Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nỗi buồn từ “phiên tòa tảo hôn”

PV - 14:57, 16/03/2018

Thời gian qua, ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS diễn biến khá phức tạp.

Chỉ vì thiếu hiểu biết, mà các cô bé, cậu bé  đã trở thành những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ. Hậu quả của những cuộc hôn nhân không được pháp luật thừa nhận này khiến cuộc sống của các em vô vàn khó khăn, gia đình không hạnh phúc thậm chí dẫn đến những mâu thuẫn không lối thoát.

Bản án thẩm phán không muốn tuyên

Đinh Văn B (sinh năm 1998) và Đinh Thị C (sinh năm 1999) đều là người dân tộc Hrê ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Cả hai được sinh ra trong gia đình nghèo, thiếu đất canh tác, và đều là kết quả của những cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi. Do cuộc sống khó khăn nên cả B và C đều nghỉ học sớm, để bươn chải mưu sinh. Vì có chung hoàn cảnh lại không được gia đình chỉ bảo nên B và C đã nảy sinh tình cảm, sau đó trở thành vợ chồng, rồi sinh con khi mới 15, 16 tuổi. Khi mọi việc đã rồi, cha mẹ hai bên gia đình đã tổ chức lễ cưới theo phong tục địa phương và mời dân làng tới tham dự và chúc mừng cho lũ trẻ.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền. Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền.

 

Ban đầu, gia đình trẻ này cũng rất hạnh phúc, nhưng qua một thời gian, cuộc sống ngày càng khó khăn lại nuôi con nhỏ nên luôn túng thiếu. Bi kịch xảy ra khi B phải đi làm thuê ở xa để kiếm tiền trang trải cuộc sống, còn C ở nhà chăm sóc con. Xa chồng, trong khi C. mới 16 tuổi với suy nghĩ chưa chín chắn, tâm lý non nớt, đặc biệt vẫn thích được chăm sóc thương yêu như bao đứa trẻ khác. Thế là những lời tán tỉnh xung quanh đã khiến C. thay lòng. Khi phát hiện những thay đổi của C, B bắt đầu nghi ngờ người vợ trẻ không còn chung thủy. Nhưng do cũng đang ở độ tuổi vị thành niên, nhận thức có phần hạn chế, không có khả năng xử lý tình huống, không kìm chế được bản thân, nên B đã dùng dao để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Ba nhát dao oan nghiệt đã khiến cho C mang thương tật 60%, còn B tìm cách tự tử, nhưng không thành.

Ngày ra tòa, những người dự phiên tòa cảm thấy xót xa cho hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ và đứa con thơ. Đánh giá đầy đủ chứng cứ, cũng như nguyên nhân động cơ phạm tội của bị cáo B xét một phần lỗi của bị hại, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt B 2 năm tù. Sau khi chấp hành án phạt, B sẽ lại được trở về với cộng đồng. Nhưng vết thương lòng mà ba con người trong gia đình nhỏ ấy khó mà xóa nhòa được.

Cần ngăn chặn từ xa

Qua trao đổi với các cơ quan chức năng, trường hợp của B và C chỉ là một trong nhiều vụ án hình sự xuất phát từ tảo hôn. Để ngăn chặn các vụ án này, thiết nghĩ chúng ta cần “phòng bệnh” là giải quyết vấn nạn tảo hôn trước.

Trước hết, người dân cần phải lưu ý, tảo hôn là một hành vi vi phạm pháp luật. Theo khoản 8, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thì “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn”. Độ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8, thì “nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Tuy nhiên, đối với đồng bào DTTS, chuyện lấy vợ, lấy chồng khi 15, 16 tuổi thậm chí 13 tuổi vẫn thường xảy ra. Nhất là khi bé gái đã có thai thì càng phải có một đám cưới, đó là điều rất khó can thiệp.

Thống kê của các ngành chức năng, 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có hơn 700 trường hợp tảo hôn tại các xã vùng cao, vùng sâu của các huyện miền núi. Ông Đoàn Nhật Nam, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh (Sở Tư pháp Quảng Ngãi) chia sẻ: “Sở dĩ có nạn tảo hôn là do nhận thức còn nhiều hạn chế về hôn nhân, nhiều trường hợp con em đồng bào DTTS ở các huyện miền núi trong tỉnh được gia đình cho dựng vợ, gả chồng khi tuổi đời còn rất nhỏ. Từ đây nhiều hệ lụy đã xảy ra, nhiều em phải bỏ học giữa chừng, cuộc sống của những đôi vợ chồng trẻ cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Có trường hợp vợ chồng mâu thuẫn, không đủ kỹ năng xử lý tình huống, dẫn đến gây thương tích cho nhau, có trường hợp vợ chết, chồng đi tù con không có người chăm sóc”.

Còn ông Hồ Văn Thế, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Để hạn chế tình trạng tảo hôn, trước hết cần thay đổi cách tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận thông tin pháp luật đầy đủ chính xác. Cần có các chương trình tuyên truyền pháp luật dưới các hình thức khác nhau, sân khấu hoá, hiện thực hoá thông qua các phiên toà giả định đến đồng DTTS để họ nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật. Một kênh rất quan trọng khác đó chính là, phát huy vai trò của người cao tuổi ở địa phương trong việc tuyên truyền đến với người DTTS, bởi đồng bào thường có niềm tin tuyệt đối vào Người già có uy tín”.

ĐẠT THÀNH NHÂN