Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nỗi lo từ các kho chứa thuốc bảo vệ thực vật

PV - 11:32, 28/08/2018

Nguồn nước giếng có mùi lạ, đất đai canh tác khó, thậm chí có nhiều người đang khỏe mạnh bỗng chốc mắc những căn bệnh lạ không được bao lâu thì tử vong…, đó là thực trạng vẫn tồn tại lâu nay ở các thôn 5, 14- xã Minh Xuân và thôn Cây Thị, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái), nơi trước đây là kho chứa thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của các hợp tác xã.

 

kho chứa thuốc Giếng nước cạnh kho thuốc BVTV của HTX Minh Dương cũ có mùi lạ, người dân bỏ hoang từ lâu.

Tại thôn 5, xã Minh Xuân hiện vẫn còn sót lại một cái giếng của Hợp tác xã Minh Dương cũ. Cách đây khoảng 50 năm, nơi đây là kho chứa thuốc BVTV. Theo người dân sống quanh khu vực này cho biết, cái giếng chỉ cách kho thuốc gần 10m, cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân trong thôn. Qua thời gian, nước ở giếng có nhiều màu lạ, bốc mùi khó chịu khiến người dân hoang mang, không dám sử dụng nên bị bỏ hoang từ lâu nay.

Đáng lo ngại nhất là sự ra đi đột ngột của ông Hoàng Văn Đẹp, nhà ở thôn 5, xã Minh Xuân. Bà Hoàng Thị Nữ, vợ của ông Đẹp cho biết, trước đây kho thuốc BVTV của Hợp tác xã được đặt ngay khu vườn, cạnh nhà của bà. Ông Đẹp vốn là người khỏe mạnh, được người dân và chính quyền xã tin tưởng bầu làm trưởng thôn trong suốt 10 năm. Đến giữa năm 2016, khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, thường xuyên buồn nôn, ông được gia đình đưa đi Hà Nội khám và phát hiện ra bị ung thư phổi. 6 tháng sau, ông Đẹp qua đời. Bà Nữ chia sẻ trong nỗi lo âu: “Từ khi chồng tôi mất, cuộc sống của gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Bản thân tôi cũng thường xuyên đau đầu, chóng mặt…”.

Người mất, nguồn nước ô nhiễm đã kéo theo nhiều hệ lụy. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 30 hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng nguồn nước, giếng đào có nước nhưng không sử dụng được. Các hộ phải kéo đường ống lấy nước từ các triền núi về để sử dụng. Bên cạnh đó, đất đai trước đây khó canh tác, nhiều cây trồng không được thu hoạch, từ đó nhiều căn bệnh cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Từ năm 2006 đến nay, trong thôn đã có 5 người tử vong, tất cả được xác định là ung thư gan, phổi…. Nhiều người hiện nay cũng đang mang trong mình nhiều bệnh nhưng vì cuộc sống khó khăn nên họ đành chấp nhận với cuộc sống hiện tại.

Còn tại khu vực thôn Cây Thị, xã Liễu Đô, khu vực hộ gia đình ông Trịnh Thành Pháo đang ở trước đây cũng có kho thuốc chứa hóa chất, vật tư nông nghiệp của Hợp tác xã Lời. Kho được xây dựng khoảng năm 1976, hoạt động đến năm 1994, gồm 7 gian với diện tích khoảng 120m2. Các hoạt động lưu chứa, phân phối và vận chuyển được thực hiện ngay tại kho, trực tiếp trên nền đất kho và xung quanh. Vào thời điểm ngừng hoạt động, trong kho vẫn còn thuốc. Lượng thuốc này đã được thu gom đem chôn, tuy nhiên hiện nay không xác định được vị trí chôn lấp.

Ông Pháo cho biết, năm 2.000, khi ông làm nhà, đào móng lên có mùi và phát hiện có mấy bao hóa chất BVTV (nghi là DDT). Nền nhà của gia đình ông Pháo hiện nay cao hơn so với nền kho cũ khoảng 20-30cm, đã đổ bê tông. “Những hôm trời mưa và nắng vẫn còn mùi thuốc bốc lên nên không dám ở nhà. Gia đình tôi có giếng đào, sâu khoảng 4m, nước có mùi dầu không ăn được”, ông Pháo thông tin.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hóa chất BVTV đứng đầu trong danh sách các loại hóa chất độc hại nguy hiểm. Trong khi đó, các kho chứa hóa chất BVTV tồn lưu hầu hết được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay nhiều kho bị dột nát, rạn nứt, hệ thống thoát nước không có nên khi mưa lớn sẽ phát tán thuốc BVTV ra môi trường. Những hóa chất độc hại có thể theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là một trong những tác nhân gây ung thư.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đến khảo sát, nắm tình hình ở thôn 5 của Hợp tác xã Minh Dương (cũ) và thôn 14 của Hợp tác xã Khai Xuân (cũ) nhưng nay người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời. Ông Nông Mạnh Tường, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: “Chúng tôi tha thiết đề nghị các ngành chức năng có thẩm quyền xem xét, nhanh chóng có phương án hỗ trợ để người dân yên tâm ổn định đời sống”.

KHẮC ĐIỆP

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.