Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Nuôi trồng, chế biến tôm ở Tây Nam bộ: Liên kết để vượt khó

PV - 00:04, 05/05/2020

Con tôm được các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau xác định là vật nuôi mũi nhọn. Tuy nhiên, trước khó khăn mặn xâm nhập, dịch bệnh Covid - 19 hoành hành, người nuôi tôm và doanh nghiệp (DN) ở các địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Dịch bệnh, hạn mặn khiến cho Cà Mau khó duy trì được mức xuất khẩu tôm như năm 2019. (Ảnh: Dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu tỉnh Cà Mau).
Dịch bệnh, hạn mặn khiến cho Cà Mau khó duy trì được mức xuất khẩu tôm như năm 2019. (Ảnh: Dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu tỉnh Cà Mau).

Giá tôm giảm sâu

Sau thời gian dài chịu hạn mặn, nhiều ao tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu đã giảm sản lượng. Không những vậy, giá tôm sụt giảm sâu khiến người nông đang đối diện với một vụ mùa thua lỗ nặng.

Ông Văng Văn Lành, ấp Bào Kè, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết: “Nếu con tôm bị hao hụt do hạn mặn mà giá tôm như mọi năm, thì thời điểm này thu hoạch vẫn có lãi. Nhưng năm nay, vừa thất vụ còn bị ảnh hưởng dịch bệnh, giá tôm tụt thấp, bán không người mua”.

Ông Lành tính toán, với 2 ao nuôi tôm sau 3 tháng, thu hoạch khoảng 10 tấn, với giá hiện tại 120.000 đồng/kg loại 40 con/kg thì chưa đủ tiền đầu tư. Nhưng nếu không bán, mỗi ngày phải tốn chi phí tiền thức ăn, thuốc, điện mất khoảng 15 triệu đồng/ngày.

Còn ở Bạc Liêu, theo bà con nông dân, chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà giá tôm giảm mạnh như hiện nay. Trước tết Nguyên đán 2020, giá tôm sú (loại 30 con/kg) là 300 nghìn đồng/kg, thì nay thương lái mua 130 – 150 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 50%.

Anh Lê Thanh Tiện, ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) đầu tư hơn 500 triệu đồng để nuôi 4 ao tôm. Do nắng nóng, độ mặn tăng nên 3 ao tôm nuôi chết, chỉ còn 1 ao, nhưng tôm lại rớt giá. Tính ra, vụ tôm nuôi này, anh Tiện lỗ hơn 300 triệu đồng.

Bên cạnh giá tôm giảm mạnh, thời điểm này chuẩn bị bước vào vụ tôm chính nhưng do kênh mương bị bồi lắng, việc lấy nước nuôi tôm gặp khó khăn, vì vậy một số hộ ở xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) có khả năng "treo" ao. Tính đến cuối tháng 3/2020, bà con nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã xuống giống 115.572ha và đã có hơn 1.800ha tôm nuôi bị thiệt hại.

Liên kết để cùng gỡ khó

Không chỉ người nông dân mà với các DN ở Cà Mau, Bạc Liêu, đại dịch Covid–19 đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh. Thị trường xuất khẩu chính của các DN Cà Mau là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, đang bị dịch Covid-19 hoành hành, việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước hiện đang ngưng nhập hàng.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Cty Camimex Group (Cà Mau), cho hay: Ban đầu chỉ có thị trường Trung Quốc ngừng nhập hàng, giờ lan rộng cả thị trường châu Âu, đây là những thị trường quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Trong 2 - 3 tháng liên tục, xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ. Các đơn hàng cũng giảm 50% so với bình thường.

Ông Sơn cho rằng, để hỗ trợ DN, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi,…. Đây là những cơ chế rất tốt nhưng chưa thực sự đúng nhu cầu thực sự của DN chế biến thủy sản hiện nay.

“Điều các DN cần hiện nay cần là đồng vốn mới để khôi phục sản xuất, thu mua nguyên liệu thủy sản. Nếu không có vốn thu mua, dân sẽ treo đầm, khi hết dịch sẽ không có hàng để cung ứng. DN hiện đang trong tình trạng hết sức khó khăn”, ông Sơn nói.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có mối liên hệ chặt chẽ đối với người nông dân. Nông dân dừng sản xuất thì DN không có nguyên liệu đầu vào; DN mà thu mua giá thấp thì nông dân “treo” ao.

“Trước tình thế này, DN phải minh bạch thông tin thu mua để người nông dân nắm bắt, tránh tình trạng để thương lái thu mua với giá lung tung, làm hại đến lợi nhuận kinh tế người dân. Đồng thời, DN cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin, năng lực chế biến với ngân hàng để tạo đủ niềm tin cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh này”, ông Sử cho biết.

Kim ngạch xuất khẩu (chủ yếu từ con tôm) của Cà Mau trong qúy I/2020 chỉ mới đạt 145,61 triệu USD, bằng 12,1% kế hoạch, giảm 17,7% so cùng kỳ (quý I/2019 đạt 178 triệu USD, bằng 14,8% kế hoạch, giảm 2,2% so cùng kỳ). Với xu hướng trên, Cà Mau khó duy trì mức 1,2 tỷ USD xuất khẩu như năm 2019.