoàn toàn có thể tự tin trên chính những ruộng lúa của mình. Họ cũng đã có những mùa vàng bội thu ngay giữa núi rừng xanh thẳm…

ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Đổi thay ở Lân Quan

Đổi thay ở Lân Quan

Từng là một xóm vùng sâu đầy gian khó của người Mông, hôm nay Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã có nhiều đổi thay. Phấn khởi hơn, là sự thay đổi tư duy nhận thức của đồng bào Mông trong việc nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình, thôn xóm ngày càng phát triển